Việt Nam giành ưu thế trong xuất khẩu gạo và thủy sản sang Châu Âu

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) được phê duyệt đã đem lại lợi ích lớn trong thương mại thực phẩm cho cả hai bên, đặc biệt là mặt hàng gạo và thủy sản của Việt Nam cũng như mặt hàng rượu và thịt của Châu Âu (EU).

Theo trang Food Navigator, ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ 85% thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Sau 7 năm con số này sẽ tăng lên khoảng 99%.

Việt Nam là nước thứ hai trong khu vực ASEAN kí kết hiệp định thương mại tự do với EU. Hiện Hiệp định được kì vọng sẽ có hiệu lực từ tháng 8.

Việt Nam giành ưu thế trong xuất khẩu gạo và thủy sản sang Châu Âu - Ảnh 1.

Ảnh: Getty Images

“EVFTA là hiệp định đầy tham vọng và toàn diện nhất mà EU từng kí kết với một quốc gia có thu nhập bình quân đầu người ở mức trung bình”, Cecilia Malmstrom Ủy viên thương mại EU cho hay trong một báo cáo mới nhất về EVFTA. 

“Đây được coi là một quyết định đúng đắn bởi Việt Nam đang từng bước trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong ASEAN, chỉ sau Singapore và vượt qua cả Malaysia, với tổng giá trị hàng hóa giữa hai bên đạt 48 tỉ EUR (tương đương 54,3 tỉ USD)”.

Theo số liệu của EU, trong năm 2019 tổng kim ngạch nông sản thực phẩm xuất khẩu sang Việt Nam đạt giá trị 1,1 tỉ EUR (1,2 tỉ USD) trong khi ở chiều ngược lại EU nhập khẩu nông sản từ Việt Nam khoảng 2,4 tỉ USD. 

Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, hầu hết các mặt hàng gạo như gạo xát, gạo lức, gạo tấm và gạo thơm xuất khẩu từ Việt Nam, EU sẽ áp dụng miễn thuế theo hạn ngạch. Riêng đối với mặt hàng gạo tấm, EU sẽ giảm một nửa thuế nhập khẩu và miễn thuế sau 5 năm.

Các mặt hàng thủy sản Việt Nam cũng nâng cao khả năng tiếp cận thị trường Châu Âu nhờ việc xóa bỏ thuế quan hoặc tự do hóa thương mại, bao gồm các sản phẩm thủy sản đã qua quá trình chế biến, đóng hộp, hải sản tươi sống hoặc ướp lạnh, tôm chưa bóc vỏ và cá tra. 

“Các mặt hàng nông sản và thực phẩm khác như ngô ngọt, tỏi, nấm, bột sắn và các sản phẩm có hàm lượng đường cao cũng được miễn giảm thuế nhập khẩu, trong khi mặt hàng ngô bao tử được giao dịch tự do”, theo báo cáo về Hiệp định.

Các mặt hàng rượu và thịt của EU khi xuất khẩu cũng nhận được lợi ích từ Hiệp định, không chỉ hướng đến mục tiêu cuối cùng là tự do buôn bán mà còn được bảo vệ bởi Chỉ dẫn địa lí. 

Việt Nam cũng đồng ý xóa bỏ thuế nhập khẩu sau thời gian tối đa là 7 năm đối với các mặt hàng rượu vang, rượu mạnh, thịt lợn đông lạnh và 10 năm đối với mặt hàng bia, thịt gà nhập khẩu từ EU.

Các sản phẩm từ sữa sẽ được miễn thuế nhập khẩu sau 5 năm và hải sản có nguồn gốc thủy sản như cá hồi, cá bơn, tôm hùm đá sẽ được miễn thuế ngay lập tức.

Thỏa thuận thế hệ mới

Các nhà phân tích cho rằng hiệp định EVFTA là một thỏa thuận thế hệ mới vì nó báo gồm các điều khoản tiến bộ.

“Hiệp định này được coi là một thỏa thuận song phương thế hệ mới, bao gồm các điều khoản về quyền sở hữu trí tuệ (IP), tự do hóa đầu tư và phát triển bền vững.”, công ty tư vấn đầu tư Dezan Shira cho hay.

“Hiệp định cũng cam kết tuân thủ các tiêu chí của Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) và Công ước Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu”.

Một trong những phần chính của hiệp định EVFTA được dành riêng để viết về quyền sở hữu trí tuệ, trong đó Việt Nam được yêu cầu tham gia Hiệp ước trực tuyến của Tổ chức sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO).

Đối với thực phẩm và nông sản nói riêng, chỉ dẫn địa lí được coi là một hình thức chính của quyền sở hữu trí tuệ cần phải được tuân thủ theo thỏa thuận.

Tổng cộng 169 mặt hàng từ EU, bao gồm các đồ uống có cồn được đề cập bên trên sẽ nhận được sự bảo vệ tại Việt Nam.

Ngược lại, Việt Nam sẽ nhận được sự bảo vệ từ GIs tại Châu Âu đối với 39 mặt hàng, bao gồm nước mắm Phú Quốc, trà Mộc Châu và cà phê Buôn Mê Thuột. 

Ấn Độ và mối lo về hiệp định EVFTA tại Việt Nam

Mặc dù hiệp định EVFTA vẫn chưa có hiệu lực, nhưng nhiều lo ngại rằng thỏa thuận này sẽ gây tổn thất lớn trong kinh doanh cho một số quốc gia châu Á khác như Ấn Độ.

Tuy nhiên Ấn Độ không thể sánh được với Việt Nam về mặt vị trí cũng như chi phí sản xuất và khả năng tiếp cận nhu cầu thị trường trong khu vực và thế giới. 

Hơn nữa, việc Ấn Độ ưu tiên chiến lược thực phẩm “Make in India” và bước đầu rời khỏi Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào năm ngoái được coi là một bước đi sai lầm.  

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.