Chính phủ vừa ban hành Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định 92/2016/NĐ-CP về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Đáng chú ý, Nghị định này đã nới lỏng điều kiện kinh doanh vận tải hàng không, nhất là quy định về mức vốn tối thiểu tương thích với quy mô đội bay của các hãng hàng không mới. Quy định vốn tối thiểu cũng không còn phân biệt giữa hãng hàng không nội địa hay quốc tế.
Hạ vốn tối thiểu thành lập hãng hàng không mới, 300 tỉ đồng khai thác dưới 10 máy bay. (Ảnh: Zing).
Theo đó, mức vốn tối thiểu để thành lập hàng hàng không khai thác dưới 10 máy bay là 300 tỉ đồng. Nghị định 92 cũ quy định vốn ít nhất 700 tỉ đồng với doanh nghiệp có khai thác các đường bay quốc tế, 300 tỉ đồng với doanh nghiệp chỉ khai thác nội địa.
Các hãng hàng không có quy mô đội bay từ 11 đến 30 máy bay, cần vốn tối thiểu 600 tỉ đồng. Nghị định 92 cũ quy định vốn tối thiểu phải 1.000 tỉ đồng với doanh nghiệp có khai thác quốc tế, 600 tỉ với doanh nghiệp khai thác nội địa.
Trường hợp các hãng bay có quy mô trên 30 máy bay, vốn tối thiểu cần có 700 tỉ đồng, không phân biệt nội địa và quốc tế. Trong khi đó, quy định cũ quy định vốn tối thiểu của hãng bay quốc tế và nội địa lần lượt là 1.000 tỉ và 600 tỉ đồng.
Mức vốn tối thiểu để doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung có thể thành lập và duy trì vẫn giữ như cũ, ở mức 100 tỉ đồng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài, thì nhà đầu tư nước ngoài chiếm không quá 34% vốn điều lệ, và phải có ít nhất 1 pháp nhân Việt Nam giữ phần vốn điều lệ lớn nhất.
Trường hợp pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài góp vốn, phần vốn góp nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ của pháp nhân. Theo quy định cũ, mức vốn của nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần không quá 30% vốn điều lệ.
Về quy định tuổi máy bay nhập khẩu, Nghị định sửa đổi của Chính phủ quy định rõ: Máy bay thực hiện vận chuyển hành khách không quá 10 năm, tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam theo hợp đồng mua, thuê mua; không quá 20 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê.
Riêng máy bay trực thăng không quá 25 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê.
Đối với máy bay vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, kinh doanh hàng không chung: Không quá 15 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam theo hợp đồng mua, thuê mua, không quá 25 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê.
Các loại máy bay khác ngoài những loại kể trên muốn nhập khẩu vào Việt Nam phải không quá 20 năm, tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam theo hợp đồng mua, thuê mua; không quá 30 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê.
Các chủng loại máy bay nhập khẩu vào Việt Nam được Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) hoặc Cơ quan an toàn hàng không châu Âu (EASA) hoặc Nhà chức trách hàng không Việt Nam cấp Chứng chỉ loại máy bay.
Nghị định chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2020.
Quy mô đội bay của 3 hãng mới chuẩn bị gia nhập thị trường. (Đồ hoạ: Phúc Minh).
Ở thời điểm này, có 3 hãng bay mới Vinpearl Air, Vietravel Airlines và Kite Air đang chờ Thủ tướng chấp thuận quyết định chủ trương đầu tư, và có kế hoạch bay vào năm sau. Các hãng hàng không này đều có kế hoạch khai thác lẫn nội địa và quốc tế.
Về quy mô đội bay, Vinpearl Air dự định cất cánh với 6 tàu bay. Hãng vạch ra kế hoạch đến năm 2025 sẽ có tổng cộng 36 máy bay.
Trong khi đó, Kite Air dự định mang 3 máy bay cất cánh vào năm sau, và đến năm 2025 sẽ có 25 chiếc.
Vietravel Airlines bay theo mô hình thuê chuyến, phục vụ du lịch nên số lượng máy bay dự kiến ít hơn, với 3 chiếc vào năm sau và tăng lên thành 8 chiếc đến năm 2025.