Vụ hóa đơn điện nhiều tháng giống hệt nhau, EVN nói gì?

Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có những giải thích liên quan đến việc hoá đơn điện của một số hộ ở Tiền Giang, Ninh Bình nhiều tháng giống hệt nhau.

Mới đây, một người dân ở Cai Lậy, Tiền Giang phản ánh hoá đơn tiền điện của gia đình 6 tháng liền giống hệt nhau, không sai một số. Cụ thể, từ tháng 11/2019 đến tháng 4/2020, số điện tiêu thụ luôn ở mức 162 kWh, số tiền phải trả mỗi tháng là 325.015 đồng.

Vụ việc tương tự xảy ra ở Ninh Bình, khi hóa đơn tiền điện trong các tháng 12/2019, tháng 1 và tháng 2/2020 của một hộ gia đình cũng cùng là 487.309 đồng/tháng.

Vụ hóa đơn điện nhiều tháng giống hệt nhau, EVN nói gì? - Ảnh 1.

Hoá đơn tiền điện nhiều tháng giống hệt nhau của một khách hàng tại Tiền Giang. (Ảnh: NLĐ)

Liên quan đến hai vụ việc gây ồn ào trong dư luận này, trả lời VnExpress, ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, việc hoá đơn giống hệt nhau xảy ra với các trường hợp "tạm tính hoá đơn" và thường với công tơ cơ - nhân viên điện lực phải đến tận nơi ghi chỉ số.

Ông Dũng giải thích, qui trình cho phép nhân viên EVN tạm tính số điện trong một số trường hợp bất khả kháng không thể ghi chỉ số. Các trường hợp bất khả kháng gồm khách hàng ở vùng sâu, vùng xa có mức sử dụng điện dưới 15 kWh một tháng hoặc khách hàng đi vắng nhiều ngày liên tục, nhân viên điện không thể tiếp cận ghi chỉ số.

Việc hộ dân ở Cai Lậy (Tiền Giang) có 6 tháng hoá đơn tiền điện liên tiếp giống nhau, Công ty Điện lực Tiền Giang giải thích nguyên nhân do khách hàng đóng cửa nhà thường xuyên, công tơ lại lắp trong nhà, vì vậy nhân viên không ghi được chỉ số. Nhân viên vì thế đã lấy chỉ số tháng 11/2019 làm căn cứ để tạm tính số điện tiêu thụ, tiền điện các tháng sau.

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tháng 4, nhân viên điện lực Cai Lậy đã gặp được khách hàng, trao đổi và thực hiện công tác thoái hoàn 938 đồng cho quá trình sử dụng 11/2019 – 4/2020. Trường hợp hoá đơn tiền điện 3 tháng tại hộ gia đình ở Ninh Bình giống nhau, ông Lâm cho hay, sẽ kiểm tra lại.

Tuy nhiên, chỉ số tạm tính là bình quân 2 tháng dùng điện gần nhất và chỉ được tạm tính 2 lần, còn trường hợp ở Tiền Giang, hoá đơn lại giống nhau tới 6 lần. Do đó, ông Lâm thừa nhận tại một số đơn vị của EVN đã sai sót về quy trình trong ghi chỉ số.

Để siết lại quy trình ghi chỉ số, từ kỳ hoá đơn tháng 7, EVN sẽ áp dụng "cứng" công cụ giám sát ghi chỉ số, lập hoá đơn... và phân giao trách nhiệm rõ ràng tới các cấp quản lý điện lực địa phương.

Theo đó, sau khi nhân viên điện lực ghi chỉ số công tơ, nếu có trường hợp chỉ số biến động đột biến, cấp quản lý đơn vị điện lực phải trực tiếp giám sát, kiểm tra và không sai sót mới chuyển sang tính toán, lập hoá đơn, và thông báo cho khách hàng. Trường hợp phát hiện sai thì phải kiểm tra lại hiện trường để đảm bảo ghi chỉ số tránh sai sót.

Theo ông Võ Quang Lâm, việc áng chừng, hay tạm tính chỉ số điện sẽ "không chính xác số điện dùng thực tế của hộ gia đình".

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.