Vụ cướp bánh mỳ: Nguyễn Hòang Tuấn được trả tự do

Ngày 18/8, bị cáo Nguyễn Hoàng Tuấn thụ án xong mức hình phạt 10 tháng tù về tội “cướp giật tài sản” do TAND quận Thủ Đức tuyên phạt, cách đây 1 tháng.
tin nhap 20160818083329
Hai thanh niên trong vụ án cướp bánh mì gây xôn xao dự luận thời gian qua

Theo nội dung vụ án, khoảng 12h ngày 18/10/2015, Nguyễn Hoàng Tuấn và Ôn Thành Tân chở nhau trên xe máy để đến quán BX trên địa bàn quận Thủ Đức để xin việc làm. Trên đường đi, cả 2 đói bụng nhưng không có tiền nên nảy sinh ý định cướp bánh mì để ăn.

Đến trước một tiệm tạp hóa (thuộc địa bàn quận Thủ Đức), Tuấn ngồi sau xe kêu chủ tiệm tạp hóa bán 2 bọc chuối sấy; 1 ổ bánh mì ngọt; 1 bịch đậu phộng rang muối và 3 bịch me trộn đường. Tổng trị giá các món hàng là 45 ngàn đồng.

Khi chủ tiệm mang hàng ra xe thì Tuấn dùng tay trái giật lấy túi thức ăn, Tân tăng ga xe máy bỏ chạy. Chủ tiệm tạp hóa tri hô, người dân vây bắt được cả hai rồi chuyển cho Công an phường xử lý.

Với hành vi của mình ngày 20/7, vừa qua TAND quận Thủ Đức tuyên phạt bị cáo Tuấn 10 tháng tù, bị cáo Tân 8 tháng 20 ngày tù (bằng thời gian tạm giam).

Sau bản án sơ thẩm bị cáo đại diện hợp pháp bị cáo Tuấn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Tân kháng cáo xin miễn trách nhiệm hình sự.

Chánh án TAND Tối Cao Nguyễn Hòa Bình đã chỉ đạo cần xem xét lại vụ án

Chánh án TAND Tối Cao đã nhắc nhở tòa án các cấp lưu ý về những nguyên tắc khi xét xử, áp dụng hình phạt với người chưa thành niên theo quy định của pháp luật. Trong vụ án hai thiếu niên cướp bánh mì, ông cho rằng lúc thực hiện hành vi cả Tân và Tuấn đều chưa thành niên. Tân là người rủ Tuấn đi cướp giật tài sản, là người điều khiển xe đến nơi thực hiện tội phạm, Tân cũng là người chở Tuấn tẩu thoát.

Thực hiện yêu cầu TAND TPHCM khẩn trương kiểm tra xem có kháng cáo hay kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm vụ án hay không. Nếu có, TAND TPHCM thụ lý vụ án theo thủ tục phúc thẩm. Nếu không, giao chánh án TAND Cấp Cao tại TPHCM rút hồ sơ vụ án để xem xét, kháng nghị bản án hình sự sơ thẩm trên theo thủ tục giám đốc thẩm để xem xét theo đúng quy định của pháp luật.

Tuyên lố thời gian tạm giam thì sao?

Đồng tình với quan điểm của Chánh án TAND Tối Cao, nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét lại vụ án theo hướng giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Như vậy đến thời điễm hiện tại cả 2 bị cáo đã thụ lý xong hình phạt. Trong tình huống các bị cáo được xem xét, giảm nhẹ hình phạt thấp hơn khoảng thời gian các bị cáo đã bị tạm giam thì xử lý sao?

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Đức (Công ty Luật Kinh Luân, Đoàn LS TP.HCM nêu quan điểm: Đối với hình phạt tù có thời hạn, theo điều 33 BLHS quy định, mức thấp nhất là 3 tháng. Như vậy, nếu tòa áp dụng hình phạt với 2 bị cáo này là tù có thời hạn thì mức thấp nhất của hình phạt tù có thời hạn, trong trường hợp này là 3 tháng tù, không thể thấp hơn.

Theo luật sư Đức mức hình phạt này ít hơn thời gian bị cáo bị tạm giam nên đây có thể là lý do dẫn đến việc HĐXX “lấn cấn” giữa mức thấp nhất của tù có thời hạn với thời gian tạm giam bị cáo. HĐXX đưa ra phương án an toàn là mức án tù có thời hạn bằng thời gian tạm giam.

"Cũng xin được nói thêm là trường hợp mức án tù của bản án ít hơn thời hạn tạm giam đối với bị cáo bị khởi tố về một tội và không tổng hợp hình phạt với các tội khác hoặc các bản án khác thì không thuộc trường hợp được bồi thường thiệt hại theo điều 26 Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước", ông Đức lưu ý.

Như vậy, theo luật sư hiện luật chưa quy định nếu bị can, bị cáo bị "giam lố" thì xử lý sao. Đây cũng là lý do trong rất nhiều vụ án khi kết luận bị cáo có tội, tòa thường tuyên phạt bị cáo mức án bằng thời hạn tạm giam.

"Trong vụ án này, theo tôi, nên tuyên bị cáo Tân hình phạt cải tạo không giam giữ là thỏa đáng nhất, đảm bảo tốt nhất quyền lợi của bị cáo", ông Đức nêu quan điểm.

Bởi lẽ, theo khoản 1 Điều 31 BLHS quy định: nếu tòa án áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người bị kết án mà trước đó họ bị tạm giam thì được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ; 1 ngày tạm giam bằng 3 ngày cải tạo không giam giữ.

Trường hợp của bị cáo Tân đủ điều kiện để áp dụng loại hình phạt này. Mặt khác, nếu tòa áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ và quy đổi thời gian tạm giam ra thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ thì tại thời điểm xét xử sơ thẩm, Tân đã chấp hành xong hình phạt. Nếu áp dụng hình phạt này, rõ ràng là có lợi nhất cho bị cáo Tân.

"Có ý kiến cho rằng nên áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với bị cáo Tân. Quan điểm tôi cho rằng, không thể áp dụng hình phạt là cảnh cáo vì hình phạt cảnh cáo chỉ áp dụng cho trường hợp người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng chưa đến mức miễn hình phạt. Trường hợp bị cáo Tân và Tuấn bị truy tố khoản 1 điều 136 BLHS có mức hình phạt cao nhất lên đến 5 năm tù, thuộc trường hợp phạm tội nghiêm trọng nên không thể áp dụng hình phạt cảnh cáo", luật sư Đức phân tích.

La Hồng

chọn
Tiến độ Vinhomes Vũ Yên
Vinhomes Vũ Yên có tổng diện tích hơn 877 ha, tổng mức đầu tư 44.044 tỷ đồng. Vingroup cho biết, đến nay đã hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động 46 căn shophouse và 1.076 căn nhà liền kề...