Xã đầu tiên bị dịch tả heo châu Phi của Đồng Nai đã công bố hết dịch

Xã Đồi 61, nơi phát sinh ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên của “thủ phủ” chăn nuôi heo Đồng Nai đã công bố hết dịch. Sau 30 ngày kể từ thời điểm tiêu huỷ đàn heo bị bệnh, địa phương cho biết không phát hiện trường hợp nào khác.

Xã Đồi 61 của Đồng Nai được công nhận hết dịch tả heo châu Phi

UBND huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai vừa ban hành quyết định công bố hết dịch tả heo châu Phi đối với ổ dịch tại ấp Tân Đạt, xã Đồi 61. Đây là xã đầu tiên của tỉnh Đồng Nai xuất hiện dịch tả heo châu Phi vào ngày 17/4.

Theo quy định, tính từ khi tiêu hủy đàn heo bị bệnh, theo dõi 30 ngày nếu không ghi nhận, phát hiện có heo chết thêm do dịch tả thì địa phương đủ điều kiện công bố hết dịch.

Xã đầu tiên bị dịch tả heo châu Phi của Đồng Nai đã công bố hết dịch - Ảnh 1.

Xã Đồi 61 là địa phương đầu tiên của Đồng Nai công bố hết dịch tả heo châu Phi. (Ảnh minh hoạ: Báo Đồng Nai).

Đến thời điểm này, xã Đồi 61 là điểm đầu tiên của Đồng Nai công bố hết dịch tả heo châu Phi.

Hã Đồi 61 có 4 trang trại chăn nuôi và 97 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, với tổng đàn khoảng 6.800 con.

Tuy công bố hết dịch, chính quyền huyện Trảng Bom vẫn tiếp tục thực hiện các công tác phòng, chống dịch bởi dịch tả heo châu Phi có nguy cơ tái phát trở lại nếu không thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng chống. 

Đồng Nai còn 8 xã, thuộc 4 huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Long Thành và Nhơn Trạch có dịch tả heo châu Phi.

Vài ngày trở lại đây, địa phương đã phát hiện một ổ dịch hơn 10 con tại xã An Phước, huyện Long Thành. Ngày 20/5, Đồng Nai cũng tiêu huỷ thêm khoảng 1.000 con heo tại 2 ổ dịch thuộc huyện Vĩnh Cửu. 

Tính đến nay, toàn tỉnh đã tiêu hủy gần 4.000 con heo.

Ông Trần Văn Quang - Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai, nhận định dịch tả heo châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều nguy cơ tiếp tục lây lan. Ông đề nghị các địa phương không chủ quan với dịch bệnh, kiểm soát chặt việc lưu thông heo trên địa bàn.

Các tỉnh phía Nam liên tiếp phát hiện ổ dịch tả heo châu Phi mới

Trong khi đó, tình hình dịch tả heo châu Phi tại khu vực phía Nam đang diễn biến phức tạp.

Tại khu vực Đông Nam Bộ, tỉnh Bình Phước đã phát hiện thêm 2 ổ dịch tả heo châu Phi mới tại thị xã Phước Long và huyện Phú Riềng, nâng tổng số điểm bùng phát dịch lên con số 14, với tổng đàn bị tiêu huỷ là 300 con.

Mới đây, ngày 27/5, Bình Dương ghi nhận thêm 5 ổ dịch mới. Tổng cộng đã có 7 ổ dịch tả heo châu Phi được phát hiện tại tỉnh này. Tổng số heo bị dịch phải tiêu huỷ của Bình Dương hơn 1.100 con.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dịch tả heo châu Phi lại diễn biến phức tạp hơn khi chỉ trong vòng 1 tuần có 6 tỉnh An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Cần Thơ đều đồng loạt công bố dịch. Hiện đã có 7/13 tỉnh, thành của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bùng phát dịch.

Đáng chú ý, dịch tả heo châu Phi không chỉ lan nhanh đến các tỉnh thành khác của khu vực này, mà ngay trong tỉnh vừa công bố dịch, dịch lại tiếp tục phát sinh trên các hộ chăn nuôi khác.

Nhận định tình hình dịch tả heo châu Phi thời gian tới tại khu vực phía Nam, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay dịch sẽ diễn biến phức tạp do đang vào mùa mưa với nền nhiệt thay đổi bất thường. Yếu tố sông ngòi dày đặc của Đồng bằng sông Cửu Long, kết hợp ngập úng sẽ là một tác nhân lớn gây lây lan nguồn bệnh.

Theo Bộ trưởng, nguy cơ dịch tả heo châu Phi lây lan đến những vùng đang an toàn, thậm chí sẽ xâm nhập vào các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn và quay lại các nơi vừa tuyên bố hết dịch sau 30 ngày là rất lớn.

Vì vậy, các trang trại, hộ chăn nuôi phải tuyệt đối thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống, an toàn sinh học chuồng trại trong thời gian này.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.