Sáng 3/1, HĐXX cách li bị cáo Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "Nhôm", Chủ tịch HĐXX Công ty CP Xây dựng 79) khi xét hỏi những người liên quan đến việc bị cáo này thâu tóm hàng loạt nhà đất công sản, dự án bất động sản ở Đà Nẵng.
Bị cáo buộc tham mưu, đề xuất soạn thảo văn bản trái pháp luật để 2 cựu Chủ tịch Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến kí chuyển nhượng hàng loạt nhà đất cho Vũ "Nhôm", bị cáo Phan Xuân Ít (65 tuổi, cựu Phó chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng) thừa nhận nội dung cáo trạng quy kết.
Tuy nhiên, ông Ít cho rằng trong thời gian giữ các chức vụ Trưởng phòng Quản lí đô thị rồi Phó chánh Văn phòng UBND, bị cáo chỉ thực hiện theo chủ trương của 2 cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng.
“Bị cáo làm tất cả theo chủ trương, theo văn bản chỉ đạo còn người quyết định là chủ tịch UBND”, ông Ít trình bày và thừa nhận đã thực hiện theo công văn được chủ tịch bút phê.
Cựu Phó chánh văn phòng UBND Đà Nẵng khai Vũ không chỉ là chủ doanh nghiệp mà còn có mối quan hệ với một số lãnh đạo TP như ông Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến. Đối với việc công văn tham mưu, đề xuất bán 20 nhà, đất công sản và 4 dự án, bị cáo chỉ biết chấp hành chỉ đạo cấp trên.
“Bị cáo nghĩ lãnh đạo đã chỉ đạo thì chỉ có đúng, đến khi xem cáo trạng mới biết mình sai”, ông Ít mong HĐXX xem xét việc ông không chủ động tham mưu, đề xuất bán nhà đất mà chỉ làm theo chỉ đạo.
Cựu Giám đốc Công ty quản lí nhà Đà Nẵng Nguyễn Công Lang cũng thừa nhận sai phạm nhưng Chủ tịch UBND TP mới là người quyết định việc mua bán, chuyển nhượng nhà, đất công sản. Còn đơn vị bị cáo quản lí được giao thực hiện việc bán nhà đất theo chỉ đạo của UBND TP.
Theo ông Lang, Đà Nẵng có chủ trương cho các công ty đang thuê mua lại nhà đất nếu không vướng quy hoạch. Việc này được thế hệ lãnh đạo trước đây thực hiện nên bị cáo chỉ biết kế thừa.
Công ty CP Công nghệ phẩm Đà Nẵng là đơn vị thuê, sau đó được TP đồng ý chuyển nhượng nhà đất ở 37 Pasteur. Theo cáo buộc, khi biết việc này, Phan Văn Anh Vũ đã gặp giám đốc công ty này là Huỳnh Tấn Lộc để mua lại nhà đất công sản.
Theo bàn bạc, bị cáo Lộc làm các thủ tục để được mua nhà đất số 37 Pasteur, giảm 10% tiền sử dụng đất và hệ số sinh lợi, đồng thời chuyển đổi tên người nhận quyền sử dụng đất sang cho Phan Văn Anh Vũ. Còn phía Vũ “Nhôm” sẽ thanh toán toàn bộ số tiền mua nhà đất và trả tiền “hoa hồng” cho Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng.
Trả lời HĐXX, ông Lộc khai khi biết TP Đà Nẵng có chủ trương bán tài sản cho doanh nghiệp đang thuê, công ty đã làm đơn xin mua 4 nhà đất. Khi được chấp thuận nhận chuyển nhượng nhà đất số 57 Lê Duẩn và 37 Pasteur, cựu Chủ tịch Trần Văn Minh và một lãnh đạo khác điện thoại bảo ông Lộc “cái nào không dùng thì bán cho Vũ”.
Thời điểm này bị cáo chưa quen Vũ “Nhôm”. Sau đó, công ty quyết định nhượng lại nhà đất còn lại dù chưa thực hiện nghĩa vụ với TP.
Vì sao lại chuyển nhượng cho Phan Văn Anh Vũ? Có phải việc chuyển nhượng là điều kiện để được mua tài sản còn lại không? Ông Huỳnh Tấn Lộc phủ nhận việc này và nói việc chuyện nhượng diễn ra vì lợi ích công ty. Tuy nhiên, bị cáo trả lời lòng vòng khiến thẩm phán nhiều lần phải nhắc lại câu hỏi về mục đích chuyển nhượng nhà đất cho Vũ.
Theo giải thích của ông Lộc, khi bán nhà đất 37 Pastuer, Vũ “Nhôm” sẽ trả thêm cho công ty 500 triệu đồng là tài sản trên đất và 550 triệu để di dời tài sản. “Cá nhân bị cáo không được lợi gì hết, chỉ có lợi cho công ty thôi”.
Giám đốc Công ty CP Công nghệ phẩm Đà Nẵng thừa nhận Vũ thực hiện nghĩa vụ tài chính với thành phố rồi chuyển quyền sử dụng đất sang tên Phan Văn Anh Vũ. Hơn 8 năm sau khi vụ việc xảy ra, ông Lập làm việc với công an mới biết việc Vũ được nhà đất là vi phạm pháp luật.
Bị cáo Trần Phi, Giám đốc Công ty CP Xuất Nhập khẩu Đà Nẵng, cũng hầu tòa vì giúp Vũ “Nhôm” thâu tóm nhà đất Số 106 Trần Phú và 34 Hoàng Văn Thụ.
Khi biết Công ty CP Xuất Nhập khẩu Đà Nẵng được mua nhà đất đang thuê, Vũ gặp ông Phi bàn bạc về việc chuyển nhượng. Bị cáo khai do gặp khó khăn về tài chính nên khi được chấp thuận mua nhà đất 106 Trần Phú, công ty đã quyết định chuyển nhượng cho Phan Văn Anh Vũ để được nhận số tiền chênh lệch 700 triệu đông. Còn lô đất 24 Hoàng Văn Thụ, Công ty CP Xuất Nhập khẩu Đà Nẵng được Vũ trả thêm hơn 1,6 tỉ đồng.
Giống như nhà đất 37 Pasteur, phía Phan Văn Anh Vũ nộp tiền rồi đứng tên trên giấy tờ nhận chuyển nhượng trái quy định.