'Đau đầu' với hóa đơn tiền điện tăng cao, dân đổ xô mua thiết bị tiết kiệm điện rồi vứt xó

Vào cao điểm mùa nắng nóng, hóa đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình tăng vọt. Bên cạnh những cách tiết kiệm điện truyền thống, nhiều người nghĩ đến việc mua các thiết bị tiết kiệm điện với hi vọng giảm hóa đơn tiền điện hàng tháng. Tuy nhiên người tiêu dùng nên cẩn trọng vì những sản phẩm này đang được quảng cáo quá mức và không có tác dụng thực sự.

Tháng 6 được coi là giai đoạn cao điểm nắng nóng, khi nền nhiệt độ luôn ở mức 38-40 độ C. Nắng nóng gay gắt, thời tiết oi bức từ sáng sớm đến chiều tối khiến nhu cầu sử dụng điện trong thời gian tăng cao. Các thiết bị làm mát như quạt, điều hòa được tận dụng tối đa để mang lại cảm giác dễ chịu hơn trong mùa nắng nóng. Cùng với đó, hóa đơn tiền điện hàng tháng cũng tăng vọt. Gia đình chị Hiền (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết dù hai vợ chồng chị đi làm cả ngày, tối mới về nhà và sử dụng điện, nhưng hóa đơn tiền điện vào tháng cao điểm nắng nóng tăng thêm 400.000 – 600.000 đồng so với những tháng khác.

Với chị Xuân (Đống Đa, Hà Nội), gia đình 4 người nhà chị dùng điều hòa gần như cả ngày, hóa đơn tiền điện lên tới khoảng 2 triệu đồng mỗi tháng. Thực tế, các gia đình ở thành phố lớn chi tiền triệu cho sử dụng điện hàng tháng không phải là chuyện lạ. Với những nhà có nhiều phòng, mỗi phòng một điều hòa, hoặc gia đình có trẻ nhỏ buộc phải dùng điều hòa cả ngày, thì tiền điện càng tăng cao hơn.

"Xót ruột" khi nhận hóa đơn tiền điện hàng tháng, ngoài áp dụng triệt để các mẹo giảm điện tiêu thụ như tắt điện khi không sử dụng, lắp bóng đèn tiết kiệm điện, hạn chế sử dụng nhiều thiết bị điện cùng một lúc trong giờ cao điểm, nhiều người tìm mua các sản phẩm được quảng cáo là giúp tiết kiệm điện. Tuy nhiên, hào hứng mua rồi đành ngậm ngùi vứt xó vì hiệu quả không như quảng cáo, hóa đơn tiền điện vẫn vậy, chứ không hề giảm.

'Đau đầu' với hóa đơn tiền điện tăng cao, dân đổ xô mua thiết bị tiết kiệm điện rồi vứt xó - Ảnh 1.

Các thiết bị tiết kiệm điện được bày bán rộng rãi trên nhiều website. (Ảnh chụp màn hình)

Những thiết bị tiết kiệm này xuất hiện cách đây vài năm trên thị trường, được quảng cáo là có thể giảm từ 20-50% hóa đơn tiền điện hàng tháng. Với nhiều người, quảng cáo này khá hấp dẫn. Đến hẹn lại lên, vào mùa cao điểm nắng nóng, các thiết bị này lại càng được quảng cáo rầm rộ hơn. 

Dạo quanh một vòng trên các sàn thương mại điện tử, có thể thấy mặt hàng này được giới thiệu khá nhiều với giá từ 200.000 đồng đến cả triệu đồng. Thiết bị tiết kiệm điện có đặc điểm là nhỏ gọn, cầm vừa trong lòng bàn tay. Cấu tạo bên ngoài được thiết kế như một chiếc hộp nhỏ bằng nhựa, có đèn báo sáng. Theo quảng cáo, trong thiết bị tiết kiệm điện năng, có 1 tụ bù công suất, giúp tăng hiệu số công suất và tối ưu điện năng thừa, không hao phí điện năng, ổn định dòng điện. Do đó, điện năng tiêu thụ sẽ giảm từ 20 đến 50% khi sử dụng thiết bị. Cách sử dụng rất đơn giản, chỉ cần cắm vào ổ điện là máy sẽ tự hoạt động.

'Đau đầu' với hóa đơn tiền điện tăng cao, dân đổ xô mua thiết bị tiết kiệm điện rồi vứt xó - Ảnh 2.

'Đau đầu' với hóa đơn tiền điện tăng cao, dân đổ xô mua thiết bị tiết kiệm điện rồi vứt xó - Ảnh 3.

Cấu tạo bên trong một thiết bị được quảng cáo là tiết kiệm điện với giá vài trăm nghìn khá đơn giản. (Ảnh: Tinhte)

Với giá cả phải chăng, lại đánh trúng tâm lí muốn giảm hóa đơn tiền điện của người tiêu dùng, cách sử dụng dễ dàng, những thiết bị này vẫn hút khách dù thực tế không hề có tác dụng như quảng cáo.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từng nhiều lần cảnh báo khách hàng, đưa ra khuyến cáo không mua, không sử dụng các thiết bị trên. Do các thiết bị tiết kiệm điện năng không được Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Công Thương hoặc đơn vị chuyên ngành về tiết kiệm năng lượng có uy tín trên thị trường chứng nhận về hiệu quả tiết kiệm điện như quảng cáo.

Theo EVN, về mặt kĩ thuật, tất cả các thiết bị điện khi cắm vào nguồn điện và hoạt động đều tiêu thụ một lượng điện năng nhất định. Các thiết bị đấu vào mạch điện phía sau công tơ chỉ có thể cải thiện một phần hệ số công suất của thiết bị điện, làm giảm tổn thất điện năng của dây dẫn và giảm một phần hao phí. Tuy nhiên, không thể có thiết bị nào đấu nối sau công tơ làm giảm tới 30-40% lượng điện năng tiêu thụ như quảng cáo.

Có thể nói đây chỉ là chiêu trò lừa đảo khách hàng, "lợi dụng" tâm lí muốn tiết kiệm chi tiêu của người tiêu dùng. Nếu có loại thiết bị có tác dụng can thiệp trực tiếp vào hoạt động công tơ điện làm cho công tơ điện chạy chậm lại, thì cũng có nghĩa là người sử dụng thiết bị này đang thực hiện hành vi ăn cắp điện, như vậy đã vi phạm quy định sử dụng điện và sẽ bị truy thu tiền điện, thậm chí có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Muốn tiết kiệm điện, khách hàng nên nâng cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm bằng các giải pháp mà các cơ quan quản lý nhà nước và ngành điện đã khuyến cáo như: tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, dùng các thiết bị tiêu thụ ít điện năng được gắn nhãn tiết kiệm năng lượng do Bộ Công Thương kiểm định, không nên sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn (như điều hòa, bếp đun điện, bình đun nước nóng…), khi bật điều hoà làm mát chỉ đặt ở mức 26-27 độ C trở lên và sử dụng quạt kết hợp.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.