Vinatex lên kế hoạch lợi nhuận năm 2020 giảm gần 50%

Trong kế hoạch kinh doanh năm 2020, lãnh đạo Vinatex dự kiến lãi trước thuế hợp nhất của tập đoàn sẽ đạt gần 382 tỉ đồng, giảm gần 50% so với 2019 do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo tài liệu họp đại hội đồng cổ đông năm 2020 của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex - Mã: VGT) vừa công bố, Vinatex đặt kế hoạch năm nay khiêm tốn với doanh thu và lãi trước thuế hợp nhất lần lượt là14.640 tỉ đồng và 382 tỉ đồng, giảm gần 27% và gần 50% so với năm 2019.

Lãnh đạo tập đoàn cho hay doanh thu hợp nhất 2020 bằng khoảng 73% so với cùng kì năm trước, lợi nhuận hợp nhất gần bằng 50% chủ yếu do ảnh hưởng Covid-19 làm kết quả kinh doanh các đơn vị hợp nhất sụt giảm.

Ngoài ra do một số đơn vị đã thoái vốn, chuyển liên kết nên số liệu sản xuất kinh doanh năm 2020 không còn hợp nhất vào báo cáo của tập đoàn nên giảm doanh thu và lợi nhuận.

Vinatex giảm gần 50% kế hoạch lợi nhuận năm 2020 - Ảnh 1.

Kế hoạch hợp nhất năm 2020 của Vinatex (ĐVT: triệu đồng). Nguồn: Vinatex.

Năm 2019, doanh thu hợp nhất của Vinatex đạt 20.139 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 765,5 tỉ. Vinatex trình cổ đông phương án chia cổ tức 5% bằng tiền mặt, tương đương 250 tỉ đồng. Tập đoàn cũng trích quĩ khen thưởng phúc lợi hơn 8,8 tỉ đồng, quĩ khen thưởng người quản lí 1,2 tỉ đồng.

Lãnh đạo Vinatex đánh giá: "Đây là năm khó khăn với ngành dệt may, nhất là lĩnh vực sợi do tác động từ thương chiến Mỹ - Trung làm thị trường bị thu hẹp và giá bông biến động bất thường nên giá thành nhiều lúc cao hơn giá bán do vậy hoạt động sản xuất kinh doanh có kết quả thực hiện thấp hơn các năm trước".

Tuy nhiên kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn tốt, đạt kết hoạch giao và tăng trưởng so với cùng kì năm trước, đã bù đắp phần nào sự sụt giảm của ngành sợi.

Ngoài ra, về chiến lược giai đoạn 2020 - 2025 trong tài liệu gửi tới các cổ đông, ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết, những áp lực bên ngoài không còn chỉ là cạnh tranh về giá là chủ yếu như 10 năm trước mà là cạnh tranh bằng công nghệ dẫn đến người không theo kịp sẽ bị bỏ lại.

Nguy cơ bị bỏ lại vì công nghệ và cả sự sắp xếp phân bổ chuỗi cung ứng toàn cầu với các chuẩn mực mới cho cộng đồng đòi hỏi tư duy chiến lược thận trọng, tính toán bước đi kĩ lưỡng nhưng lại phải nhanh vì tốc độ của thay đổi là rất lớn. Do đó, tập đoàn này sẽ tập trung phát triển bền vững, mua, bán và tái cấu trúc doanh nghiệp.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.