Vinaconex rút khỏi một công ty xây dựng ôm lỗ hơn trăm tỷ đồng

Vinaconex vừa thoái toàn bộ vốn khỏi Xây dựng 11 - doanh nghiệp có cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát và hạn chế giao dịch hơn 5 năm nay. Tính đến cuối 2020, doanh nghiệp này đang ôm khoản lỗ luỹ kế gần 150 tỷ đồng.

Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán: VCG) vừa hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ 2,55 triệu cổ phiếu, tương đương 30,36% vốn điều lệ của CTCP Xây dựng số 11 (mã chứng khoán: V11) theo phương thức thỏa thuận. Theo đó, kể từ ngày 2/10, Xây dựng số 11 không còn là công ty liên kết của Vinaconex.

Theo danh sách của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố hồi tháng 5 vừa qua, cổ phiếu V11 của Xây dựng số 11 nằm trong diện cảnh bảo và bị hạn chế giao dịch. Trước đó, trong vòng 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, doanh nghiệp này đã liên tục bị HNX nhắc nhở và đưa cổ phiếu vào diện kiểm soát.

Tháng 5/2016, HNX đã hạn chế giao dịch của gần 8,4 triệu cổ phiếu V11, nguyên nhân do tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015 của Xây dựng 11. Theo đó, doanh nghiệp chỉ được phép giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần.

Đến tháng 8/2019, doanh nghiệp tiếp tục bị nhắc nhở do không công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 theo quy định. Sau đó 2 tháng, tổ chức kiểm toán lại từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018 của doanh nghiệp, HNX cũng ra thông báo thay đổi nguyên nhân hạn chế giao dịch của mã cổ phiếu V11.

Đến tháng 4/2020, theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2019, doanh nghiệp bị âm vốn chủ sở hữu khiến từ đó đến nay, cổ phiếu V11 của Xây dựng 11 vẫn chưa thể giao dịch lại bình thường trên sàn chứng khoán UPCoM.

Tại thời điểm 31/12/2020, khoản lỗ luỹ kế 147 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu công ty ghi nhận âm 21,7 tỷ đồng. 

Quay lại với câu chuyện tái cơ cấu các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết của Vinaconex, hoạt động này đã diễn ra liên tục từ cuối năm 2019 đến nay.

Trước đó vào cuối tháng 8, Vinaconex cũng thoái sạch vốn tại CTCP Vận tải Vinaconex (mã chứng khoán: VCV) - một công ty con đã kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp (2011 - 2013) và buộc hủy niêm yết vào tháng 5/2014 sau 4 năm chào sàn.

Ngược lại, Vinaconex mới đây đã ra quyết định góp 40% vốn điều lệ tại CTCP Cảng quốc tế Vạn Ninh tại tỉnh Quảng Ninh, qua đó tham gia vào dự án Cảng Quốc tế Vạn Ninh hay bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1) có tổng vốn đầu tư ước tính hơn 2.200 tỷ đồng.

Ngoài ra, Vinaconex cũng nâng lại tỷ lệ sở hữu tại dự án Cái Giá - Cát Bà lên 36%. Đây là dự án trọng điểm mà hiện Vinaconex đang tập trung nguồn lực triển khai.

chọn
[LIVE] ĐHĐCĐ Đạt Phương: Khu đô thị tại Quảng Bình có thể sáng sủa vào 2025, dự án Cồn Tiến còn vướng 1 hộ dân
Năm 2024, Đạt Phương đặt kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất 4.566 tỷ đồng và lãi sau thuế 343,5 tỷ đồng. Với mảng bất động sản, năm nay Đạt Phương sẽ tập trung triển khai khu đô thị Cồn Tiến và Casamia Hội An, đồng thời tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các dự án công nghiệp.