Tháng 7/2024, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Khu công nghiệp Đồng Văn V giai đoạn 1 đối với CTCP Hạ tầng Hà Nam. Đến tháng 12/2024, dự án này được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.
KCN Đồng Văn V giai đoạn 1 có tổng diện tích hơn 237 ha, thuộc địa phận phường Tiên Nội và các xã Tiên Ngoại, Yên Nam, thị xã Duy Tiên, Hà Nam.
Phía bắc khu đất dự án tiếp giáp đường quy hoạch rộng 42 m, bên kia đường là khu đất quy hoạch KCN hỗ trợ Đồng Văn III phía Đông đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Phía nam tiếp giáp khu dân cư hiện hữu xã Tiên Ngoại, đường quy hoạch rộng 42 m, bên kia đường quy hoạch rộng 42 m là khu đất quy hoạch KCN Đồng Văn VI.
Phía tây dự án tiếp giáp đất nông nghiệp phường Tiên Nội, xa hơn là tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Phía đông tiếp giáp đường quy hoạch rộng 28 m và khu dân cư hiện trạng xã Yên Nam.
Hiện trạng dự án có khoảng 165,7 ha đất lúa; 45,6 ha đất nuôi trồng thủy sản; 8,4 ha đất kênh mương; 17,6 ha đất giao thông và một diện tích nhỏ 300 m2 đất mộ rải rác...
Trong ranh giới khu đất dự án không có dân cư sinh sống, chỉ có một số công trình tạm phục vụ nuôi trồng thủy sản, 1 trang trại nuôi gà của người dân và một số mộ lẻ tẻ. Các khu dân cư hiện trạng nằm xen kẽ ranh giới dự án.
Giao thông đối ngoại của dự án có cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cách 500 m về phía tây; quốc lộ 1A cách 2,7 km về phía tây; quốc lộ 38 cách 2,7 km về phía bắc; quốc lộ 37B tiếp giáp dự án ở phía đông; chạy qua dự án có đường Lũng Xuyên (ĐH.05) và tuyến đường sắt bắc nam.
Nằm gần dự án còn có sông Châu Giang và sông Hồng. Giao thông đối nội chủ yếu là các đường liên thôn rộng 3 - 5 m và đường đất kết nối các khu dân cư hiện hữu.
Trong cơ cấu sử dụng đất, dự án sẽ bố trí hơn 171 ha để xây dựng các công trình nhà máy, xí nghiệp; 26,7 ha đất cây xanh, mặt nước; 8,5 ha đất dịch vụ; 28 ha đất giao thông và còn lại dành cho hạ tầng kỹ thuật. Quy mô lao động 17.000 - 19.000 người.
Các công trình nhà máy, xí nghiệp được xây tối đa 5 tầng, mật độ xây dựng tối đa 70%, được phân chia diện tích linh hoạt cho các loại nhà máy 1 - 3 ha và trên 3 ha.
Khu đất dịch vụ được xây cao tối đa 8 tầng, mật độ xây dựng tối đa 55%, gồm các công trình nhà điều hành, cung cấp các dịch vụ, tiện ích công cộng, thiết chế văn hóa, thể thao cho người lao động...
Về tiến độ, công tác đền bù giải phóng mặt bằng dự kiến thực hiện từ quý I/2025 đến quý IV/2025. Hiện tại, chủ đầu tư đã phối hợp với đơn vị có chức năng thực hiện cắm mốc ranh giới dự án.
Từ quý I/2026 chủ đầu tư sẽ bắt đầu san lấp mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng đến quý IV/2027. Từ quý I/2028 bắt đầu khai thác vận hành.
Tổng mức đầu tư của KCN Đồng Văn V giai đoạn 1 là 2.911 tỷ đồng, trong đó vốn góp của chủ đầu tư là 437 tỷ đồng. Chi phí bồi thường GPMB là 555 tỷ đồng, còn chi phí xây dựng chiếm 1.690,5 tỷ đồng.
Về chủ đầu tư, Hạ tầng Hà Nam được thành lập vào tháng 3/2021 với vốn điều lệ 120 tỷ đồng, gồm ba cổ đông: CTCP Western Pacific (51%), CTCP Cảng Quốc tế Hà Nam (36%), Phạm Thị Bích Huệ (13%).
Tính đến tháng 9/2024, vốn điều lệ của doanh nghiệp là 590 tỷ đồng. Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật hiện nay là ông Trần Anh Vương. Ông Vương hay còn được biết đến là Shark Vương, hiện là Chủ tịch HĐQT CTCP Group Bắc Việt (mã: BVG), đồng thời là Tổng Giám đốc của Western Pacific Group.
Về các cổ đông của Hạ tầng Hà Nam, bà Phạm Thị Bích Huệ là sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT CTCP Western Pacific.
CTCP Cảng Quốc tế Hà Nam được thành lập vào tháng 2/2020, có trụ sở tại TP Phủ Lý, Hà Nam. Thời điểm mới thành lập, doanh nghiệp có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, bao gồm các cổ đông: Phạm Thị Bích Huệ (49%), CTCP Đầu tư Western Pacific (36%), Phạm Bá Tuấn (10%), Trương Hữu Nhân (5%).
Tháng 4/2020, doanh nghiệp tăng vốn điều lệ lên 400 tỷ đồng, tháng 1/2023, doanh nghiệp tiếp tục tăng vốn lên 470 tỷ đồng. Tháng 10/2024, vốn điều lệ của doanh nghiệp tăng lên 621 tỷ đồng. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật hiện nay là ông Nguyễn Trọng Hùng.
Nói thêm về Western Pacific, đây là doanh nghiệp có hơn 20 năm hoạt động trong đầu tư, vận hành và khai thác cảng quốc tế. Doanh nghiệp này là chủ đầu tư của một số dự án như KCN Yên Phong II-A (Bắc Ninh) quy mô hơn 151 ha; Tổ hợp Cụm Cảng và CCN Yên Lệnh (Hà Nam) gần 100 ha.
Ngoài ra, Western Pacific cũng đang nghiên cứu đầu tư dự án Cụm liên kết ngành công nghiệp - cảng và trung tâm logistics quy mô 305 ha tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế).
Vào năm 2021, CTCP Tập đoàn PC1 (mã chứng khoán: PC1) đã mua 7% cổ phần của Western Pacific, sau đó tăng tỷ lệ này lên 30,08% vào đầu năm 2022.
Nhóm PC1 - Western Pacific được duyệt 4 khu công nghiệp mới từ giữa 2024
Bên cạnh KCN Đồng Văn V giai đoạn 1, từ tháng 7 năm ngoái đến nay, nhóm doanh nghiệp Western Pacific và PC1 đã được chấp thuận thêm 3 dự án khu công nghiệp mới. Đầu tiên là KCN Đồng Văn VI tại các xã Tiên Ngoại, Yên Nam và Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, Hà Nam với diện tích 250 ha, tổng vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng, nhà đầu tư là CTCP Cảng Quốc tế Hà Nam.
Kế đến là KCN Yên Lư (phần mở rộng) giai đoạn 1 tại xã Yên Lư, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, có quy mô gần 120 ha, vốn đầu tư 1.543 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư gần 309 tỷ đồng.
Mới đây nhất vào đầu tháng 1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư KCN Nomura - Hải Phòng (giai đoạn 2) tại các xã An Hưng, An Hồng, Đại Bản, huyện An Dương, TP Hải Phòng (197 ha, 2.783 tỷ). Chủ đầu tư là CTCP Khu công nghiệp Quốc tế Hải Phòng - công ty con của PC1.
Dự án 15:40 | 27/01/2025
Dự án 10:13 | 20/01/2025
Dự án 07:00 | 19/01/2025
Quy hoạch 14:11 | 16/01/2025
Quy hoạch 15:11 | 15/01/2025
Chủ đầu tư 07:00 | 11/01/2025
Quy hoạch 13:58 | 06/01/2025
Dự án 19:00 | 05/01/2025