Trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã thu hút 24,8 tỷ USD vốn FDI cam kết với 2.492 dự án mới đăng ký, tổng vốn đầu tư 13,6 tỷ USD.
Bắc Ninh dẫn đầu với 18% tổng vốn FDI, tương đương 4,5 tỷ USD; theo sau là TP HCM 8%; Quảng Ninh 7%. Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, Việt Nam sẽ thu hút được 39 - 40 tỷ USD FDI vào cuối năm 2024.
Xét về lĩnh vực thu hút FDI, sản xuất và chế biến đang chiếm 63% tổng số vốn, đạt 15,6 tỷ USD. Tổng vốn đăng ký mới lĩnh vực này đạt 9 tỷ USD, trong đó miền Bắc chiếm 59%, tương đương 5,3 tỷ USD.
Theo ông Thomas Rooney, Quản lý Cấp cao, Bộ phận Dịch vụ Bất động sản Công nghiệp Savills Hà Nội, trong khi các tỉnh phía Nam chủ yếu thu hút khách thuê bất động sản công nghiệp từ các ngành chế biến, như cao su, nhựa, thực phẩm và nước giải khát, khu vực phía Bắc lại trở thành trung tâm của các ngành có giá trị gia tăng cao, bao gồm ô tô, máy móc thiết bị, điện tử và sản xuất năng lượng mặt trời.
Trong mục tiêu định vị Việt Nam là trung tâm sản xuất công nghệ cao, miền Bắc được đánh giá có sức bật lớn hơn, trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong thời gian tới.
Thống kê của Savills, lĩnh vực sản xuất chiếm 48% tổng vốn FDI đăng ký mới khu vực miền Bắc, tập trung chủ yếu vào các ngành giá trị cao như ô tô và điện tử. Miền Bắc cũng thu hút 7/10 tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn. Bắc Ninh dẫn đầu với sự góp mặt của 4 tập đoàn lớn, bao gồm Samsung Electronics, Amkor Technology, Hanmi Semiconductor và Victory Giang.
Ở mảng năng lượng, 9 tháng đầu năm 2024 có 5 dự án đầu tư vào phía bắc, nổi bật có dự án 454 triệu USD ở Thái Nguyên của Trina Solar Cell. 4 dự án còn lại của các nhà đầu tư lớn, gồm Sunergy Wafer, VDL International B.V, Linton Crystal và Silver Paste PTE.
Lý giải nguyên nhân, ông Thomas cho rằng, sự khác biệt chính giữa thị trường miền Bắc và miền Nam nằm ở trọng tâm công nghiệp và lợi thế hạ tầng. Khu kinh tế trọng điểm phía Bắc bao gồm Bắc Ninh, Hải Phòng, nổi bật với vị trí chiến lược gần Trung Quốc và thị trường Bắc Á, có lợi cho các ngành tập trung vào sản xuất.
Vùng Bắc Bộ chiếm khoảng 61% tổng chiều dài đường cao tốc của Việt Nam và bao gồm tuyến đường cao tốc hiện đại và dài nhất nước, đó là tuyến Lào Cai - Quảng Ninh (khoảng 600 km). Hệ thống cảng ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình và Nam Định, cùng với các sân bay quốc tế Nội Bài và Cát Bi, tạo điều kiện thuận lợi cho kết nối của toàn vùng.
Nhiều tuyến đường cao tốc vùng nối các khu công nghiệp với Hà Nội và biên giới Trung Quốc, qua đó tăng sức hấp dẫn của miền Bắc đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Sắp tới miền Bắc có thêm 2 dự án hạ tầng trọng điểm là đường Vành đai 4 và đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu.
Bên cạnh đó, các tỉnh miền Bắc có lợi thế về quỹ đất phong phú và giá thuê hợp lý. Trong nửa đầu năm 2024, khu Kinh tế phía Bắc cung cấp 12.985 ha đất công nghiệp tại 73 khu công nghiệp, tăng 12% so với năm trước nhờ vào sự mở rộng của các khu công nghiệp ở Hải Phòng, Hưng Yên và Hải Dương.