Năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phân bổ hơn 7.776 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để phục vụ xây dựng phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; trong đó, vốn ngân sách trung ương là hơn 443 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương hơn 7.258 tỷ đồng. Triển khai các hoạt động đầu tư công, tỉnh Vĩnh Phúc đã quan tâm, chỉ đạo thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đầu tư công; trong đó, tập trung ưu tiên bố trí vốn cho các dự án quyết toán, dự án hoàn thành, dự án chuyển tiếp, sau đó mới bố trí khởi công dự án mới.
Tỉnh Vĩnh Phúc tập trung nguồn vốn này cho xây dựng hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc theo mục tiêu đã đề ra, nhất là các công trình trọng điểm về kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, xây dựng, nâng cấp một số tuyến giao thông, các cầu kết nối Vĩnh Phúc với các tỉnh, thành phố lân cận, đáp ứng yêu cầu phát triển, liên kết vùng theo quy hoạch, gồm hoàn thiện các tuyến Vành đai 2, Vành đai 3 đô thị Vĩnh Phúc; dự án Đường song song đường sắt Hà Nội - Lào Cai; dự án Đường trục Bắc Nam; dự án Đường Vành đai 5 vùng Thủ đô và đường ven chân núi Tam Đảo; dự án Cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành; dự án Đường dẫn lên cầu Vân Phúc và mở rộng đường trục Trung tâm đô thị Mê Linh kết nối Vĩnh Phúc với thành phố Hà Nội…
Cùng với đó, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng một số dự án trọng điểm về văn hóa - xã hội như dự án Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; dự án Trung tâm triển lãm và giới thiệu thành tựu kinh tế - xã hội; dự án Trường Trung học Phổ thông Trần Phú; dự án Trường Trung học cơ sở chất lượng cao các huyện; dự án nâng cấp Trung tâm y tế các huyện…
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức hội nghị giao chỉ tiêu, kế hoạch vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2024; giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024 cho người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương. Tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các chủ đầu tư tập trung ưu tiên thực hiện các thủ tục phê duyệt dự án đầu tư mới, dự án quyết toán hoàn thành; tập trung làm tốt bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư phục vụ các dự án đầu tư; tổ chức lựa chọn nhà thầu, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án theo đúng cam kết.
Cùng với đó, tĩnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục đầu tư công như thẩm định dự án đầu tư có cấu phần xây dựng, triển khai kiểm soát chi bằng chứng từ điện tử, chữ ký số, đơn giản hóa quy trình kiểm soát chi phí.
Tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và các Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của từng dự án, kịp thời đề xuất điều chỉnh cho phù hợp; đôn đốc các nhà thầu tập trung máy móc, nhân lực để thi công công trình theo tiến độ, kiên quyết xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình và vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết.
Năm 2023, tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận kết quả giải ngân cao nhất từ trước đến nay, với tổng nguồn vốn đã giải ngân đạt gần 8.000 tỷ đồng, vượt 3,2% so với kế hoạch vốn trung ương giao, đứng trong top 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước.