'Vỡ' quy hoạch điện mặt trời làm quá tải lưới điện, Bộ Công Thương giải quyết thế nào?

Đầu tư lưới điện truyền tải với đường dây 500kV phải mất 3 năm, đường dây 220kV mất 2 năm. Trong khi đó, để đầu tư dự án điện mặt trời với công suất 50-100MW chỉ mất khoảng 6 tháng.

Số dự án điện mặt trời đã vượt con số 100

Bộ Công Thương thông tin sau khi Thủ tướng kí quyết định 11/2017 liên quan đến cơ chế ưu đãi chính sách phát triển điện mặt trời ở Việt Nam được bán với giá 9,35 cent/1kWh có thời hạn đến tháng 6/2019, nhiều địa phương có tiềm năng phát triển hệ thống năng lượng tái tạo đã có đầu tư rất lớn như Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắk Lắk .v.v..

Theo Quy hoạch điện VII được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 cả nước sẽ có 800 MW - 850 MW điện mặt trời.

Điều này dẫn đến bùng nổ các dự án xin được cấp phép xây dựng nhà máy năng lượng tái tạo, đặc biệt là nhà máy điện mặt trời. Hiện tại, Tổng sơ đồ VII đã ghi nhận hơn 7.000 kWh điện mặt trời, vượt gần 9 lần so với quy hoạch ban đầu. Số lượng dự án điện mặt trời hiện nay cũng đã vượt con số 100.

4

Việc thiếu đồng bộ trong quy hoạch xây dựng nhà máy điện mặt trời và hệ thống lưới điện quốc gia đang gây ra những bất cập, khó khăn cho những nhà sản xuất (Ảnh: Người đưa tin).

Áp lực tạo ra lớn hơn với lưới truyền tải điện, khi một số dự án điện mặt trời Ninh Thuận, Bình Thuận và một số dự án đến thời hạn 30/6/2019 đi vào phát điện và vận hành.

Vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã buộc phải cắt giảm điện từ một số nhà máy năng lượng tái tạo, đặc biệt là nhà máy điện mặt trời ở Bình Thuận, Ninh Thuận.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, hiện đã có thêm công suất 5.000 MW nguồn điện mặt trời, chủ yếu tập trung ở khu vực miền Trung. Song nhiều dự án điện mặt trời đang gặp phải trở ngại vì hệ thống hạ tầng, một số dự án chỉ giải tỏa được 30-40% công suất.

Lưới điện truyền tải không theo kịp tiến độ đầu tư điện mặt trời

Lí giải điều này, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, cho biết việc phát triển lưới điện truyền tải không theo kịp tiến độ đầu tư các dự án điện mặt trời. 

"Đầu tư lưới điện truyền tải với đường dây 500kV phải mất 3 năm, đường dây 220kV mất 2 năm. Trong khi đó, để đầu tư dự án điện mặt trời với công suất 50-100MW chỉ mất khoảng 6 tháng", vị này cung cấp thông tin.

Ông Hùng nhấn mạnh, trước đó khi thẩm định quy hoạch, Cục điện lực và Năng lượng tái tạo đã đưa ra cảnh báo về thực trạng này. Các quyết định cấp phép dự án cũng nêu vấn đề về giải tỏa công suất. Trường hợp lưới điện không vào kịp thì các dự án điện mặt trời phải giảm công suất phát.

images300096_5a

Điện gió cũng "chịu chung số phận" bị ép cắt giảm công suất phát điện do điện mặt trời đóng ồ ạt khiến lưới điện quá tải. (Ảnh: TP).

Đối với việc xây dựng đường dây truyền tải, Phó cục trưởng nêu khó khăn, như vướng mắc về vốn, thời gian thi công kéo dài, tốn kém về cả thời gian lẫn tiền bạc giải phóng mặt bằng, cũng như việc lựa chọn nhà thầu.

Đại diện của Cục đưa ra một số giải pháp để tháo gỡ vướng mắc này. Thứ nhất, Cục đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ vận hành thương mại các nhà máy điện mặt trời, đôn đốc tiến độ vận hành các dự án lưới điện.

Bên cạnh đó, Cục sẽ kiến nghị với Thủ tướng xã hội hóa, để cho những nhà đầu tư tư nhân tham gia vào quá trình xây dựng đường dây truyền tải, đáp ứng tiến độ, giảm áp lực đầu tư, đáp ứng các dự án điện mặt trời, điện gió đi vào vận hành.

Để giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo, mà chủ yếu là điện mặt trời trong thời gian tới, Bộ Công Thương cũng đã có tờ trình Chính phủ bổ sung quy hoạch xây dựng các dự án lưới điện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, các trạm 500kV, đường dây 500kV, mạch kép và các đường dây 220kV, các nhánh rẽ...

Nhiều công trình được đầu tư vào cuối 2019 và đầu năm 2020 được kì vọng cơ bản đáp ứng công suất các nhà máy điện mặt trời, điện gió trong những năm tới.

Theo báo Thanh Niên, ngày 26/6/2019, Hiệp hội Điện gió Bình Thuận (BTWEA) gửi công văn đến Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), phản ứng vì bị ép cắt giảm công suất phát điện.

Ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch BTWEA, cho biết: Trong tháng 6, cơ quan điều độ hệ thống điện quốc gia đã ép các dự án điện gió phải cùng cắt giảm công suất với các dự án điện mặt trời mới hòa lưới.

Tỉ lệ yêu cầu cắt giảm công suất từ 38% đến 64%, và ngày nào cũng bị cắt. Việc đánh đồng giảm tải giữa các nhà máy điện gió với điện mặt trời như vậy theo ông Thịnh là "không phù hợp". Vì trước đây, khi các doanh nghiệp này kí với EVN hợp đồng mua bán điện, không có điều khoản nào nói đến việc yêu cầu phải cắt giảm công suất.

"Bây giờ điện mặt trời phát triển quá nóng, trong khi không đầu tư vào đường dây truyền tải khiến hệ thống quá tải, lại bắt chúng tôi giảm tải như thế là thiếu công bằng. Việc quy hoạch điện mặt trời trong Tổng sơ đồ VII chỉ có 850 MW (đến năm 2020), nhưng hiện nay đã lên đến hơn 7.000 MW, lưới điện dĩ nhiên bị quá tải, và việc này là trách nhiệm của cơ quan quản lí nhà nước chứ không phải lỗi của nhà đầu tư.

Việc thiếu đồng bộ này gây ra thiệt hại vô cùng lớn cho các nhà đầu tư, gây lãng phí và làm méo mó thị trường năng lượng tái tạo".

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.