Vợ chồng ông Lê Minh Chiến hạnh phúc bên cháu ngoại - ẢNH: TRUNG HIẾU |
PV Thanh Niên tham gia đoàn của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đi thăm một số đảo biển Tây Nam, ghi nhận về cuộc sống lẫn đổi thay của người dân ở các đảo tiền tiêu này.
Chỉ biết dựa vào bộ đội
Họ là những cư dân đầu tiên sau năm 1975 ra đảo Thổ Châu (thuộc quần đảo Thổ Chu, Kiên Giang) và biến nơi đây thành một xã đảo trù phú. Kỷ niệm về những ngày đầu khai phá Thổ Châu ùa về đối với vợ chồng ông Lê Minh Chiến (65 tuổi, quê ở An Biên, Kiên Giang) khi PV Thanh Niên hỏi đến.
Ngày 27.4.1992, gia đình ông Chiến cùng 6 hộ dân đầu tiên dưới sự chỉ huy của ông Huỳnh Bình Khởi (Trưởng hội Nông dân tập thể xã Nam Du) có mặt ở đảo Thổ Châu. “Đăng ký tới 21 hộ nhưng khi đi chỉ có 7 hộ thôi. Trước đó 1 tuần, các gia đình được chính quyền tỉnh Kiên Giang đưa ra thăm, tìm hiểu Thổ Châu. Lúc đó vợ chồng tôi còn trẻ cũng muốn thử sức, lập nghiệp ở vùng đất mới”, ông Chiến kể.
Nhưng lập nghiệp ở Thổ Châu thời điểm đó không phải là điều giản đơn, nhất là khi đó vợ chồng ông Chiến đã có 3 con nhỏ, đứa lớn 10 tuổi và đứa nhỏ nhất 4 tuổi. Ông Chiến kể tàu đưa 7 gia đình đi từ lúc 5 giờ sáng đến 18 giờ tối mới tới đảo. Cảm giác khi đặt chân xuống đảo thiệt “rợn người” vì đường sá ở đảo khi đó chưa có, cỏ mọc quá đầu người.
“Lúc đó ở đảo chỉ có các anh bộ đội. Thời gian đầu, các hộ dân sống nhờ ở doanh trại bộ đội tới gần 2 tháng. Sau đó bộ đội giúp dân đốn cây, bứt lá gianh làm nhà. Nhà nước hỗ trợ các hộ dân 1 năm gạo ăn, mỗi tháng người lớn được 15 kg, trẻ em được 13 kg”, ông Chiến nói.
Các hộ dân còn được hỗ trợ vay 20 triệu đồng/hộ để mua sắm tàu đánh bắt cá mưu sinh. Vợ chồng ông Chiến cặm cụi, cần mẫn làm ăn với hy vọng cuộc sống khấm khá lên nhưng rồi cơn bão số 5 vào năm 1997 đã cướp đi tất cả. Tàu của ông Chiến bị đánh chìm khi trú bão ở Hòn Sơn. Bão cũng thổi bay căn nhà nhỏ mà bấy lâu vợ chồng ông gầy dựng, vun đắp. Cũng may 3 đứa con nhỏ được người nhà kịp đưa đi tránh bão.
Cả năm không biết xài tiền
Ông Huỳnh Văn Kịch (55 tuổi, quê ở H.Thới Bình, Cà Mau) cũng là lớp người đầu tiên ra đảo Thổ Châu. Học hết lớp 7, ông Kịch công tác ở UBND xã Thổ Châu khi địa giới hành chính cấp xã được thành lập vào năm 1993. Sau đó, ông Kịch làm trưởng công an xã, chủ tịch ủy ban MTTQ xã rồi làm phó chủ tịch UBND xã cho đến cuối năm 2016 mới nghỉ hưu. Gia đình ông Kịch có 3 anh em đều tình nguyện ra Thổ Châu trong những đợt đầu.
“Bây giờ cuộc sống người dân ở đảo có trạm xá, chợ, trường học, chứ hồi đó mới ra sợ lắm. Sợ nhất là bệnh tật vì ở đảo mà không chữa được mà chuyển về đất liền lại quá xa xôi”, ông Kịch kể. Nhớ lại những ngày đầu ra đảo lập nghiệp, ông Kịch cho biết thời đó ngoài gạo nhà nước cấp thì cái gì ở đảo cũng thiếu, nhất là rau xanh. Vài tháng mới có tàu từ đất liền ra, nên có khi cả năm người dân ở đảo không biết xài tiền. Người dân tự cung, tự cấp thực phẩm, đổi qua, đổi lại cho nhau. Cá đánh bắt ăn không hết đem lên cho bộ đội trên đảo. Bây giờ điện nước ở đảo tạm ổn chứ những ngày đầu mới ra, điện được phát từ máy dầu, chỉ có điện từ 19 - 22 giờ hằng ngày, nước gánh từ suối về dùng.
Sau này tìm hiểu, ông Kịch mới biết trước đây cư dân đến Thổ Châu sinh sống nhưng năm 1975 bị quân Khmer Đỏ bắt về các đảo ở Campuchia giết hại. Đến nay dấu tích chứng minh cư dân sinh sống ở Thổ Châu trước năm 1975 còn sót lại là một số ít nền nhà lót gạch bông, bồn nước…
Góp phần giữ chủ quyền biển đảo
Ông Lê Minh Chiến tâm sự không có gì phải hối tiếc khi quyết định ra đảo lập nghiệp. Đến nay, sau 25 năm, vợ chồng ông dù chưa giàu nhưng cuộc sống gia đình ổn định, nhiều sức khỏe, có cháu ngoại lẫn nội. “Thời đó muốn ra vùng đất mới để lập nghiệp, vừa muốn nuôi sống gia đình, vừa góp phần giữ chủ quyền biển đảo. Nếu hỏi nhớ nhất thời đó là gì thì tôi nhớ nhất là tình quân dân. Khi đó mọi thứ đều được chia sẻ, từ lương thực cho đến điếu thuốc. Bộ đội với dân khi đó như cá với nước, như tay với chân vậy”, ông Chiến nói.
Đến nay, từ 7 gia đình ban đầu, ngoài ông Hai Trợn về bờ rồi mất, vợ con cũng rời khỏi đảo, thì 6 gia đình còn lại dù người còn, người mất vẫn còn con cháu ở lại, lập nghiệp và có cuộc sống đầm ấm trên đảo. Đến nay, xã Thổ Châu có tới 570 hộ với gần 2.200 nhân khẩu.
Quần đảo Thổ Chu nằm phía tây nam đảo Phú Quốc và cách Rạch Giá gần 200 km. Toàn bộ quần đảo này cấu thành xã Thổ Châu, H.Phú Quốc (Kiên Giang). Quần đảo có 8 đảo trong đó Thổ Châu là đảo lớn nhất. Trước năm 1975 có khoảng 600 dân sống trên đảo. Ngày 10.5.1975, Khmer Đỏ đưa quân chiếm đảo chính Thổ Châu, đồng thời bắt khoảng 500 dân thường về Campuchia để thảm sát. Từ ngày 24 - 27.5.1975, quân đội VN tấn công và tái chiếm đảo. Ngày 27.4.1992, tỉnh Kiên Giang đưa dân ra đảo Thổ Châu để lập nghiệp và ngày 24.4.1993 thành lập xã đảo Thổ Châu. |
Trung Hiếu