Tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu công nghiệp Yên Lư (phần mở rộng) giai đoạn 1 đối với CTCP Đầu tư Western Pacific. Dự án này được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt quy hoạch phân khu 1/2000 vào tháng 4/2023.
Theo phê duyệt, KCN Yên Lư mở rộng giai đoạn 1 có diện tích khoảng 120 ha, thuộc địa bàn xã Yên Lư, huyện Yên Dũng. Phía bắc dự án giáp kênh nông nghiệp và dân cư các thôn An Thái, Yên Phượng; phía nam giáp đất nông nghiệp và cân dư các thôn Bùi Bến, Yên Thịnh; phía đông giáp KCN Yên Lư 377 ha (đã phê duyệt); phía tây giáp đất canh tác nông nghiệp và khu dân cư thôn Yên Thịnh.
Về hiện trạng, đất trong khu vực dự án chủ yếu là đất trồng lúa nước, xen kẽ với các loại đất trồng hoa màu và diện tích mặt nước. Đất ở tập trung chủ yếu ở các khu vực giáp ranh dự án, một số khu dân cư đã có đường bê tông nội bộ.
Theo thống kê, hiện trạng dự án có 95 ha đất lúa; 0,5 ha đất ở; 7,7 ha đất thủy sản; 6 ha đất giao thông; 6,5 ha đất thủy lợi...
Hệ thống giao thông khu vực này chưa phát triển, chủ yếu là đường nội đồng phục vụ công tác nông nghiệp. Trong ranh giới dự án có 2 tuyến đường bê tông rộng 5 - 6,7 m. Tuyến ĐT.398 giai đoạn 1 đi qua một phần của dự án đang được đầu tư xây dựng, kết nối trực tiếp với quốc lộ 1A.
Giai đoạn đầu tư, chủ đầu tư sẽ xây dựng mới một tuyến đường dân sinh rộng khoảng 9 m tại khu vực giáp ranh với khu dân cư phía bắc. Đồng thời, các tuyến đường nội bộ hiện hữu sẽ được điều chỉnh, nâng cấp.
Trong cơ cấu sử dụng đất, dự án sẽ bố trí khoảng 78 ha xây dựng nhà máy, kho tàng; 18 ha đất cây xanh, mặt nước; 15 ha đất giao thông; hơn 3 ha dành cho khu dịch vụ...
Các công trình nhà xưởng được xây dựng tối đa cao 5 tầng (không quá 45 m); mật độ xây dựng tối đa 70%; gồm 7 lô đất. Tại các cụm công trình được chia thành các lô đất có diện tích đa dạng và linh hoạt nhằm đảm bảo nhu cầu thu hút đầu tư.
Khu dịch vụ được bố trí tiếp giáp với tuyến đường gom ĐT.398, xây dựng theo hình thức tập trung, bố trí công trình nhà điều hành, dịch vụ cao tối đa 9 tầng, mật độ xây dựng 50 - 75%.
Hệ thống giao thông nội bộ sẽ có 6 tuyến đường với mặt cắt ngang 9 - 38 m, được bố trí theo mạng đường ô cờ liên thông, với các nút giao thông. Bãi đỗ xe bố trí tại 4 khu vực nằm giáp với tuyến đường, xây cao tối đa 3 tầng, mật độ xây dựng tối đa 40%.
Về tính chất, đây là khu công nghiệp tổng hợp đa ngành, khu công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp không gây ô nhiễm. Trong đó ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng; công nghiệp điện, điện tử, công nghệ thông tin; công nghiệp cơ khí, lắp ráp chế tạo máy, tự động hóa; Các ngành công nghiệp có công nghệ sạch, công nghệ cao và thân thiện môi trường như: công nghiệp tin học, phần mềm; công nghiệp chế biến sâu nông thủy sản, thực phẩm đồ uống; công nghiệp dược, thiết bị y tế, công nghiệp thủ công mỹ nghệ; công nghiệp hỗ trợ; logistics, kho vận...
Trong báo cáo vừa công bố, chủ đầu tư cho biết tổng kinh phí thực hiện dự án này là 1.543 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành đi vào hoạt động từ đầu năm 2026.
Bên cạnh KCN Yên Lư mở rộng giai đoạn 1, từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư thêm 2 khu công nghiệp khác tại Hà Nam.
Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định chủ trương đầu tư KCN Đồng Văn VI tại các xã Tiên Ngoại, Yên Nam, Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên với diện tích 250 ha, tổng vốn gần 3.000 tỷ đồng, chủ đầu tư là CTCP Cảng Quốc tế Hà Nam.
Cảng Quốc tế Hà Nam được thành lập vào tháng 2/2020, có trụ sở tại TP Phủ Lý, Hà Nam, là doanh nghiệp thuộc CTCP Western Pacific do bà Phạm Thị Bích Huệ làm Chủ tịch HĐQT.
Trước đó vào ngày 12/7, Phó Thủ tướng cũng đã ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư KCN Đồng Văn V giai đoạn 1 với quy mô khoảng 237 ha.
Dự án có vị trí tại tại phường Tiên Nội, các xã Tiên Ngoại và Yên Nam, thị xã Duy Tiên, chủ đầu tư là CTCP Hạ tầng Hà Nam, tổng vốn đầu tư hơn 2.911 tỷ đồng.
Hạ tầng Hà Nam được thành lập vào tháng 3/2021 với vốn điều lệ 120 tỷ đồng, gồm ba cổ đông: CTCP Western Pacific (51%), Cảng Quốc tế Hà Nam (36%), Phạm Thị Bích Huệ (13%). Tháng 6/2023 vốn điều lệ của doanh nghiệp là 590 tỷ đồng.
Nói thêm về Western Pacific, đây là doanh nghiệp có hơn 20 năm hoạt động trong đầu tư, vận hành và khai thác cảng quốc tế, được biết đến là chủ đầu tư của một số dự án như KCN Yên Phong II-A (Bắc Ninh) quy mô hơn 151 ha; Tổ hợp Cụm Cảng và CCN Yên Lệnh (Hà Nam) gần 100 ha.
Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đang nghiên cứu đầu tư dự án Cụm liên kết ngành công nghiệp - cảng và trung tâm logistics quy mô 305 ha tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế).
Vào năm 2021, CTCP Tập đoàn PC1 (mã chứng khoán: PC1) đã mua 7% cổ phần của Western Pacific, sau đó tăng tỷ lệ này lên 30,08% vào đầu năm 2022.
Trong báo cáo hồi đầu năm, Chứng khoán SSI từng nhận định, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển KCN mới của công ty liên kết là Western Pacific.
Năm 2024, SSI dự báo Western Pacific sẽ tạo ra doanh thu từ KCN Yên Phong IIA ở tỉnh Bắc Ninh. Tổng diện tích của KCN này là 159 ha, trong đó 83 ha được dành cho mục đích công nghiệp với tổng vốn đầu tư là 1.800 tỷ đồng. Nhờ đó, PC1 có thể ghi nhận khoảng 46 tỷ đồng lợi nhuận từ công ty liên kết này.
Một dự án khác mà Western Pacific đang triển khai là CCN Yên Lệnh có diện tích 69 ha, hiện đang dự kiến sẽ tạo ra lợi nhuận từ năm 2025.
Dự án 07:00 | 10/12/2024
Quy hoạch 15:08 | 06/12/2024
Dự án 13:02 | 05/12/2024
Quy hoạch 13:30 | 04/12/2024
Dự án 09:14 | 04/12/2024
Dự án 19:00 | 02/12/2024
Quy hoạch 15:28 | 02/12/2024
Dự án 16:07 | 28/11/2024