Trong đó, số dự án cấp giấy chứng nhận đầu tư mới 44 dự án với tổng số vốn đăng ký là hơn 482 triệu USD và 23 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đăng ký tăng hơn 799 triệu USD. Số dự án góp vốn, mua cổ phần 81 dự án với tổng vốn 225,4 triệu USD.
Đáng chú ý, sau thời gian tỉnh trở về trạng thái bình thường mới từ ngày 15/9 đến nay đã thu hút 14 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các ngành, lĩnh vực các doanh nghiệp mới đi vào hoạt động sản xuất trong kỳ như: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo…
Theo khảo sát mới nhất của tỉnh Bình Dương về tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2021 so với quý III/2021 của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; trong đó có 88% số số doanh nghiệp dự báo tình hình tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2021 ổn định và tốt hơn so với quý III/2021; 12% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
Theo ông Byun Jae Woong, Tổng giám đốc Công ty TNHH Panko Vina vốn đầu tư nước ngoài chuyên sản xuất gia công dệt, nhuộm, may mặc quần áo các loại; Sản xuất bông tái chế từ phế liệu vải sợi (đóng nhà máy khu công nghiệp Mỹ Phước, thị xã Bến Cát), cho biết trong việc khôi phục sản xuất ở thời điểm hiện nay, khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp đang gặp phải là việc thiếu nguồn lao động khi trở lại sản xuất, nỗ lực giữ vững chuỗi cung ứng ngành may mặc trong thời điểm hiện nay.
Hiện công ty đã khôi phục sản xuất với số lượng lao động trở lại khoảng 4.800 trên tổng số 7.000 lao động của nhà máy từ đầu năm 2021.
Hiện công ty mong muốn được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền để đón lao động trở lại nhà máy, cũng như tuyển dụng thêm lao động cũng như được hướng dẫn thêm các vấn đề về đảm bảo công tác phòng chống dịch trong nhà máy, đảm bảo việc khôi phục sản xuất bền vững trong tình hình hiện nay theo lộ trình đã vạch ra.
Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương Bùi Minh Trí cho biết, đến ngày 28/10, đã có 1.968 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tỉnh tiến hành khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh, đạt trên 96%. Số lượng lao động trở lại làm việc trong các công ty là gần 373 nghìn người, đạt trên 76%.
Sau gần 1 tháng trở lại bình thường mới, các hoạt động phục hồi sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tại Bình Dương đã nhanh chóng tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 lấy lại mục tiêu sản xuất.
Ghi nhận tại nhiều công ty có tỷ lệ lao động quay lại làm việc đạt gần 100% và khôi phục sản xuất đạt công suất 70 - 80% kế hoạch năm 2021.
Trong 9 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh Bình Dương vẫn tăng 2,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2020 tăng 6,7%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 1,9% so vói cùng kỳ (cùng kỳ năm 2020 tăng 10,9%). Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 4,62 tỷ USD (cùng kỳ năm 2020 xuất siêu 4,48 tỷ USD).