Sau khi lùi ngày tổ chức đại hội đồng cổ đông từ 29/6 đến 16/7 rồi đến 28/7, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN) hôm nay quyết định một lần nữa lùi ngày tổ chức đại hội đến 10/8/2020.
Nguyên nhân lùi ngày lần này cũng giống hai lần trước, đó là "công tác chuẩn bị nội dung đại hội cổ đông chưa hoàn thành".
Tại một hội thảo tổ chức ngày 13/7, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho biết năm 2020, tổng công này này dự kiến giảm doanh thu khoảng 50.000 tỉ đồng so với kế hoạch, lỗ sau thuế ước tính khoảng 13.000 tỉ đồng (riêng quí I đã lỗ khoảng 2.600 tỉ đồng).
"Vietnam Airlines sẽ rơi vào trạng thái mất thanh khoản từ cuối tháng 8/2020 nếu không có hỗ trợ", ông Dương Trí Thành nói.
Vietnam Airlines từng đề xuất Nhà nước hỗ trợ để vay vốn tối đa 12.000 tỉ đồng giải quyết khó khăn trong ngắn hạn. Kế toán trưởng Vietnam Airlines Trần Thanh Hiền từng khẳng định tổng công ty này không xin Chính phủ bơm tiền mà chỉ muốn được hỗ trợ vay, đã vay thì sẽ trả.
Tuy nhiên hiện nay Chính phủ vẫn chưa công bố phương án hỗ trợ cụ thể đối với Vietnam Airlines.
Nhiều chuyên gia cho rằng Nhà nước cần đối xử công bằng giữa các hãng hàng không, không nên phân biệt cứu hãng bay thuộc sở hữu Nhà nước mà bỏ hãng bay tư nhân.
PGS. TS. Ngô Trí Long nhận định: "Nếu chỉ tập trung cứu một hãng hàng không sẽ làm mất lòng tin của công chúng. Các hiệp định thương mại tự do như EVFTA hay CPTPP mà chúng ta kí đều coi trọng sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Bất kì một thành phần kinh tế nào làm ăn có hiệu quả đều cần được khai thác.
"Như Vietjet cũng là một bộ phận trong thành phần kinh tế, nên chúng ta không thể phân biệt đối xử được. Nếu phân biệt sẽ gây ra sự què quặt, đó là tư duy lỗi thời theo cơ chế cũ, tạo ra sự phản cảm đối với công luận", chuyên gia Ngô Trí Long nói thêm.