Sau kì đại hội cổ đông năm ngoái, căng thẳng tại Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán: VCG) được giải quyết thông qua sự rút lui của công ty khỏi dự án Splendora và nhóm cổ đông lớn Cường Vũ và Star Invest thoái toàn bộ cổ phần tại công ty.
Khi mọi thứ quy về một mối, Vinaconex tiếp tục công cuộc tinh gọn mô hình hoạt động của mình. Phải nói rằng đây không phải động thái mới sau khi công ty không còn cái bóng của một doanh nghiệp nhà nước.
Theo dõi hoạt động của Vinaconex sau khi được nhóm An Quý Hưng thâu tóm, doanh nghiệp này đã liên tục chuyển nhượng cổ phần tại các công ty con, công ty liên kết như Vinaconex Power (Mã: VCP), Vinaconex 2 (VC2), Ống sợi Thủy tinh Vinaconex (Viglafico), Vinasanwa…
Cũng kể từ khi "dứt duyên" với dự án Splendora, Vinaconex tập trung cho dự án Khu đô thị mới Cái Giá Cát Bà Amatina. Cùng với đó là tham gia gói thầu như cao tốc Nha Trang – Cam Lâm, triển khai cụm công nghiệp Sơn Đông (Hà Nội) và KCN Thanh Liêm (Hà Nam).
Sang đến 2021, Vinaconex tiếp tục cơ cấu lại tổ chức của mình bằng việc thoái vốn hàng loạt công ty con. Đơn cử, Vinaconex giảm sở hữu tại CTCP Đầu tư và Phát triển điện Miền Bắc 2 từ 73,24% xuống còn 38,24%. Trong tháng 3, công ty thoái 70% vốn tại CTCP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Vinaconex. Đầu tháng 5, Vinaconex bán toàn bộ cổ phần sở hữu tại CTCP Xây dựng Đà Nẵng.
Sau hơn một năm cải tổ mô hình, động thái mới đây cho thấy "ông lớn" trong ngành bất động sản, thi công xây dựng này trở lại trong việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới bằng các thương vụ M&A. Ngày 10/6, Vinaconex đã chi khoảng 260 tỷ đồng để mua vào 9,315 triệu cổ phần, tương đương 24,13% vốn điều lệ của CTCP Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp (Mã chứng khoán: BDT).
Phía bán ra là UBND Tỉnh Đồng Tháp. Cùng với Vinaconex, một cá nhân khác là ông Vũ Quốc Hoàng cũng mua vào 6,845 triệu cp tương đương 17,73% vốn của Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp. Sau giao dịch, UBND tỉnh Đồng Tháp vẫn nắm cổ phần chi phối sử sở hữu hơn 16 triệu cp, tương đương 51% vốn điều lệ của công ty.
Với cấu trúc sở hữu là Vinaconex (24,13%) và ông Vũ Quốc Hoàng (17,73%), hai cổ đông lớn này có quyền phủ quyết tại Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp. Mặt khác, với tỷ lệ sở hữu gần ngưỡng 25%, Vinaconex không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai cổ phần tại Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp.
Ngoài ra, Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp chưa được hạch toán là công ty liên kết của Vinaconex. Vậy doanh nghiệp này có gì hấp dẫn với Vinaconex?
Báo cáo tài chính của Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp cho thấy doanh nghiệp này sở hữu một lượng tiền mặt lớn và nhiều dự án bất động sản khu công nghiệp. Dường như việc thực hiện loạt dự án khu công nghiệp khớp nối với định hướng của Vinaconex.
Giống như nhiều doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp phía nam, Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp sở hữu một lượng tiền mặt tương đối khủng so với quy mô doanh nghiệp.
Tại ngày 31/3/2021, tiền gửi ngân hàng của Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp là 418 tỷ đồng, tương đương 36,2% tổng tài sản. Với lượng tiền mặt lớn, công ty ghi nhận lãi tiền gửi 33,1 tỷ đồng, trước đó năm 2019 là 28,8 tỷ đồng.
Tiền gửi ngân hàng của Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp tại một số chi nhánh ngân hàng thời điểm 31/3. (Nguồn: BCTC công ty).
Không chỉ nhiều tiền mặt, công ty còn sở hữu một quỹ đất công nghiệp khá lớn. Cụ thể, công ty đang triển khai các cụm công nghiệp Trường Xuân, Tân Lập Châu Thành và KCN Tân Kiều Tháp Mười.
Theo công bố trên website của công ty, KCN Tân Kiều nằm ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp có quy mô gần 148 ha với nguồn vốn đầu tư 1.266 tỷ đồng. Chia sẻ trên Báo Đầu thầu, ông Nguyễn Hữu Phước, Tổng giám đốc Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp cho hay KCN Tân Kiều ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, thiết bị hiện đại nhằm sàng lọc và nói không với những dự án có công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Tính đến cuối quý I năm nay, giá trị xây dựng cơ bản dở dang ghi nhận tại Khu công nghiệp Tân Kiều là 170,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, công ty còn sở hữu cụm công nghiệp thương mại dịch vụ Trường Xuân (huyện Tháp Mười) quy mô 36 ha và cụm công nghiệp Tân Lập (huyện Châu Thành) quy mô 49 ha. Tổng giá trị xây dựng cơ bản dở dang của hai dự án này tính đến cuối quý I lần lượt là 71,2 tỷ đồng và 78,9 tỷ đồng.
Cập nhật trên website của công ty, cụm công nghiệp Tân Lập san lấp mặt bằng đạt trên 90% tổng khối lượng. Công ty đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật gồm hệ thống giao thông, vỉa hè, cây xanh; Hệ thống cấp điện; Hệ thống cấp thoát nước; Trạm xử lý nước thải giai đoạn 1. Tổng diện tích đã cho thuê 3 doanh nghiệp chiếm 47,9%.
Nguồn: BCTC công ty.
Trước đó, khu công nghiệp Trần Quốc Toản (quy mô 63 ha) của công ty đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy lên tới 99,31%. Khu công nghiệp này nằm sát Quốc lộ 30, cạnh phía nam bờ sông Tiền, có cảng cho tàu 5.000 tấn và xà lan 200 tấn cặp bến xếp dỡ hàng hoá, nguyên vật liệu. Cùng với đó là vị trí địa lý tương đối thuận lợi cách TP HCM (160 km), Thành phố Cần Thơ (80 km) và biên giới Campuchia (70 km) (cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà).
Ảnh: Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp.
Ngoài các khu công nghiệp. hoạt động khai thác cát cũng mà mảng kiếm bộn tiền của Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp. Năm 2020, doanh thu cát khai thác của công ty là 315,4 tỷ đồng, đem về lợi nhuận gộp (doanh thu – giá vốn) gần 98 tỷ đồng. Năm 2019, doanh thu và lợi nhuận gộp từ khai thác cát là 399,7 tỷ đồng và 129,4 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp khai thác một số mỏ cát trên sông Tiền và sông Hậu. Trên sông Hậu, công ty khai thác mỏ cát tại xã Định Yên, huyện Lấp Vò và xã Tân Thành, huyện Lai Vung (diện tích mỏ gần 22ha). Còn trên sông Hậu, công ty khai thác mỏ cát tại Khu 7 đoạn thuộc xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò và xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh (diện tích mỏ hơn 56ha) và mỏ tại đoạn thuộc xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh (diện tích mỏ hơn 47ha).
Ngoài cát, Xây lắp và Vật liệu xây dựng Đồng Tháp còn kinh doanh bê tông thương phẩm, vật liệu xây dựng. Doanh thu và lợi nhuận của công ty còn đến từ các mảng thi công xây dựng và kinh doanh bất động sản.