Đón sóng FDI, Hưng Yên mời đầu tư 14 dự án công nghiệp gần 32.000 tỷ

Trong bối cảnh quỹ đất công nghiệp ở Hà Nội khan hiếm và Việt Nam đón sóng FDI dịch chuyển từ Trung Quốc, Hưng Yên đã có thông báo mời đầu tư hàng loạt dự án công nghiệp quy mô lớn.
Đón sóng FDI, Hưng Yên mời đầu tư 14 dự án công nghiệp gần 32.000 tỷ - Ảnh 1.

KCN Yên Mỹ. (Ảnh: viglaceraip.com).

Ngày 28/9 vừa qua, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành danh mục dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Trong lĩnh vực hạ tầng công nghiệp, tỉnh mời đầu tư 14 dự án với tổng mức đầu tư 31.685 tỷ đồng.

Dự án có quy mô lớn nhất trong danh sách này là khu công nghiệp (KCN) Tiên Lữ - Kim Động - Ân Thi tại các huyện Tiên Lữ, Ân Thi, Kim Động, quy mô 548,5 ha, tổng mức đầu tư 6.856 tỷ đồng. Tiếp đến là KCN Sala tại thị xã Mỹ Hào (392 ha, tổng mức đầu tư 4.900 tỷ đồng).

Tại huyện Ân Thi, tỉnh mời đầu tư một số dự án gồm KCN - đô thị - dịch vụ Tân Á Đại Thành tại xã Văn Nhuệ và Hoàng Hoa Thám (269 ha, 3.363 tỷ đồng); KCN Quang Vinh tại các xã Quang Vinh, Vân Du và Đào Dương (198 ha, 2.475 tỷ đồng); các KCN số 1, 4, 5, 6, 7 trong tổ hợp KCN đô thị dịch vụ Lý Thường Kiệt (1.686 ha, 1.560 tỷ đồng).

Các dự án quy mô nghìn tỷ nằm trong danh mục mời đầu tư còn có KCN Yên Mỹ (Viglacera) giai đoạn 2 tại huyện Yên Mỹ (200 ha, 2.500 tỷ đồng); KCN Minh Quang mở rộng ở thị xã Mỹ Hào (200 ha, 2.500 tỷ đồng); KCN dịch vụ Chính Nghĩa - Phạm Ngũ Lão tại huyện Kim Động (200 ha, 2.500 tỷ đồng); cụm công nghiệp (CCN) Phố Hiến tại TP Hưng Yên (280 ha, 2.953 tỷ đồng).

Những dự án còn lại bao gồm CCN Yên Phú tại huyện Yên Mỹ (65 ha, 850 tỷ đồng); CCN Bảo Khê tại TP Hưng Yên (50 ha, 600 tỷ đồng); CCN Nam Khoái Châu tại huyện Khoái Châu (30 ha, 540 tỷ đồng); CCN Cao Thôn tại TP Hưng Yên (10 ha, 80 tỷ đồng); CCN Kim Động - Ân Thi (số 01 - 05) và KCN Kim Động - Ân Thi (775 ha).

Hưng Yên là địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là cửa ngõ phía Đông của Hà Nội. Đến nay, tỉnh đã quy hoạch được 13 KCN tập trung với quy mô hơn 3.000 ha và 35 cụm công nghiệp. 

Ngày 27/9 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp bình quân tăng 9 - 10%/năm; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đưa vào hoạt động khoảng 4 KCN và 10 CCN.

Đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng dự kiến chiếm khoảng 70% cơ cấu kinh tế của tỉnh, trở thành địa phương công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước.

Trong bối cảnh quỹ đất công nghiệp ở Hà Nội khan hiếm cũng như Việt Nam đón sóng FDI dịch chuyển từ Trung Quốc, việc Hưng Yên đẩy mạnh phát triển BĐS công nghiệp là điều đã được dự báo từ lâu. 

Theo Colliers International Việt Nam, tính đến quý II/2021, giá chào thuê đất công nghiệp trung bình tại Hà Nội là 140 USD/m2/kỳ, tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 90%. Do quỹ đất ở Hà Nội có hạn, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm đất ở các tỉnh lân cận như Hưng Yên hoặc Hải Dương, nơi có giá thuê đất thấp hơn đáng kể.

chọn
Sắp xây toà nhà cao thứ ba Hà Nội?
Toà nhà Landmark 55 có tổng mức đầu tư 5.934 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ là toà nhà cao tầng thứ ba của Hà Nội, sau Keangnam Landmark và Lotte Center Hà Nội (65 tầng). Chủ đầu tư Taseco Land cho biết dự kiến quý II/2024 xin giấy phép xây dựng, quý III/2024 cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án.