Mới đây, công ty quản lý quỹ VinaCapital có báo cáo đánh giá tổng quan năm 2020 và cập nhật triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2021. Theo đó, sau khi điểm qua các khó khăn tiềm ẩn đối với xu hướng tăng của VN-Index, VinaCapital đưa ra 4 yếu tố có thể ảnh hưởng đến đà tăng của thị trường
Bộ phận phân tích của VinaCapital cho rằng thanh khoản trong nước đang trong xu thế có lợi cho thị trường và nhà đầu tư trong nước sẽ tiếp tục đóng vai trò trụ cột nhằm hỗ trợ cho xu hướng tăng điểm của VN-Index. Trong năm 2020, giao dịch từ nhóm nhà đầu tư nội địa chiếm đáng kể trong tổng thanh khoản thị trường.
Nhà đầu tư trong nước có thể người nội bộ trong các doanh nghiệp, các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao mua cổ phiếu của chính công ty họ, sau đó được mở rộng sang các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội tốt hơn khi ngân hàng hạ lãi suất tiết kiệm.
Có hàng loạt giả thuyết giải thích cho sự gia tăng của nhà đầu tư nội, đơn cử việc người dân dùng nguồn tiền nhàn rỗi tìm kiếm các kênh đầu tư hiệu quả và lãi suất vay margin do các công ty chứng khoán nước ngoài mời chào chỉ từ 8 đến 9%.
Thực tế, sự gia tăng mạnh mẽ của NĐT trong nước không phải là một hiện tượng cá biệt ở Việt Nam vì những trường hợp tương tự cũng xảy ra trên toàn cầu. Hiện Việt Nam có 2,7 triệu tài khoản giao dịch, nhưng chỉ khoảng 300.000 tài khoản đang hoạt động.
Điều kiện hiện tại với sự suy yếu của đồng USD và việc tiếp tục nới lỏng định lượng sẽ tạo thuận lợi cho các thị trường mới nổi, đặc biệt là Việt Nam.
Theo VinaCapital, trong số các thị trường mới nổi, Việt Nam có sức hấp dẫn lớn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài do tính ổn định về lợi nhuận, định giá rẻ hơn khả năng phục hồi kinh tế của quốc gia này trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Khối ngoại đã bán ròng năm 2020 và câu hỏi về thời điểm dòng vốn nước ngoài sẽ quay trở lại Việt Nam đến giờ còn bỏ ngỏ. Năm vừa quá, giá trị rút ròng trên vốn hóa thị trường ghi nhận 1,5% tại khu vực Đông Nam Á trong khi ở Việt Nam chỉ là 0,4%.
Yếu tố thứ ba được VinaCapital cho rằng có sự ổn định về thu nhập ở Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Đây là yếu tố cần được xem xét do khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh hay đạt được lợi nhuận ròng vượt dự báo trong năm 2021 sẽ đóng vai trò quan trọng đối với giá cổ phiếu.
Những công ty có thể vượt qua kỳ vọng của thị trường hoặc kế hoạch nội bộ thì giá cổ phiếu có xu hướng tăng cao hơn mặt bằng chung.
Mặt khác, tính bền vững, chất lượng của lợi nhuận cũng như sức khỏe tài chính cần được xem xét đối với triển vọng của công ty. Hiện tại, ước tính tăng trưởng lợi nhuận ròng năm 2021 sẽ đạt 28% trong khi con số này chỉ khoảng 22% cho các cổ phiếu nằm trong phạm vi nghiên cứu của VinaCapital.
Do kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong năm 2020 và để loại bỏ yếu tố bất thường trong phân tích, VinaCapital sẽ đánh giá tăng trưởng trong hai năm 2019 và 2021. Tăng trưởng hai giai đoạn này là 16,3%.
Tuy nhiên, lợi nhuận trong năm tài chính 2021 được dự báo sẽ thấp hơn năm 2019. Cụ thể, đối với các cổ phiếu thuộc phạm vi điều chỉnh của VinaCapital, ROE năm 2021 dự kiến đạt 15,5% thấp hơn con số 18,4% của năm 2019. Tương tự, ROA của hai năm lần lượt là 3,1% và 3,4%.
Yếu tố cuối cùng được nhắc đến trong báo cáo là những thay đổi về mặt chính sách. Sau khi bắt đầu kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV vào tháng 6 năm 2021, VinaCapital kỳ vọng sẽ thấy những thay đổi tốt hơn về môi trường pháp lý, đầu tư và điều hành.
Trong bối cảnh biến động chính trị phức tạp dễ thấy ở các quốc gia khác, sự ốn định về chính trị được coi là một yếu tố quan trọng giúp thu hút đầu tư ở Việt Nam. Tựu chung lại, nền kinh tế vĩ mô ổn định và môi trường thu hút đầu tư sẽ là động lực để thị trường chứng khoán tiếp tục thăng hoa.