'Ngày tàn' của dân số Nhật vì người dân lười sinh con | |
Sống ẩn dật - mối lo ngại ở thế hệ trẻ Nhật Bản |
Seiko, một nhà báo sống tại Tokyo, vẫn độc thân ở tuổi 35. Cô bị trêu là "mỳ năm mới", cách nói bóng gió của người Nhật về phụ nữ lớn tuổi chưa chồng. Một năm kết thúc vào ngày 31/12, tương tự, người Nhật cho rằng độ tuổi tìm bạn đời của phụ nữ phù hợp nhất là trước 31 tuổi.
Tình trạng dường như ngày một tệ hơn ở Nhật Bản trong những năm gần đây. Nhiều đàn ông và phụ nữ Nhật đang có xu hướng kết hôn muộn, một số thậm chí lựa chọn độc thân suốt đời. Độ tuổi kết hôn lần đầu trung bình ở Nhật đã tăng thêm 4,2 tuổi và 5,2 tuổi lên 31,1 tuổi và 29,4 tuổi lần lượt ở nam và nữ so với năm 1970. Tỷ lệ người 50 tuổi chưa kết hôn tăng từ 5% năm 1970 lên 16% năm 2010.
Vấn đề tương tự cũng xảy ra ở các nước phát triển, song tại châu Á, Nhật là nước dẫn đầu. Trong khi tỷ lệ kết hôn thấp ở phương Tây đi đôi với số lượng lớn những cặp chung sống không hôn nhân, chỉ 1,5% các đôi trai gái Nhật chọn về chung một nhà như vậy.
Một đám cưới tại Nhật Bản, khung cảnh ngày càng hiếm gặp tại xứ sở hoa anh đào khi giới trẻ không mặn mà với hôn nhân. Ảnh: Alamy |
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Dân số và An toàn xã hội quốc gia Nhật Bản, có tới 86% nam giới và 89% phụ nữ muốn lập gia đình. Dù vậy, nhiều rào cản khiến người Nhật đành gác lại mong muốn này.
Nữ giới Nhật ngày nay được hưởng thụ nền giáo dục tốt. Vì theo đuổi sự nghiệp, họ trở thành những phụ nữ độc lập về tài chính và không cho rằng một gia đình truyền thống là con đường duy nhất đảm bảo cuộc sống viên mãn. Bên cạnh đó, đứng trước áp lực sinh con ngay sau cưới, phụ nữ Nhật muốn có con muộn thường lựa chọn hoãn kết hôn.
Yêu nhau ba tháng, Seiko được bạn trai đề nghị nghỉ việc để chuyên tâm chăm lo gia đình khi kết hôn, song cô thẳng thừng từ chối. Mẫu phụ nữ hiện đại như Seiko không chấp nhận quan điểm cũ về bổn phận của người vợ, vốn là trở ngại lớn cho con đường sự nghiệp. Công việc nội trợ không được chia sẻ công bằng, khi àn ông chỉ làm việc nhà và trông con một giờ mỗi ngày.
Không chỉ phụ nữ, nam giới Nhật cũng không mấy mặn mà với việc kết hôn sớm. Junki Igata, thực tập sinh tại một chuỗi khách sạn quốc tế, cho hay anh sẽ không lập gia đình tới sau 35 tuổi.
"Tôi không muốn vợ con khổ sở chỉ vì chúng tôi không có đủ tiền", chàng trai 24 tuổi nói.
Nhiều nam giới Nhật đang rơi vào hoàn cảnh tương tự Junki. Mong muốn trở thành trụ cột gia đình, song đàn ông Nhật không tự tin trong thời buổi suy thoái. Kinh tế khó khăn khiến nhiều người mắc kẹt trong những công việc thời vụ hoặc bán thời gian. Trong khi đó, một trong những tiêu chuẩn phụ nữ Nhật đưa ra khi tìm bạn đời là nguồn tài chính ổn định.
Hẹn hò cũng là điều xa xỉ vì vấn đề kinh tế. Sinh viên đại học muốn dành thời gian rỗi tham gia hoạt động ngoại khóa để làm đẹp hồ sơ xin việc khi công việc tốt dần khan hiếm. Nam giới đã đi làm thường ở lại nhiệm sở làm thêm giờ. Đàn ông Nhật dường như dần trở nên nhút nhát và lười tìm kiếm bạn đời.
Takako Okiie, một nhân viên trung tâm mai mối, cho biết khách hàng của anh khá kén chọn. Đối tượng lý tưởng tối thiểu phải đáp ứng đủ ba tiêu chuẩn trung bình về thu nhập, ngoại hình và học thức.
Bên cạnh đó, Nhật Bản còn đối mặt vấn nạn nhiều thanh niên sống biệt lập kiểu "độc thân ký sinh", tức sống bám cha mẹ ngay cả khi đã trưởng thành.
Ảnh minh hoạ: Getty |
Số người độc thân tại Nhật Bản không có bạn trai hoặc bạn gái ngày một tăng, ngay cả khi họ không phải những người mắc hội chứng otaku (cuồng phim hoạt hình hoặc trò chơi điện tử) hay hikikomori (tự giam mình trong phòng).
Chuyên gia xã hội học Masahiro Yamada cho rằng nếu không kết hôn hay hẹn hò, họ thỏa mãn nhu cầu tình dục bằng cách mua dâm, chơi game người yêu ảo, hâm mộ thần tượng, đọc sách báo khiêu dâm hoặc nuôi thú cưng.
Theo Economist, khó khăn trong kết hôn của thanh niên Nhật là một nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh sụt giảm. Số con một phụ nữ Nhật muốn sinh trong đời giảm còn 1,42 so với 2,13 vào năm 1970. Dân số Nhật giảm dần và già hóa đặt Nhật Bản trước nhiều thách thức khiến thủ tướng Nhật Shinzo Abe lo ngại.
Chính phủ của ông Abe khuyến khích phụ nữ có nhiều con và giữ quan niệm hôn nhân là nền tảng của cuộc sống, đồng thời trợ cấp cho thị trấn tổ chức những sự kiện hẹn hò và xây nhiều nhà trẻ. Cuối tháng 8/2016, Nhật Bản tuyên bố loại bỏ thuế hôn nhân nhằm ngăn cản phụ nữ đã lập gia đình có thu nhập khoảng 1,03 triệu yên (hơn 10.000 USD) mỗi năm.
Nỗ lực của chính phủ Nhật có thể mang lại một số thay đổi tích cực, nhưng không thể can thiệp thay đổi văn hóa. Giới chuyên gia nhận định người Nhật cần tự giải quyết những thử thách để bước tới hôn nhân, hoặc lựa chọn cho mình cuộc sống độc thân suốt đời.