Vì sao Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông 'đội' vốn, 'lụt' tiến độ

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) bị “lụt” tiến độ vận hành và vừa phải vay thêm vốn của Trung Quốc. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường cho biết, dự án bị chậm vì Việt Nam đang tiến hành thẩm định giá gói thầu thiết bị, dự án bị “đội” vốn là do trượt giá.

Tại cuộc họp báo quý III/2016 diễn ra chiều 29/9, trả lời PV Dân trí về các vấn đề của Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay, Dự án Cát Linh - Hà Đông khởi công từ tháng 10/2011 với tổng mức đầu tư ban đầu là 550 triệu USD với nguồn vốn vay ưu đãi của Trung Quốc, theo hình thức EPC.

Với hình thức đầu tư này, Trung Quốc và Việt Nam có những điểm khác nhau. Cụ thể, theo quy định của Trung Quốc thì Việt Nam là nước hưởng ưu đãi và có trách nhiệm kiểm tra công nghệ của dự án, tuy nhiên theo quy định của Việt Nam thì Việt Nam kiểm soát cả về vấn đề thiết kế, dự toán trước khi Trung Quốc triển khai thực hiện. Vì có những khác biệt nên các vấn đề phải thực hiện theo Hiệp định vay vốn.

Theo Thứ trưởng Trường, do có biến động giá rất lớn về mọi mặt dẫn đến trượt giá nên năm 2013 Tổng thầu Trung Quốc đề nghị phải điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án. Trên cơ sở tính toán, Bộ GTVT và Tổng thầu Trung Quốc thống nhất bổ sung thêm 250,62 triệu USD.

“Số vốn 250,62 triệu USD bổ sung cho dự án đã được thống nhất xong từ cách đây 3 năm, mới đây nhân chuyến thăm của Thủ tướng sang Trung Quốc làm việc nên hai bên thực hiện ký kết để lấy vốn cho dự án, chứ không phải là vốn tăng thêm và vay mới” - Thứ trưởng Trường nhấn mạnh.

vi sao du an duong sat cat linh ha dong doi von lut tien do
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thành xây lắp vào cuối năm 2016, đến cuối năm 2017 mới có thể đưa vào khai thác thương mại (Ảnh: Hà Trang)

Đối với tiến độ Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, trước đó Bộ GTVT khẳng định hoàn thành dự án và đưa vào vận hành thử nghiệm vào cuối năm 2016, nhưng mới đây Bộ GTVT lại cho biết phải “giãn” sang năm 2017 và nếu “thuận buồn xuôi gió” thì mới hoàn thành được.

Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng tiến độ dự án hoàn toàn dựa trên công nghệ và phương thức thi công của Trung Quốc, Bộ GTVT giao cho Ban Quản lý Dự án Đường sắt (đơn vị có nhiều kinh nghiệm) làm đại diện chủ đầu tư. Từ năm 2013 đến nay dự án có nhiều tiến triển tốt về tiến độ.

“Trong quá trình làm việc với Trung Quốc vẫn quyết tâm hoàn thành phần xây lắp vào cuối năm 2016, tiến độ này có thể đáp ứng được” - Thứ trưởng Trường cho hay.

Lí do phải “giãn” tiến độ sang năm 2017 theo lý giải của Thứ trưởng Bộ GTVT là vì đang trong quá trình thẩm định gói thầu về thiết bị cho dự án, gồm: Thiết bị đoàn tàu, đường ray, nhà điều hành, nhà xưởng…

“Gói thầu thiết bị chúng tôi đang đàm phán khoảng 200 triệu USD nhằm đảm bảo có được công nghệ mới nhất cho Dự án, đáp ứng được tự động hóa và giá thành. Bộ GTVT đã mời đơn vị của Bộ Tài chính tham gia thẩm định giá. Chậm là do Việt Nam đang tiến hành thẩm định, phía Trung Quốc cũng mong muốn Việt Nam sớm hoàn thành công tác thẩm định để họ thực hiện ký kết” – Thứ trưởng Trường khẳng định.

Theo dự kiến, đến cuối năm 2016 dự án sẽ hoàn thành xây lắp, hết quý 1/2017 mới có thể thực hiện xong các thiết bị, hạ tầng và sau đó sẽ vận hành thử trong 3 tháng và đến cuối tháng 9/2017 dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông mới có thể khai thác thương mại.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho biết, hiện nay sự hợp tác của Trung Quốc là rất tích cực, đây là dự án đầu tiên hoạt động tại Thủ đô, mang tính biểu tượng nên sẽ cố gắng hoàn thành và đảm bảo chất lượng tốt nhất.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.