Vốn mạo hiểm đè vai người lao động

Thị trường không như mong muốn, các startup nuốt lại lời hứa để người lao động và doanh nghiệp nhỏ như Solankey ôm hậu quả nặng nề về tài chính.

Khách sạn 20 phòng Four Sight ở ngoại ô New Delhi (Ấn Độ) đang làm ăn ổn định được năm năm rồi, nhưng người thuê mặt bằng để kinh doanh khách sạn, Sunil Solankey, lại muốn khuếch trương nhắm tới lượng khách là doanh nhân để tăng công suất phòng. 

Năm ngoái Oyo, một doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực khách sạn đến hứa hẹn sẽ giúp nâng cấp Four Sight, trả đều đặn một khoản tiền hàng tháng dù có khách hay không, đổi lại Solankey phải đổi tên Four Sight thành một khách sạn con trong chuỗi Oyo và chỉ bán phòng thông qua họ.

Vốn mạo hiểm đè vai người lao động - Ảnh 1.

Người giao hàng cho Rappi ở Medellin, Colombia

Theo yêu cầu của Oyo, chủ khách sạn bỏ ra 600.000 rupee (chừng 200 triệu đồng) để bọc da lại đồ gỗ trong khách sạn, mua thêm khăn, ga trải giường. Thế nhưng khách doanh nhân đâu không thấy, Oyo cũng lơ luôn khoảng tiền cam kết hàng tháng, Solankey đang trên bờ vực phá sản.

Theo tờ New York Times, Solankey chỉ là một trong hàng triệu người lao động và chủ doanh nghiệp nhỏ bị cuốn vào vòng cương tỏa của những startup mấy năm qua tung hoành ngang dọc trong nhiều lĩnh vực, nhờ tiền đầu tư của các quỹ mạo hiểm rót vào, lớn nhất là Quỹ Vision Fund trị giá 100 tỉ đô la do tập đoàn SoftBank điều hành. 

Masayoshi Son, người đứng đầu SoftBank, từng được ca tụng là nhà đầu tư đẻ ra các startup lớn nhanh thần kì. Rót tiền từ Vision Fund vào các startup, yêu cầu duy nhất của Son là các startup phải phát triển nhanh; đổi lại các startup này thường áp dụng mô hình thuê các nhà thầu bên ngoài cung cấp dịch vụ để có thể nhanh chóng xây dựng mạng lưới khắp nơi.

Để thu hút các nhà thầu con, cho dù đó là chủ một chiếc xe hơi đồng ý vào chạy cho Grab hay người đang thuê khách sạn như Solankey, các startup dùng tiền của SoftBank để dẫn dụ bằng nhiều chiêu thức như hứa hẹn, thưởng tiền, cam kết doanh thu. Tất cả chỉ được một thời gian, khi SoftBank thay đổi chiến lược, thị trường không như mong muốn, các startup nuốt lại lời hứa để người lao động và doanh nghiệp nhỏ như Solankey ôm hậu quả nặng nề về tài chính.

Các nhà thầu con, cho dù đó là chủ một chiếc xe hơi đồng ý vào chạy cho Grab hay người đang thuê khách sạn như Solankey, các startup dùng tiền của SoftBank để dẫn dụ bằng nhiều chiêu thức như hứa hẹn, thưởng tiền, cam kết doanh thu.

Tất cả chỉ được một thời gian, khi SoftBank thay đổi chiến lược, thị trường không như mong muốn, các startup nuốt lại lời hứa để người lao động và doanh nghiệp nhỏ như Solankey ôm hậu quả nặng nề về tài chính.

Tờ New York Times bỏ công xem xét các hợp đồng và phỏng vấn các công nhân từng làm cho các startup do SoftBank tài trợ như Oyo (khách sạn), Rappi (giao hàng), Compass (môi giới bất động sản) ở các thành phố Chicago, New Delhi, Bắc Kinh và Bogota, Columbia. Tất cả đều cho thấy một mô hình lặp đi lặp lại: dẫn dụ và tráo trở. 

Các cuộc phản đối lên án các startup được SoftBank rót tiền đã nổ ra ở New York, Bogota, Mumbai... nhiều cuộc phản đối được đưa lên YouTube, cho thấy những người lao động rơi vào cảnh như Solankey đang phẫn nộ. Tính riêng ở Trung Quốc, ba doanh nghiệp được SoftBank hỗ trợ tài chính - gồm Manbang (logistics), Didi Chuxing (xe đi chung) và Ele.me (giao thức ăn), năm ngoái phải đối diện với 32 cuộc đình công.

Tài xế chạy cho Grab từng đập phá cửa kính văn phòng công ty ở Jakarta, Indonesia. Tại một cuộc biểu tình phản kháng Ola, một dạng như Grab ở Ấn Độ vào năm 2017 tại Bangalore, một tài xế tự thiêu, một tài xế khác uống thuốc độc.

Hãy xem cụ thể vào trường hợp startup Oyo, được thành lập vào năm 2013 như một trang web chuyên tập hợp và chuẩn hóa loại khách sạn ít tiền ở Ấn Độ. 

Thay vì bỏ tiền xây khách sạn, Oyo đi thuyết phục các chủ hay người điều hành khách sạn đang hoạt động chịu làm thành viên mang thương hiệu Oyo. SoftBank bắt đầu rót tiền cho Oyo từ năm 2015, thúc đẩy startup này bành trướng mạng lưới thành viên bằng mọi giá. Tháng trước, Oyo mới thu hút thêm 1,5 tỉ tiền đầu tư, đưa trị giá startup này lên 10 tỉ đô la. 

Giờ đây Oyo tuyên bố họ có trong tay 1,2 triệu phòng kể cả ở Trung Quốc, Mỹ. Ở Việt Nam, theo tin tức báo chí, Oyo đã xuất hiện từ tháng 7/2019 với 90 khách sạn nhượng quyền ở sáu thành phố.

Để nhanh chóng có thêm thành viên, Oyo dùng tiền của SoftBank để hứa hẹn trả cho chủ khách sạn một khoản tiền cố định bất kể có khách hay không; đổi lại khách sạn thêm bữa ăn sáng, dùng khăn, ga theo màu đỏ trắng đặc trưng của Oyo, và đồng ý đặt phòng cho khách, kể cả khách tự vào thuê phòng, qua Oyo để Oyo kiểm soát toàn bộ phòng cho thuê. 

Oyo lại dùng tiền của SoftBank để giảm giá thật sâu cho khách.

Theo đuổi một mô hình như thế ắt sẽ lỗ lớn. Lỗ đến mức không chịu nỗi thì SoftBank buộc phải thúc đẩy Oyo chuyển hướng, thay vì chỉ chăm chăm vào tăng trưởng lượng phòng nay phải tìm cách có lãi. Thế là Oyo ngưng trả cho khách sạn khoản tiền cam kết hàng tháng, tăng tỉ lệ họ hưởng cũng như áp dụng các loại phí khác. 

Như trường hợp của ông Solankey, cam kết trả hàng tháng 700.000 rupee trong ba năm chỉ được một năm là ngưng, rồi Oyo giảm giá thuê phòng sâu đến nỗi Solankey không thể nào cho ai thuê với giá bình thường như trước đây nữa.

Tháng 6/2019, hơn 70 chủ khách sạn ở thành phố biển Kochi đã tuần hành đến trụ sở Oyo biểu tình suốt hai ngày để phản đối. Sự bất ổn lan ra đến Bangalore, New Delhi và các thành phố khác. Tháng trước, Ủy ban Cạnh tranh Ấn Độ mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với Oyo. 

Tổng thư kí danh dự Liên minh Hiệp hội Khách sạn Nhà hàng Ấn Độ Pradeep Shetty, nơi đại diện cho hơn 3.000 khách sạn đương đơn vụ kiện chống độc quyền tuyên bố: “Tình hình tệ hại đến nỗi chúng tôi đang xem nó như một dạng lừa đảo”. 

Ngược lại, cũng theo tờ New York Times, Ritesh Agarwal, nhà sáng lập Oyo khi chỉ mới 19 tuổi, nói chỉ có một số ít khách sạn không hài lòng hay tìm cách ngưng hợp tác. Oyo có giảm mức tối thiểu cam kết, nhưng chỉ khi khách sạn nói sai về tình hình kinh doanh trong thương thảo hợp đồng.

Một trường hợp khác là startup Rappi được thành lập vào năm 2016, bởi ba người Colombia có đội ngũ chuyên giao hàng lên đến 20.000 người. 

Rappi dựa vào mô hình dùng người lao động độc lập mà họ gọi là “nhà thầu” để cung cấp dịch vụ nhưng lại không chịu chi phí cố định, như mua xe, sắm trang bị. Năm nay SoftBank rót cho Rappi 1 tỉ đô la, nâng giá trị công ty này lên 2,5 tỉ đô la; khoản tiền này giúp Rappi bành trướng ra chín nước Nam Mỹ. Thoạt tiên Rappi hứa hẹn cho mỗi nhân viên giao hàng 1 đô la cho mỗi chuyến, khá hơn mức lương tối thiểu của Colombia là 8 đô la/ngày. Ngược lại, người giao hàng phải tự mua điện thoại di động, xe đạp hay xe gắn máy và chiếc túi giao hàng Rappi giá 25 đô la.

Tháng 8 vừa qua, một thẩm phán ở Argentina yêu cầu Rappi và hai doanh nghiệp giao hàng khác ngưng dịch vụ cho đến khi nào họ mua bảo hiểm cho nhân viên, và trang bị cho nhân viên nón bảo hiểm. 

Vị thẩm phán nói tháng trước đó có 25 người giao hàng phải nhập viện ở Buenos Aires điều trị thương tích, do tai nạn khi giao hàng. Đến tháng 9, một khảo sát 320 người giao hàng Rappi tại Columbia do Đại học Rosario tiến hành cho thấy gần hai phần ba từng bị tai nạn khi giao hàng. Hầu hết không có bảo hiểm.

Chưa hết, năm ngoái khoản 1 đô la cam kết bị giảm đến 45% sau khi Rappi tuyên bố mức lỗ đến 45 triệu đô la. Có người phải làm suốt 17 tiếng mỗi ngày mới đủ trang trải chi phí. Tháng 7, hơn 100 người giao hàng biểu tình bên ngoài trụ sở Rappi ở Bogota. 

New York Times kể trường hợp của Farley Molina, một người giao hàng ở Medellin, Colombia, tháng trước bị giật mất điện thoại di động, túi xách giao hàng Rappi và món tiền khách mới trả. Khi trình báo vụ việc, Rappi buộc Molina lấy tiền túi đền 35 đô la đã thu của khách, bỏ tiền mua điện thoại khác mới được tiếp tục làm việc cho Rappi!

Câu chuyện SoftBank rót tiền cho Uber, WeWork thì nhiều người đã biết. Cho đến nay Uber vẫn đang lỗ, quí II lỗ 5,2 tỉ đô la, quí 3 có bớt nhưng vẫn còn lỗ 1,2 tỉ đô la, những con số khổng lồ với bất kì doanh nghiệp bình thường nào khác. WeWork vẫn tiếp tục lao đao. Món đầu tư của SoftBank vào đây nay phải ghi nhận mức thiệt hại 4,6 tỉ đô la vào tuần trước. 

Dòng vốn mạo hiểm từ các quỹ như Vision Fund của SoftBank từng có lúc được xem như chỉ dấu thành công của các startup nay trở thành gánh nặng cho cả các startup từng nhận đầu tư, người lao động đang gánh chịu rủi ro và các doanh nghiệp nhỏ “đi cũng dở, ở cũng không xong” như Sunil Solankey.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.