Vũng Tàu khởi động dự án sân bay Gò Găng, giá đất lập tức 'nhảy múa'

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa xác định vị trí khu đất gần 250ha xây dựng sân bay Gò Găng tại xã đảo Long Sơn, ngay lập tức giá đất tại khu vực lân cận đã có biến động.

Giá đất biến động vì sân bay 

Phương án di dời sân bay ở trung tâm TP. Vũng Tàu ra đảo Gò Găng, xã Long Sơn nằm trong kế hoạch của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu từ hơn chục năm trước và mới đây UBND tỉnh đã xác định vị trí khu đất 248,5 ha để nghiên cứu đầu tư dự án sân bay Gò Găng.

Như vậy, sau Cảng hàng không Côn Sơn (huyện Côn Đảo), Bà Rịa – Vũng Tàu đang có kế hoạch xây dựng 2 sân bay mới là sân bay Lộc An - Hồ Tràm (xã Lộc An và xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ) và sân bay Gò Găng.

Trở lại thời điểm đầu năm 2019, trước thông tin UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu quyết định phê duyệt qui hoạch tổng thể giao thông vận tải trên địa bàn định hướng đến năm 2030, trong đó có sân bay chuyên dùng Lộc An – Hồ Tràm, giá đất tại khu vực lân cận lập tức biến động.

Nhà đầu tư từ các tỉnh ồ ạt đổ về đây "săn" đất. Nếu như trước đó mỗi hecta có giá 500 – 700 triệu đồng, thì khi có thông tin sân bay Lộc An – Hồ Tràm giá đất bị đẩy lên gấp 3 – 4 lần, từ 1,5 – 2 tỉ đồng.

Theo bà Tô Thị Hồng Thảo, Chủ tịch UBND xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ, thời điểm đó xã vẫn chưa biết vị trí khu đất xây dựng sân bay, thế nhưng nhiều người dân địa phương, vốn chủ yếu làm nông nghiệp, đã đổ xô rao bán đất. 

Thống kê những tháng đầu năm 2019, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký Đất đai huyện Đất Đỏ tiếp nhận hơn 2.000 hồ sơ giao dịch đất đai, trong đó có đến 900 hồ sơ chuyển nhượng đất.

Vũng Tàu khởi động dự án sân bay Gò Găng, giá đất lập tức 'nhảy múa' - Ảnh 1.

Giá đất tại đảo Gò Găng đang được rao bán với nhiều mức giá khác nhau.

Tương tự, khi thông tin chốt vị trí sân bay Gò Găng mới đây rộ lên, theo khảo sát của PV VietNamNet, giá đất tại khu vực đảo Gò Găng, xã Long Sơn cũng bắt đầu "nhảy múa".

Có mặt tại trục đường chính Gò Găng – Long Sơn, PV được chủ đất tên A. giới thiệu lô đất gần 700m2, trong đó có 15 mét đất mặt đường. Theo ông A., lô đất này nằm ở mặt đường nên không dính qui hoạch, giá đang rao bán là 1,9 tỉ đồng, tức hơn 120 triệu đồng/mét ngang. Chủ đất này cho biết cũng đang bán lô đất liền kề rộng 12.000m2 với giá hơn 6 tỉ đồng. 

Gần vị trí dự kiến xây dựng sân bay Gò Găng, chủ lô đất trồng cây lâu năm gần 900m2 đang rao bán với giá 1,2 tỉ đồng. Người này cho biết lô đất qui hoạch đất thương mại dịch vụ, một phần vướng qui hoạch đường vào sân bay và đang cần tiền nên bán gấp. 

Theo người dân địa phương, lâu nay khu vực đảo Gò Găng chủ yếu giao dịch theo dạng nhà đất nhỏ lẻ, thế nhưng từ khi có thông tin qui hoạch rõ ràng sân bay Gò Găng nhiều người dân có đất trồng cây lâu năm cũng ồ ạt rao bán. So với 2 năm trước, giá đất hiện tại đã tăng rõ rệt.  

Cẩn trọng "bẫy" sốt đất

Nhiều năm quan sát thị trường đất nền tại Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Hoàng Kim Hoài – Tổng giám đốc Phúc Điền Land cho biết, thời gian gần đây địa phương này xuất hiện nhiều dự án đầu tư hạ tầng giao thông quy mô lớn. Do đó, thị trường đất nền cũng biến động theo hướng tích cực. 

Đầu năm 2020, thị trường Bà Rịa – Vũng Tàu chứng kiến cơn sốt đất tại xã Bình Ba, huyện Châu Đức. Chỉ trong một tuần, nhà đầu tư khắp nơi đổ về tấp nập mua bán đất. Giá đất nhảy múa liên tục, nếu như trước Tết Nguyên đán giá đất chỉ 60 triệu đồng/mét ngang thì lúc đó bị đẩy lên gần 200 triệu đồng/mét ngang.

Vũng Tàu khởi động dự án sân bay Gò Găng, giá đất lập tức 'nhảy múa' - Ảnh 2.

Xã Bình Ba, huyện Châu Đức bất ngờ sốt đất vào đầu năm nay.

Cũng theo Tổng giám đốc Phúc Điền Land, giá đất tại xã Bình Ba tăng chóng mặt như nói trên chỉ dựa vào thông tin một tập đoàn lớn được khảo sát, nghiên cứu phương án đầu tư 2 dự án quy mô hơn 800ha tại đây. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, khi giới "cò đất" rút đi, giá đất tại đây lập tức quay về giá trị thực. 

Theo Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Bá Chí Nhân, đầu tư bất động sản, nhất là đất nền, khi xuất hiện thông tin qui hoạch hạ tầng giao thông hoặc khu đô thị mới thời điểm này ẩn chứa nhiều rủi ro. Bài học cho nhà đầu tư với khu đô thị Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai vẫn còn đó, mặc dù được phê duyệt hơn 20 năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện.

TS Lê Bá Chí Nhân cho rằng, giới "cò đất" thường lợi dụng thông tin qui hoạch các dự án giao thông vẫn còn "nằm trên giấy" để tạo hiệu ứng đám đông. Nhiều nhà đầu tư mắc bẫy khi ồ ạt mua vào, đến khi giới "cò" này rút đi thì người mua chết đứng vì không thể thoát hàng. 

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.