Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, ngành Đường sắt tổ chức chạy lại nhiều đôi tàu trên các tuyến phục vụ nhân dân đi lại sau nhiều ngày tạm ngừng chạy để phòng chống dịch Covid-19. Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại ga Hà Nội, hành khách đi tàu đông, thậm chí có lúc ùn ứ cục bộ.
Tuy nhiên, một nhân viên đường sắt chia sẻ thật: Không “ăn thua” so với những kỳ nghỉ lễ trước. Dẫu vậy, nhân viên đường sắt từ khách vận dưới ga đến phục vụ trên tàu đều phấn khởi, vì có tàu, có khách là có doanh thu và một bộ phận người lao động có việc làm, có lương, dù ít.
Đến ngày 7/5, khi chính thức dỡ bỏ giãn cách vận tải, ngành Đường sắt sẽ khôi phục, tổ chức chạy tàu khách bình thường trên các tuyến, để “gỡ” lại sản lượng, doanh thu, thêm việc làm, thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, đến nay ngành Đường sắt vẫn chỉ thực hiện hạn chế chạy tàu khách, chỉ khôi phục một số đôi tàu khách trên tuyến Bắc - Nam, Hà Nội - Hải Phòng, còn lại chạy dịp cuối tuần.
Một cán bộ kinh doanh vận tải cho biết, sở dĩ vận tải khách vẫn “im ắng” là vì sau kỳ nghỉ, nhu cầu vận tải giảm mạnh, tàu vắng khách. “Tàu có khách đâu mà chạy, càng chạy càng lỗ. Tốt nhất là không chạy, đỡ mất chi phí. Nhưng lo nhất là thời gian tới, khi thi công gói 7.000 tỉ, đường sẽ bị “nghẽn”, phải giảm tàu, kéo dài hành trình”, vị này nói.
Ngày 8/5 vừa qua, chính thức khởi công gói thầu XL-CY-01, gói thầu xây lắp đầu tiên trong 4 dự án nâng cấp, cải tạo hạ tầng trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM với tổng vốn đầu tư 7.000 tỉ sử dụng vốn trung hạn 2016-2020.
Việc triển khai thi công đồng loạt 4 dự án này trên hạ tầng đường đơn đang khai thác chạy tàu đã đặt cho các nhà tổ chức vận tải đường sắt bài toán khó: tổ chức chạy tàu nào, điều chỉnh hành trình, biểu đồ ra sao, chạy nhiều tàu khách hay nhiều tàu hàng… Mục tiêu là phải đảm bảo hiệu quả kinh doanh vận tải trong điều kiện vừa thi công vừa chạy tàu.
Vì thế, hiện các doanh nghiệp vận tải đường sắt vẫn phải chờ đợi vào việc xây dựng biểu đồ chạy tàu mới và cả nhu cầu thị trường. Trong khi đó, việc xây dựng biểu đồ lại phụ thuộc vào việc ngành Đường sắt “chốt” với bên chủ đầu tư dự án về điểm thi công cần chạy chậm, phong tỏa.
“Mong ngành đường sắt sớm có biểu đồ mới, các công trình hoàn thành đúng tiến độ để chạy tàu, không vận tải đường sắt vẫn rất khó khăn”, vị cán bộ này chia sẻ.