Vietnam Airlines ước tính lỗ sau thuế cả năm 2020 khoảng 13.000 tỉ đồng

Ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 khiến dừng khai các đường bay thương mại quốc tế, CEO của Vietnam Airlines cho biết công ty sẽ rơi vào trạng thái mất thanh khoản từ cuối tháng 8/2020 nếu không có hỗ trợ.

Bài toán cạn thanh khoản của Vietnam Airlines

Điệp khúc lùi và lùi lịch họp Đại hội đồng cổ đông thường niên của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã: HVN) vẫn chưa đến hồi kết. Sau ba lần thay đổi, ngày tổ chức ĐHĐCĐ của hãng hàng không này chuyển từ 29/6 sang ngày 10/8. Lí do đưa ra là công tác chuẩn bị nội dung đại hội cổ đông chưa hoàn thành.

Việc không chốt được ngày tổ chức ĐHĐCĐ của Vietnam Airlines dường như liên quan đến kế hoạch "giải cứu" của Chính phủ tại doanh nghiệp này.

Trước đó, tại một sự kiện tổ chức vào giữa tháng 7, ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc của Vietnam Airlines cho biết mức lỗ sau thuế ước tính cả năm 2020 khoảng 13.000 tỉ đồng. Riêng quý đầu năm, hãng hàng không quốc gia này đã lỗ khoảng 2.600 tỉ đồng.

Ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 khiến dừng khai các đường bay thương mại quốc tế, CEO của Vietnam Airlines cho biết công ty sẽ rơi vào trạng thái mất thanh khoản từ cuối tháng 8/2020 nếu không có hỗ trợ.

Vietnam Airlines từng đề xuất Nhà nước hỗ trợ để vay vốn tối đa 12.000 tỉ đồng giải quyết khó khăn trong ngắn hạn. Kế toán trưởng Vietnam Airlines Trần Thanh Hiền từng khẳng định tổng công ty này không xin Chính phủ bơm tiền mà chỉ muốn được hỗ trợ vay, đã vay thì sẽ trả.

Để giải quyết câu chuyện thanh khoản, một phương án từng được Kế toán trưởng của Vietnam Airlines nói đến là phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu.

Trong cơ cấu cổ đông hiện nay của Vietnam Airlines thì Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đang nắm giữ 86,19% vốn điều lệ. Theo sau đó là cổ đông ngoại – ANA Holdings Inc. với tỉ lệ sở hữu 8,77%.

Theo Nghị định qui định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của "Siêu" Ủy ban thì đây là đơn vị dự toán cấp I của ngân sách trung ương. Đây là thế khó trong kế hoạch phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu vì phải sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn cho Vietnam Airlines.

Góc nhìn từ SCIC: Quỹ đầu tư Chính phủ và câu chuyện giải cứu Vietnam Airlines - Ảnh 1.

Đồ họa: Alex Chu

Chuyển SCIC thành Quỹ đầu tư Chính phủ

Với những khó khăn như hiện nay, một phương án cũng có thể được xem xét là phát hành riêng lẻ cho một tổ chức đến các doanh nghiệp nhà nước là Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Tại Tọa đàm kí ức và kì vọng kỉ niệm 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam tổ chức chiều qua (28/7), ông Nguyễn Chí Thành đã có chia sẻ về một mô hình có thể được áp dụng để "giải cứu" những khó khăn về vốn cho Vietnam Airlines đó là Quỹ đầu tư Chính phủ.

"Trong chuyện hậu Covid-19 rồi Nghị quyết của Quốc hội không cho đầu tư bằng ngân sách nhà nước vào doanh nghiệp nhà nước thì chỉ có cách thông qua quỹ đầu tư chính phủ này. Vietnam Airlines chỉ có SCIC mua thì mới làm được vì vai trò của chủ sở hữu, còn Chính phủ cũng không có cách nào mua", Tổng Giám đốc của SCIC chia sẻ.

Không chỉ có tác dụng đối với việc hỗ trợ vốn, theo ông Nguyễn Chí Thành, SCIC cố gắng xây dựng để trở thành Quỹ đầu tư Chính phủ. Thị trường tiến đến thị trường phát triển hơn nữa thì phải là thị trường của nhà đầu tư tổ chức dẫn dắt thị trường như công ty chứng khoán, công ty quản lí quỹ.

"SCIC nếu tham gia thị trường với tư cách là nhà đầu tư chính phủ thì cũng phải là Quỹ đầu tư Chính phủ", Tổng Giám đốc SCIC nhấn mạnh.

Không chỉ Vietnam Airlines, phải tăng vốn cho SCIC vì còn Vinatex và chỗ khác nữa

Tuy nhiên, để SCIC thành lập được Quỹ đầu tư Chính phủ ngoài cơ chế còn là vấn đề ngân sách. "Sau này còn có Vinatex, còn có chỗ khác nữa. Nếu như Covid-19 kéo như này thì buộc phải nâng vốn lên cho SCIC để thành lập Quỹ này để có cơ chế cho đầu tư và phải làm nhà đầu tư tổ chức", vị TGĐ của SCIC cho biết. 

Dẫn nguồn từ báo Tổ Quốc, đầu tháng 6, đại điện SCIC chia sẻ sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền về việc phê duyệt mức vốn điều lệ 50.000 tỷ đồng theo quy định tại Nghị định 148 và có lộ trình tiếp tục bổ sung tăng vốn điều lệ để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh hoạt động đầu tư, đảm bảo thực hiện được các mục tiêu và nhiệm vụ do Chính phủ giao phó.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.