Vì sao Vietnam Airlines chi 3,7 tỉ USD mua 50 máy bay thân hẹp?

Vietnam Airlines đang lập dự án mua 50 tàu bay thân hẹp, vốn là đội tàu được hãng này đánh giá là “chủ lực, mang lại hiệu quả lớn nhất”.
avatar_1573364853300

Đội tàu bay thân hẹp là đội tàu bay chủ lực, mang lại hiệu quả lớn nhất cho Vietnam Airlines

Mua thừa tàu bay sẽ khó xử lí hơn thuê bổ sung

Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch phát triển (Vietnam Airlines) cho biết, trên cơ sở dự báo thị trường, các mục tiêu về thị phần, Vietnam Airlines xây dựng kế hoạch đầu tư 50 tàu bay thân hẹp.

Nói về nhu cầu đội tàu bay, ông Trung cho hay, căn cứ trên kịch bản thấp, dự kiến đến năm 2025, Vietnam Airlines cần khoảng 135 - 149 tàu bay. Trong đó, đội tàu bay thân rộng của Vietnam Airlines là 34 - 37 tàu (cần bổ sung 1 - 4 tàu so với các tàu bay đã thuê mua), đội tàu bay thân hẹp cần 95 - 120 tàu (bổ sung 50 - 75 tàu), đội tàu bay phản lực khu vực là 6 - 20 tàu.

Thông tin riêng về đội tàu bay thân hẹp, đại diện Vietnam Airlines cho hay, tính đến 31/12/2018, Vietnam Airlines sở hữu 61 tàu thân hẹp gồm 2 loại là A321CEO và A321NEO. “Đội tàu bay thân hẹp là đội tàu bay chủ lực, mang lại hiệu quả lớn nhất cho Vietnam Airlines, hoạt động trong mạng bay nội địa và các đường bay quốc tế có thời gian bay dưới 5 giờ”, đại diện Vietnam Airlines thông tin và cho biết, về kế hoạch đặt ra cho đội tàu này, thời gian tới, Vietnam Airlines sẽ tiếp nhận các tàu bay A321 NEO thuê, trả các tàu bay A321 CEO thuê và dự kiến bán các tàu bay A321 CEO sau khi khai thác quá 12 năm.

Với việc tái cơ cấu đội tàu bay như trên, dự kiến số tàu bay thân hẹp của Vietnam Airlines sẽ giảm từ 71 tàu của năm 2021 còn 45 tàu cho tới năm 2025. Do đó, việc bổ sung thêm 50 tàu bay thân hẹp để đạt mức 95 tàu theo nhu cầu dự kiến là cần thiết.

Lượng tàu bay thuê mua không quá 50%

"Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường cho biết, cơ quan này đã trực tiếp làm việc với Vietnam Airlines về dự án này. "Quan điểm nhất quán là phải thực hiện theo Quyết định 236 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ GTVT và Cục Hàng không VN sẽ tạo điều kiện cho Vietnam Airlines phát triển", ông Cường nói và cho rằng, tạo điều kiện không có nghĩa là châm trước. Cục Hàng không VN đóng vai trò là cơ quan QLNN tham mưu cho Bộ GTVT sẽ đánh giá, xem xét toàn diện, khách quan.

Việc Vietnam Airlines cẩn trọng chọn kịch bản thấp là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, ông Cường cũng khuyến cáo hãng này cần có kế hoạch cụ thể chi tiết hơn về mạng đường bay cũng như cân nhắc, đánh giá nhu cầu chỗ đỗ qua đêm tại các sân bay."

Kế toán trưởng Vietnam Airlines Trần Thanh Hiền cho biết, để đảm bảo an toàn trong đầu tư mở rộng nguồn lực, Vietnam Airlines dự kiến sẽ bổ sung bằng các tàu bay thân hẹp thế hệ mới với số lượng đặt hàng mua 50 tàu bay (firm order) đáp ứng nhu cầu khai thác cho giai đoạn 2021 - 2025 theo kịch bản tăng trưởng tổng thị trường thấp (trong đó 26 tàu bay để thay thế cho các tàu bay hết hạn hợp đồng thuê, các tàu bay bán khi hết khấu hao và bán khi trên 10 năm tuổi theo định hướng đổi mới đội tàu bay của Tổng công ty) và đặt hàng có lựa chọn mua thêm 50 tàu bay nữa (optional - có thể không mua) với lịch giao linh hoạt. Ngoài ra, căn cứ vào tình hình phát triển thực tế của thị trường, Tổng công ty có thể thuê bổ sung tàu bay nếu thị trường tăng trưởng tốt.

“Việc đặt mua quy mô lớn sẽ giúp Vietnam Airlines có nhiều lợi thế đàm phán về giá cũng như có thêm nhiều ưu đãi về các điều kiện hỗ trợ sau mua như: Bảo dưỡng kĩ thuật, phụ tùng vật tư, quảng cáo...”, ông Hiền nói và cho biết, việc đặt hàng 50 tàu bay có lựa chọn mua (optional) sẽ giúp Tổng công ty giữ được các điều kiện mua cho nhu cầu bổ sung tàu bay phát sinh khi thị trường tăng trưởng cao hơn dự kiến đối với giai đoạn 2021 - 2025 và nhu cầu cho giai đoạn 2030 (số lượng tàu bay bổ sung trung bình cho giai đoạn 2006 - 2030 khoảng 58 tàu bay).

Được biết, tổng chi phí mà Vietnam Airlines dự kiến phải bỏ ra để chi trả cho 50 tàu này lên tới 3,7 tỉ USD. Đáng lưu ý, theo ông Hiền, con số này được tính toán trên cơ sở chào giá của Boeing và Airbus chứ không phải giá công bố.

“Nếu tính theo giá công bố, 50 tàu này có thể lên tới 6,5 - 7 tỉ USD. Chúng tôi sẽ lựa chọn phương án vốn, chi vốn thấp nhất để quyết định phương án, mục tiêu đảm bảo chi trả lãi vay, khả năng thanh toán nợ và kiểm soát hệ số nợ”, ông Hiền khẳng định và cho hay, Vietnam Airlines sẽ kết hợp giữa các phương án mua/thuê mua, bán và thuê lại (SLB) tàu bay đối với 50 tàu bay thân hẹp. Trước khi nhận tàu bay từ 1 - 2 năm, Tổng công ty sẽ cân đối và quyết định lựa chọn phương án nào, tùy thuộc vào khả năng cân đối vốn chủ sở hữu, khả năng huy động vốn, chi phí vốn cũng như tình hình cạnh tranh trên thị trường thuê tàu bay.

“Tối đa 50% số lượng tàu bay sẽ là tàu mua và thuê mua số lượng tàu bay còn lại thực hiện theo hình thức SLB. Phương án nào đi nữa cũng phải đảm bảo tỉ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu thấp hơn 3 lần”, ông Hiền nói.

Dự kiến, Vietnam Airlines sẽ chỉ phải bỏ ra khoảng 474 triệu USD vốn chủ sở hữu; 1,3 tỉ USD sẽ được huy động. Số tiền còn lại Vietnam Airlines sẽ không phải “lo” mà nằm ở phần SLB, thực chất chỉ cần vốn ban đầu liên quan đến đặt cọc mua tàu bay.Nói về dự án mua 50 tàu bay này của Vietnam Airlines, Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc cho hay, theo Quyết định 236 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, sẽ tiếp tục phát triển hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines là lực lượng vận tải hàng không nòng cốt, có năng lực cạnh tranh quốc tế thuộc nhóm hàng không ASEAN. Do đó, các cơ quan đơn vị đều cơ bản đồng tình với dự án đầu tư 50 tàu của Vietnam Airlines.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.