Vì sao 'làng chài tỷ phú' vỡ nợ?

Đổ xô vay ngân hàng đóng tàu, mua máy Trung Quốc, nguồn thủy sản cạn kiệt, khan hiếm lao động… khiến hàng nghìn ngư dân ở "làng chài tỷ phú" xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi) vỡ nợ.

Tháng 8, làng chài Nghĩa An (TP Quảng Ngãi) hoang vắng, quạnh hiu. Nhà cửa im ỉm khóa, hàng loạt chiếc tàu neo bờ phơi nắng, phơi mưa lâu ngày có nguy cơ hư hỏng, mục nát.

Vì sao 'làng chài tỷ phú' vỡ nợ? - Ảnh 1.

Làng chài xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi), nơi có hàng nghìn ngư dân chìm trong biển nợ. Ảnh: Minh Hoàng.

Hơn 40 năm gắn bó với nghề giã cào, lão ngư Lê Hoài Phong (ngụ xã Nghĩa An) chưa từng thấy làng chài quê mình lại nợ nần thê thảm như vậy.

Lún sâu vào nợ nần... do máy tàu Trung Quốc? 

Ông Phong còn nhớ 5 năm về trước, làng chài rộn ràng với nhiều chủ tàu trúng đậm. Sau mỗi chuyến biển trở về, có chủ tàu thu lãi hơn 10 cây vàng. "Ăn nên làm ra", nhiều chủ tàu đổ xô vay vốn ngân hàng đóng mới tàu, đầu tư máy công suất lớn để vươn ra khơi.

"Được ăn cả, ngã về không", hàng nghìn ngư dân làng chài Nghĩa An thế chấp nhà cửa, tàu thuyền vay vốn. Nhiều gia đình vay từ 5 đến 10 tỉ đồng đóng tàu to, mua máy tàu Trung Quốc công suất lớn 540 đến 920 CV, thậm chí có người đóng tàu sắt trị giá đến 20 tỉ đồng.

"Sau vài năm đầu làm ăn phát đạt, kinh tế làng chài bắt đầu tuột dốc, các ngân hàng không còn hào phóng cho vay, ngư dân đành ngậm đắng chuyển sang bốc nóng vay tín dụng đen với lãi suất cắt cổ. Họ càng gắng gượng ra khơi bằng mọi giá thì càng lún sâu giữa vòng xoáy nợ nần", ông Phong nói.

Theo ngư dân địa phương, nếu như trước đây nghề giã cào sử dụng máy Nhật Bản công suất 420 CV mỗi chuyến ra khơi chỉ khoảng 10.000 lít dầu.

Những năm gần đây, bà con đồng loạt chuyển sang máy tàu Trung Quốc siêu tốc (mỗi máy có giá từ 800 triệu đến 1,4 tỉ đồng). Mỗi lần ra khơi, máy này "ngốn" đến 20.000 đến 30.000 lít dầu. Hao tốn nhiên liệu kết hợp cùng với giá dầu, nhớt tăng cao khiến chi phí mỗi chuyến đi biển đội giá từ 200 triệu đồng lên 350 triệu đồng.

Về vấn đề này, bà Phạm Thị Công, Phó bí thư Đảng ủy xã Nghĩa An, cho hay ưu điểm của loại máy này là đạt vận tốc tối đa hàng chục hải lý mỗi giờ, có sức kéo mạnh, thu nhanh mẻ lưới. Tuy nhiên, sau ba năm, loại máy này rệu rã, tiêu tốn nhiên liệu quá nhiều, nguồn thủy sản ngày càng cạn kiệt khiến ngư dân lao đao, đành đưa tàu về nằm bờ.

Vì sao 'làng chài tỷ phú' vỡ nợ? - Ảnh 2.

Bà Trương Thị Phân (ngụ xã Nghĩa An) xót xa cho cảnh đời vợ chồng của con trai, chủ hai chiếc tàu trị giá hơn 6 tỉ đồng giờ nợ nần chồng chất đi làm thuê. Ảnh: M.Hoàng.

Trong lúc ngặt nghèo vì chi phí nhiên liệu đắt đỏ, người lao động lại yêu cầu chủ tàu phải chi tiền công từ 500 - 600.000 đồng/ngày, không chịu "ăn chia" may rủi theo từng chuyến biển như trước.

Lao động ứng trước tiền... rồi bỏ trốn 

Trung bình mỗi chuyến ra khơi của nghề giã cào cần 10-12 lao động nên chi phí trang trải nhân công hàng chục triệu đồng. Thủy sản cạn kiệt, chuyến biển liên tục thất bại đã dồn ngư dân làng chài Nghĩa An "sa lầy" trong nợ nần.

Bà Trương Thị Mỹ Vạn (ngụ xã Nghĩa An) cho hay giữa lúc ngư dân khốn đốn, một số lao động đưa ra yêu sách cho ứng trước từ 20-30 triệu đồng để lo trang trải cuộc sống gia đình trước khi ra khơi. Lao động đi biển khan hiếm, nhiều chủ tàu cho họ ứng trước tiền để rồi "ngậm đắng" đến ngày ra khơi, họ trốn biệt tăm không thể liên lạc được.

"Nhiều chủ tàu mất trắng từ 500 đến 700 triệu đồng tiền ứng trước cho bạn thuyền nhưng đến ngày ra khơi thì họ trốn, không đi nữa", bà Vạn nhẩm tính.

Nợ "chủ nậu" (chủ vựa thu mua cá) tiền mua dầu lâu ngày lên đến 5 tỉ đồng không có khả năng trả, vợ chồng bà Vạn đành lai dắt hai chiếc tàu từ các tỉnh phía Bắc về neo đậu ở làng chài Nghĩa An làm thuê kiếm sống qua ngày.

Trong khi đó, ngư trường hành nghề giã cào của ngư dân Nghĩa An chủ yếu ở vịnh Bắc Bộ liên tục bị tàu Trung Quốc quấy phá. Chủ tàu Nguyễn Văn Dũng (ngụ xã Nghĩa An) kể tàu cá Trung Quốc đông quá, họ tràn qua là mất luôn lưới, thủy sản.

"Ngư trường dày đặc tàu nên đánh bắt hoài cũng không đủ trả tiền dầu, thuê lao động và không đủ chi phí sửa chữa", vị chủ tàu thổ lộ.

Thống kê sơ bộ, số tiền ngư dân làng chài này nợ ngân hàng và nợ vay bên ngoài có thể lên hơn 800 tỉ đồng. Nhiều người rao bán nhà, bán tàu để trả nợ nhưng không có người mua.

Vì sao 'làng chài tỷ phú' vỡ nợ? - Ảnh 3.

Máy tàu Trung Quốc trên tàu cá của ngư dân Nghĩa An. Ảnh: Minh Hoàng.

Ông Trần Văn Sinh, cán bộ phụ trách nghề cá của xã Nghĩa An, cho rằng nghề biển như "nghề buôn bọt nước". Không có nghề nào giàu nhanh bằng nghề biển, ngược lại cũng nhanh đói nghèo, kiệt quệ bằng nghề này.

"Trong khi thủy sản cạn kiệt, khan hiếm lao động, chi phí nhiên liệu quá lớn, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ khoanh nợ lãi, giúp ngư dân trả dần nợ gốc, chuyển đổi nghề nghiệp. Đó là lối thoát duy nhất giúp họ sớm thoát khỏi vòng vây bế tắc nợ nần", ông Sinh phân tích.

Trước tình hình này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc giải quyết khó khăn của ngư dân và các ngân hàng cho vay khai thác thủy sản.

Ông Bính giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ngãi cùng địa phương tìm hiểu tình hình khai thác thủy sản thực tế của ngư dân làng chài Nghĩa An. Từ đó, các cơ quan chức năng đề xuất UBND tỉnh có giải pháp giảm bớt thiệt hại cho ngư dân và ngân hàng trước ngày 30/8 tới.

chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030
Nam Định được quy hoạch trở thành trung tâm kinh tế, động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng. Cùng điểm qua những thông tin nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.