Vì sao dự án Vành đai 2 TP HCM hơn 10 năm chưa thể hoàn thành?

Tuyến đường Vành đai 2 TP HCM được quy hoạch từ năm 2007 với chiều dài toàn tuyến 64 km, quy mô từ 6 – 10 làn xe. Đến nay, dự án vẫn còn 4 đoạn chưa được khép kín.
Vì sao dự án vành đai 2 TP HCM hơn 10 năm chưa thể hoàn thành?  - Ảnh 1.

Thực hiện khép kín Vành đai 2 TP HCM vẫn gặp khó. (Ảnh minh họa: TTXVN).

 Được quy hoạch và triển khai hơn 10 năm, nhưng dự án Vành đai 2 TP HCM chưa thể hoàn thành.

Hiện tuyến đường này vẫn còn 4 đoạn chưa được khép kín; trong đó, 1 đoạn gặp vướng mắc đang ngừng thi công, 3 đoạn còn lại phải thay đổi hình thức đầu tư và chưa biết khi nào triển khai.

Tuyến đường Vành đai 2 TP HCM được quy hoạch từ năm 2007 với chiều dài toàn tuyến 64 km, quy mô từ 6 – 10 làn xe.

Đến nay, dự án vẫn còn 4 đoạn chưa được khép kín. Ngoài đoạn 3 đã triển khai từ năm 2017 nhưng gặp vướng mắc chưa thể hoàn thành, ba đoạn tuyến còn lại do không kêu gọi được đầu tư nên đã chuyển đầu tư bằng nguồn ngân sách thành phố giai đoạn 2021 - 2026.

Ba đoạn tuyến nay đã được thông qua chủ trương đầu tư, lập dự án năm 2021 và hiện đã trình đề xuất chủ trương đầu tư.

Theo cập nhật của Sở Giao thông Vận tải TP HCM, đoạn 1 là dự án xây dựng đoạn tuyến kết nối từ cầu Phú Hữu trên đường vành đai phía Đông đến Xa lộ Hà Nội với chiều dài tuyến hơn 3,5 km. Dự án có tổng mức đầu tư 9.047 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.

Đoạn 2 xây dựng đoạn kết nối từ nút giao thông Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng với chiều dài tuyến hơn 2,4 km, tổng vốn đầu tư 5.569 tỷ đồng. Trong khi đó, đoạn 4 xây dựng đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh với chiều dài tuyến 5,3 km, tổng mức đầu tư 9.240 tỷ đồng.

Với đoạn 3, kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa – Quốc lộ 1 (quận Thủ Đức) dài 2,75 km được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT) từ năm 2017.

Đây là dự án nhằm kết nối trục giao thông chính là đường Phạm Văn Đồng với Quốc lộ 1, qua đó từng bước khép kín tuyến đường Vành đai 2 theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, dự án thi công đoạn 3 khá chậm do vướng mắc về bồi thường giải phóng mặt bằng và cũng đã ngừng thi công hơn một năm nay do vướng mắc về thủ tục.

Ông Trần Đức Thắng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái (đơn vị thực hiện dự án) cho biết, hiện doanh nghiệp vẫn đang chờ UBND TP HCM và các sở, ngành thống nhất ký kết lại phụ lục hợp đồng để tiếp tục triển khai dự án. Doanh nghiệp cũng đã hoàn thành và nộp các thủ tục cho các đơn vị liên quan của thành phố.

Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho biết, đến nay, đoạn 3 dự án khép kín Vành đai 2 đạt khối lượng khoảng 44%, công tác chi trả bồi thường hỗ trợ tái định cư đạt hơn 78% và diện tích mặt bằng bàn giao thi công đạt khoảng 74%.

Theo tiến độ dự kiến, việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng hoàn thành trong quý IV/2021; thông qua quỹ đất đối ứng để thanh toán hợp đồng BT năm 2021 và hoàn thành dự án quý IV/2021.

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, dự án Vành đai 2 ban đầu thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) nhưng gặp trở ngại nên TP HCM chuyển sang đầu tư bằng ngân sách.

Tuy nhiên, việc bố trí vốn từ nguồn ngân sách phụ thuộc rất nhiều vào khả năng cân đối vốn của thành phố cũng như ưu tiên của từng dự án.

Theo kế hoạch, dự án sẽ là một trong những dự án được ưu tiên đầu tiên sử dụng nguồn thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển trên địa bàn TP HCM được triển khai thu phí từ 1/7/2021.

Tuyến đường Vành đai 2 được đánh giá có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với TP HCM, góp phần giảm lượng phương tiện (xe tải, container) đi vào nội đô, giúp giải quyết bài toán giao thông cho thành phố.

Trong năm 2021, Sở Giao thông Vận tải đã đề xuất UBND TP HCM ưu tiên bố trí vốn để sớm tập trung thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư (lập đề xuất chủ trương đầu tư và lập dự án đầu tư) các dự án trọng điểm, cấp bách; trong đó, có đoạn 1, đoạn 2 và đoạn 4 của Vành đai 2.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.