Những tỉnh, thành phía Nam nào đã bùng phát dịch tả heo châu Phi?

Dịch tả heo châu Phi đã bùng phát tại 9 tỉnh thành phía Nam. Đông Nam Bộ có 3 tỉnh phát dịch, 6 tỉnh còn lại là khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long. Mùa mưa đến cùng với hệ thống sông ngòi dày đặc đang là mối nguy lớn khiến dịch tả có thể bùng phát tại khu vực này.

Đông Nam Bộ: Đồng Nai, Bình Phước và Bình Dương bùng phát dịch đầu tiên

Tại khu vực Đông Nam Bộ, dịch tả heo châu Phi xuất hiện đầu tiên tại tỉnh Đồng Nai. Đây được xem là "thủ phủ" heo của cả nước với tổng đàn lên đến 2,5 triệu con.

Sau khi chính thức công bố dịch xảy ra tại hai hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nằm tại 2 huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch vào đầu tháng 5, đến thời điểm này, dịch đã bùng phát sang một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Những tỉnh, thành phía Nam nào đã bùng phát dịch tả heo châu Phi? - Ảnh 1.

Đồng Nai, Bình Dương và Bình Phước là 3 tỉnh thuộc Đông Nam Bộ đã bùng phát dịch tả heo châu Phi. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Cụ thể, mới đây, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết xuất hiện thêm ổ dịch hơn 10 con tại xã An Phước, huyện Long Thành. Ngày 20/5, Đồng Nai cũng tiêu huỷ thêm khoảng 1.000 con heo tại 2 ổ dịch thuộc huyện Vĩnh Cửu.

Kể từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên cách đây một tháng, Đồng Nai đã có 4 huyện xuất hiện dịch tả heo châu Phi, gồm Trảng Bom, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu và Long Thành.

Tỉnh Bình Phước là địa phương thứ hai của khu vực Đông Nam Bộ xuất hiện dịch tả châu Phi. Ổ dịch đầu tiên được phát hiện vào đầu tháng 5. Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước đã phát hiện thêm 2 ổ dịch tả heo châu Phi mới tại thị xã Phước Long và huyện Phú Riềng.

Tổng số heo bị tiêu huỷ đến thời điểm này tại Bình Phước khoảng hơn 300 con.

Ngày 21/5, Chi cục chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Bình Dương cũng đã công bố ổ dịch đầu tiên trên địa bàn được phát hiện tại xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo. Tổng đàn heo của hộ chăn nuôi bị mang đi tiêu huỷ là hơn 1.000 con.

Đáng chú ý, theo địa phương, hai ổ dịch được phát hiện này nằm liền kề huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, nơi đã xuất hiện dịch tả trước đó.

Tây Nam Bộ: Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ liên tục công bố dịch

Hậu Giang là địa phương đầu tiên tại khu vực Tây Nam Bộ công bố xuất hiện dịch tả heo châu Phi vào đầu tháng 4. Mới đây, tỉnh đã phát hiện và tiêu huỷ thêm một ổ heo hơn 1.200 con có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả châu Phi tại Thị xã Ngã Bảy.

Đáng chú ý, sau hơn một tháng tỉnh Hậu Giang công bố thông tin, tình hình dịch tại khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long được kiểm soát khá tốt. Tuy nhiên, chỉ trong vòng một tuần, 5 tỉnh thành khác tại khu vực này liên tục bùng phát dịch.

Những tỉnh, thành phía Nam nào đã bùng phát dịch tả heo châu Phi? - Ảnh 2.

Đàn heo hơn 1.000 con bị tiêu huỷ của một trang trại ở Hậu Giang. (Ảnh: SGGP).

Cụ thể, đầu tuần này, hai tỉnh Vĩnh Long và An Giang đã công bố thông tin ổ dịch đầu tiên xuất hiện trên địa bàn.

Tại Vĩnh Long, ngày 20/5, địa phương phát hiện 1 ổ heo bị dịch tả châu Phi tại phường 8, TP Vĩnh Long, với tổng đàn 22 con. Đến tối 21/5, địa phương tiếp tục một ổ dịch khác tại phường 5, TP Vĩnh Long với tổng đàn lên hơn 100 con.

Tại An Giang, ổ dịch đầu tiên được phát hiện nằm tại phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, địa phương đã tiến hành tiêu huỷ 52 con heo.

Ngày 24/5, đồng loạt hai tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp cũng công bố dịch.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang cho biết đã phát hiện ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên trên địa bàn nằm tại xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp. Ổ dịch này xảy ra tại một đàn heo nhỏ lẻ, địa phương đã tiêu huỷ 33 con heo của hộ chăn nuôi này.

Trong khi đó, ổ dịch tại Đồng Tháp có tổng đàn 187 con, gồm 117 con heo rừng và 70 con heo nhà. Ổ dịch này được phát hiện tại ấp Chiến Thắng, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng.

Tiếp sau Đồng Tháp, sáng 25/5, TP Cần Thơ cho biết dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện trên địa bàn thành phố. Ổ dịch được phát hiện tại các hộ chăn nuôi heo thuộc phường Thường Thạnh, phường Phú Thứ (quận Cái Răng) và phường Long Hoà (quận Bình Thuỷ). Địa phương ngay sau đó đã tiến hành tiêu huỷ hơn 140 con heo bị dịch.

Như vậy, đến thời điểm này, dịch tả heo châu Phi đã bùng phát tại 6/13 tỉnh thuộc khu vực Tây Nam Bộ. Đáng chú ý, chỉ trong vòng một tuần, 5 địa phương đã liên tiếp công bố thông tin phát hiện đàn heo có dịch.

Sông ngòi dày đặc, mùa mưa đang là nguy cơ lớn của các tỉnh phía Nam

Tại Hội nghị Triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch tả heo châu Phi các tỉnh phía Nam vừa diễn ra ngày 25/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nguyễn Xuân Cường cho biết tính đến hết ngày 24/5, tổng số heo bị nhiễm dịch tà heo châu Phi của cả nước là hơn 1,7 triệu con, chiếm hơn 5% tổng đàn heo cả nước. 

Kể từ khi ổ dịch đầu tiên được phát hiện tại Hưng Yên, dịch đã xuất hiện tại 42 tỉnh thành.

Những tỉnh, thành phía Nam nào đã bùng phát dịch tả heo châu Phi? - Ảnh 3.

Sau khi phát hiện dịch, các địa phương đã tiến hành kiểm soát gắt gao việc vận chuyển heo và các sản phẩm từ thịt heo. (Ảnh: SGGP).

Trong khi đó, ngày 25/5, Cần Thơ vừa công bố dịch tả. Như vậy, đây là địa phương thứ 43 của cả nước bùng phát dịch tả heo châu Phi.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đặc biệt là tại các tỉnh phía Nam, dù mới xuất hiện tại một vài tỉnh đã nhanh chóng lây lan sang 3 tỉnh Đông Nam Bộ và 6 tỉnh Tây Nam Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng nguy cơ lây nhiễm ở thời gian tới là rất cao.

Bộ trưởng nhấn mạnh, hiện miền Nam đang bước vào mùa mưa với nền nhiệt thay đổi liên tục, là điều kiện thuận lợi để dịch tả heo châu Phi phát triển. 

Trong khi đó, Đồng Bằng Sông Cửu Long với hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, nguồn bệnh có thể lây lan qua nhiều con đường khác nhau, nhất là các hình thức giao thông thuỷ, bộ khó kiểm soát.

Theo Bộ trưởng, với tình hình này, nguy cơ dịch sẽ diễn biến phức tạp hơn. Dịch không chỉ tấn công vào các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, mà các trang trại lớn cũng phải hết sức phòng ngừa.

Để phòng chống tốt nhất, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương phải huy động toàn bộ hệ thống chính trị cùng vào cuộc, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống, hạn chế lây lan nguồn bệnh trong thời gian tới, đặc biệt là các biện pháp an toàn sinh học chuồng trại.

Ngoài ra, để hạn chế tối đa lây lan nguồn bệnh, các địa phương phải kiểm soát chặt chẽ việc tiêu thụ heo và các sản phẩm từ thịt heo, tuyệt đối không để các lò mổ heo lậu hoạt động hoặc tình trạng bán thịt heo không rõ nguồn gốc.

chọn
Bộ TN&MT đã chuẩn bị những gì để Luật Đất đai có hiệu lực sớm từ ngày 1/7?
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều nay (4/5), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cung cấp thông tin liên quan đến việc chuẩn bị để Luật Đất đai có hiệu lực sớm từ ngày 1/7.