Vụ lấp đất ruộng làm sân bóng Khu đô thị Đại học: Ban quản lý dự án nói không, người dân nói có

Theo Phó Trưởng ban phụ trách BQL các dự án của trường ĐH Mỏ - Địa chất, việc đổ thải vào ruộng của người dân đã diễn ra từ 2017 – 2018, nhưng người dân có ruộng bị đổ thải cho rằng sự việc không đúng như vậy.

Trong những ngày vừa, một số người dân phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) không khỏi bức xúc khi cho rằng ruộng nhà mình trong diện giải phóng mặt bằng nhưng chưa hề có phương án đền bù đã bị chủ đầu tư đổ đất, quây tôn để làm sân bóng.

Cụ thể, đó là sự việc xảy ra tại Dự án Đầu tư xây dựng Hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị đại học tại phường Đức Thắng, phường Cổ Nhuế 2, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội.

Theo một số hộ dân tại đây, năm 2000, họ được UBND huyện Từ Liêm chia đất để canh tác theo Nghị định 64 của Chính phủ, thời gian cấp là 20 năm. Từ thời điểm đó đến nay, họ vẫn liên tục quản lý và sử dụng.

Đến tháng 6/2017, họ nhận được thông báo thu hồi đất cho dự án trên. Tuy nhiên, điều đáng nói ở chỗ dự án chưa giải quyết bồi thường hết cho những hộ dân có đất bị thu hồi thì một số thửa đất đã bị rào tôn, thậm chí còn bị đổ thải.

20190617_150528

Theo người dân, một số thửa đất nông nghiệp của họ dù chưa được đền bù nhưng đã bị rào tôn, thậm chí còn bị đổ thải. (Ảnh: Minh Anh).

Quây tôn để "chống lấn chiếm"

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Gia Khuê - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các dự án của trường ĐH Mỏ - Địa chất cho hay trong số những người dân có kiến nghị thì có cả những người đã nhận được đền bù hoặc không có đất nằm trong khu vực đã được trường quây tôn. Trong thời gian tới nhà trường sẽ đo và chỉ rõ các ô thửa cho những người dân có kiến nghị này.

Theo ông Khuê, việc đổ thải diễn ra trong các năm 2017 – 2018, sau khi quận Bắc Từ Liêm phê duyệt phương án bồi thường và trường đã trả tiền cho dân. Trước đây, khu đất dự án là các ao thùng, các đối tượng bên ngoài đã vào đổ thải.

20190617_150651

Toàn cảnh khu đất Dự án Đầu tư xây dựng Hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị đại học của ĐH Mỏ - Địa chất. (Ảnh: Minh Anh).

"Việc này khiến cho nhà trường cảm thấy sốt ruột nên gửi văn bản lên quận xin làm hàng rào chặn việc đổ thải. Khi lập hàng rào rồi, một số người dân vẫn phá rào vào đổ thải tiếp", ông Khuê nói.

Còn việc quây tôn, ông Khuê cho biết đó toàn bộ là tôn cũ. Ban (Ban Quản lý các dự án của trường ĐH Mỏ - Địa chất – PV) tận dụng tôn cũ, quay theo đúng ranh giới đã giải phóng mặt bằng, men theo các ô thửa.

Ông Khuê nói thêm: "Nếu quan sát kỹ sẽ thấy đường ranh giới đó là rích rắc chứ không phải theo đường thẳng. Những ô chưa giải phóng thì chúng tôi bắt buộc phải lượn vào. Những hộ chưa nhận bồi thường giải phóng thì chúng tôi sẽ không động vào. Chỉ có đất của những hộ dân đã được đền bù và ký vào biên bản bàn giao đất thì chúng tôi mới dám quây tôn để chống lấn chiếm".

Người dân lấy lý do không có đường để đi vào làm ruộng thì điều đó không chính xác. Việc tự đổ thải cũng không chính xác. Nếu không rào vào thì có thể là núi phế thải chứ không phải như bây giờ nữa.

Phần quây tôn có hai mục đích là ngăn chặn việc đổ thải và tạo ranh giới đã đền bù, giải phóng mặt bằng (khoảng 30% diện tích dự án tương ứng với diện tích đất của 67 hộ dân). Ngoài ra, việc quây tôn còn là để xử lý hiện tượng một số người dân (cả người đã nhận lẫn chưa nhận được tiền đền bù) vào trồng trọt tiếp.

Có chữ "đô thị" trong tên dự án nhưng 100% đất dành cho giáo dục

Khi được hỏi về thông tin có một doanh nghiệp có tên X.T đổ thải vào khu vực đất của người dân, ông Khuê cho biết: "Đây là phản ánh của người dân thì chắc là mọi người đều nắm được. Tôi nghĩ là phải có sự đồng ý của người dân thì người ta mới đổ thải chứ không phải ngẫu nhiên mà người ta vào đó để đổ thải bởi vì người dân dù thế nào cũng biết rõ vị trí và diện tích đất của mình như thế nào.

Cũng bởi trước đây phần đất bị thu hồi là những cái ao, cái thùng, một số người dân muốn tái lấn chiếm để trồng trọt".

Ông Khuê cũng khẳng định chưa thuê bất cứ một đơn vị nào san lấp khu vực dự án đã được phê duyệt.

Về con số 30% dự án mới được đền bù, giải phóng mặt bằng, ông Khuê cho hay: "Con số 30% này là theo kế hoạch nguồn bởi vì trường ĐH Mỏ - Địa chất thực hiện theo nguồn Ngân sách nhà nước. Hàng năm được cấp bao nhiêu tiền thì nhà trường sẽ lập dự toán trên nguồn đó cho nên số tiền Nhà nước cấp mới chỉ đáp ứng được con số 30%".

Và theo vị này, khi được cấp tiền tiếp thì các công tác đo đạc, kiểm đếm và phối hợp cùng chính quyền địa phương thực hiện các bước về bồi thường, hỗ trợ cho bà con có đất bị thu hồi mới tiếp tục.

Tại thời điểm hiện nay, dù biển tên trên cổng đi vào dự án là "Khu liên hợp thể thao trường ĐH Mỏ - Địa chất" nhưng ông Khuê cho hay dự án có tên khác.

20190617_150746

Con đường dẫn vào "Khu liên hợp thể thao ĐH Mỏ - Địa chất. (Ảnh: Minh Anh).

Ông Khuê lý giải: "Diện tích hiện có của nhà trường hẹp nên thiếu các diện tích cho giáo dục thể chất, việc tập quân sự cho sinh viên. Đồng thời Nhà trường còn có khoa Quản lý đất đai, Trắc địa bản đồ, nhiều khi tác nghiệp cứ phải ra ngoài đường để đo.

Khi rào tôn lại, khu vực dự án được sử dụng để phục vụ các hoạt động của nhà trường liên quan đến đào tạo, thực nghiệm ngoài hiện trường (theo đặc thù bộ môn mà nhà trường đào tạo). Việc này cũng là nhằm có sự hiện diện của cán bộ nhà trường và sinh viên để bà con thông cảm và ai có tư tưởng lấn chiếm thì cũng không vào nữa".

"Về nguyên tắc, nhà trường tuân thủ các quy định của pháp luật. Tên dự án là Dự án Đầu tư xây dựng Hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị đại học.

… Chủ trương dự án được phê duyệt từ năm 2006. Gọi là khu đô thị là bởi vì ở đó có 3 trường Đại học: ĐH Y tế Công cộng, ĐH Tài Chính và ĐH Mỏ - Địa chất, hoàn toàn không có một mét vuông nào là đô thi dân dụng. Đó là đô thị đại học, 100% đất dành cho giáo dục và đào tạo đại học", vị Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các dự án của trường ĐH Mỏ - Địa chất cho hay.

Tuy nhiên, trao đổi lại với chúng tôi về những thông tin ông Nguyễn Gia Khuê cung cấp, anh Nguyễn Minh Khuyên (một người dân có phần đất được thông báo thu hồi) cho hay dù chưa nhận được đền bù nhưng phần đất nhà anh cũng đã bị quây tôn. Thâm chí một túp lều còn được dựng trên phần đất nhà anh, đến chiều 20/6, túp lều đã được dỡ đi nhưng phần quây tôn vẫn còn.

20190619_162234

Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất của nhà anh Nguyễn Minh Khuyên. Theo anh Khuyên, thửa đất số 70 với diện tích 193 m2 của nhà anh đã bị đổi thải vào rào tôn dù gia đình anh chưa nhận được đền bù. (Ảnh: Minh Anh).

Anh Khuyên cũng bày tỏ sự không đồng ý với ý kiến của ông Khuê về việc đổ thải là do những đối tượng ở bên ngoài thực hiện từ những năm 2017-2018. Theo anh Khuyên, việc đổ thải mới diễn ra trong thời gian gần đây.

Video bên trong khu "Khu liên hợp thể thao ĐH Mỏ - Địa chất. (Video: Minh Anh).

Trao đổi với VTV1 về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Cường – Phó Chủ tịch UBND Phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội nói: "Việc san đổ đất vào với việc quay rào tôn, chúng tôi sẽ cho kiểm tra xác minh ngay. Trong trường hợp chưa bồi thường xong mà có việc đổ đất lấn chiếm gây ảnh hưởng cản trở việc sử dụng đất của người dân là chiếm đất. Ở thẩm quyền địa phương chúng tôi lập hồ sơ, biên bản vi phạm đất đai rồi ra quyết định xử phạt hành chính cũng như là có các báo cáo lên cấp quận và cấp thành phố để xem xét lại chủ trương đầu tư này".

chọn
Hình ảnh cầu Tam Tòa nối Nam Định - Ninh Bình sau 7 tháng thi công
Cầu Tam Tòa vượt sông Đáy trên tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình sau 7 tháng thi công đã dần thành hình.