Vật liệu xây dựng tăng giá và nỗi lo lại 'giãn' tiến độ công trình

Thời gian qua, việc thi công xây dựng công trình kéo dài đã ảnh hưởng nhiều đến tiến độ và hiệu quả của dự án.
Vật liệu xây dựng tăng giá và nỗi lo lại 'giãn' tiến độ công trình - Ảnh 1.

(Ảnh: Hoàng Huy).

Ước tính đến hết tháng 10/2021, kết quả giải ngân vốn đầu tư công dự kiến chỉ đạt khoảng 55,8% kế hoạch năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (67,2%). 

Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) cũng đã xác định một trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm 2021 là chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 10, giá hàng loạt vật liệu xây dựng đồng loạt tăng giá. Đây là đợt tăng nhanh và nhiều lần thứ 2 trong năm 2012. 

Điều này khiến các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cũng như nhà thầu, chủ đầu tư lo ngại sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ các công trình; trong đó, có cả các dự án sử dụng vốn đầu tư công vì nỗi lo "đội giá".

Các chuyên gia nhận xét, chi phí đầu tư xây dựng đang tăng cao do khó khăn về nguồn cung ứng vật liệu, nhân công, máy và thiết bị thi công cũng như những chi phí phát sinh khác.

Điển hình là việc dừng thi công xây dựng làm phát sinh chi phí; bổ sung các chi phí cho khâu phòng, chống dịch…

Thời gian qua, việc thi công xây dựng công trình kéo dài đã ảnh hưởng nhiều đến tiến độ và hiệu quả của dự án. 

Đối với các hợp đồng xây dựng theo đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói, việc không được điều chỉnh do biến động giá tăng, giảm hoặc không được thanh toán các chi phí phát sinh sẽ dẫn đến việc càng làm càng thua lỗ.

Việc đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư, thiết bị, máy thi công, nhân công xây dựng làm chi phí đầu vào tăng cao, năng suất lao động trên công trường giảm nghiêm trọng dẫn đến chi phí thi công thực tế vượt xa hạn mức dự tính tại thời điểm đấu thầu, ký kết hợp đồng.

Thực tế cho thấy, sau khi các địa phương đã nới lỏng về việc kiểm soát dịch Covid-19 từ cuối tháng 9, đầu tháng 10, nhiều công trình xây dựng bắt đầu thi công trở lại. 

Tuy nhiên, hiện nay, giá vật liệu xây dựng vẫn đang ở mức cao; thậm chí một số mặt hàng như xi măng, sắt thép lại bắt đầu đợt tăng giá thứ 2 trong năm nay khiến nhiều chủ thầu công trình như ngồi trên đống lửa.

Bà Vũ Hoài Châu đang xây một ngôi nhà 7 tầng tại quận Cầu Giấy cho hay, công trình khởi công cách đây 7 tháng mà giờ vẫn ngổn ngang. Ở giai đoạn nhà bà Châu xây thô, làm móng đã vấp phải đợt tăng giá thép chóng mặt tới 30%, xi măng cũng "leo thang" 10%.

Vậy mà sau cả thời gian giãn cách kéo dài, nay công trình bắt đầu vào giai đoạn hoàn thiện thì lại tiếp tục đối mặt với đợt tăng giá mới. Trong khi đó, nhân công cũng khan hiếm, chi phí dự toán xây dựng đội lên khá nhiều mà vẫn chưa biết bao giờ mới hoàn thành - bà Châu chia sẻ.

Tương tự như trường hợp của gia đình nhà bà Châu, nhiều người cũng bầy tỏ sự ngần ngại khi xây nhà. Không chỉ các công trình tư nhân riêng lẻ, nhiều dự án bất động sản lớn sau thời gian tạm nghỉ cũng đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, VACC đã ghi nhận được nhiều phản ánh từ các doanh nghiệp xây dựng về việc phải đối mặt với những ảnh hưởng nặng nề khi dịch Covid-19 kéo dài.

Cụ thể là việc nhiều công trường thi công bị ngừng trệ do không huy động được thiết bị. cùng đó, vật liệu xây dựng khan hiếm, tăng giá cũng ảnh hưởng lớn tới tiến độ thi công, thanh quyết toán… Đặc biệt, nhiều công trình bị đình chỉ thi công làm các doanh nghiệp xây dựng gặp nhiều khó khăn.

Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh nhận xét, hiện không chỉ thép mà rất nhiều vật liệu xây dựng khác tăng đã làm đội vốn công trình xây dựng. 

Điều này khiến nhiều dự án đầu tư có sử dụng ngân sách nhà nước có nguy cơ đình trệ. Vật liệu xây dựng tăng đã làm thay đổi tổng vốn đầu tư, nội dung quan trọng nhất trong chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư.

"Chúng ta không thể quyết định tổng mức đầu tư ngay từ trong chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư bởi đây là yếu tố dễ bị ảnh hưởng bởi biến động giá cả. 

Theo luật, khi tổng vốn đầu tư thay đổi, chủ đầu tư buộc phải xin điều chỉnh chủ trương đầu tư"  - ông Thịnh nói. Quy định này đang làm chậm trễ rất nhiều dự án đầu tư công lớn hiện nay, gây tốn kém, lãng phí và không hiệu quả.

Khi tổng mức đầu tư thay đổi, chủ đầu tư buộc phải đi xin lại chủ trương đầu tư. Thủ tục này có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí hằng năm. 

Vì vậy, nếu Chính phủ không chỉ đạo quyết liệt, giải ngân đầu tư công năm nay chắc chắn sẽ thấp - Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Đánh giá về thực trạng này, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, nhiều doanh nghiệp xây dựng lao đao, đứng trước nguy cơ “vỡ trận”, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công công trình đã và đang thực hiện vì phần lớn hợp đồng ký đơn giá cố định, làm tiếp cũng lỗ, không làm cũng lỗ do phải đền bù. 

Điều này ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội, tăng trưởng kinh tế năm 2021 và các năm tiếp theo.

Những tác động trên đã ảnh hưởng trực tiếp và có tác động lớn đến thực hiện các cam kết trong hợp đồng giữa các chủ thể, đặc biệt là những hợp đồng xây dựng sử dụng nguồn vốn nhà nước như: phá vỡ tiến độ thực hiện hợp đồng; phát sinh nhiều chi phí và chi phí để thực hiện hợp đồng tăng cao.

Bộ Xây dựng dẫn chứng, chỉ số giá xây dựng trong 2 quý đầu của năm 2021 tăng 3,82% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó tác động chính là do sự tăng giá của các vật liệu xây dựng đầu vào như giá thép xây dựng tăng tới từ 30-40% và mức tăng này được xem là không theo quy luật thông thường. Cùng đó, giá nhựa đường cũng tăng từ 9-10%; giá xi măng tăng khoảng 5%...

Trước tình hình trên, nhằm thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và biến động của giá thép đến các hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi cơ quan liên quan và các địa phương. 

Bộ Xây dựng đề nghị, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các Sở Xây dựng thường xuyên theo dõi kịp thời cập nhập, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp; các cơ quan liên quan đánh giá tác động của Covid-19 và biến động giá vật liệu xây dựng chủ yếu là thép xây dựng.

Từ đó, đề xuất các giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác động tiêu cực từ tăng giá thép để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu thi công xây dựng. 

Hiện, Bộ Xây dựng đang tổng hợp thông tin báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.