Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành văn bản chỉ đạo về việc tiếp tục quyết liệt triển khai công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi, trong đó có yêu cầu không để giá heo rơi xuống thấp, nhằm giảm thiệt hại thấp nhất cho người chăn nuôi và nghiên cứu, chế tạo vaccine phòng dịch.
Nhận định dịch tả heo châu Phi là bệnh dịch nguy hiểm, dự báo diễn biến phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi và cuộc sống của người dân, Thủ tướng đã yêu cầu tập trung huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, quán triệt phương châm "phòng, chống dịch như chống giặc", đồng thời, có các giải pháp cấp bách khống chế dịch.
Thủ tướng kiểm tra công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi tại huyện Đông Anh, Hà Nội, ngày 19/5. (Ảnh: VGP).
Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương trình Thủ tướng phê duyệt để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học trong Đề án quốc gia nghiên cứu giải pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi, trong đó có nội dung nghiên cứu, chế tạo vaccine.
Song song đó, Bộ Nông nghiệp phải phối hợp với các cơ quan ban hành chính sách, quy chế tổ chức chống dịch hiệu quả hơn, sát thực tế và khả thi hơn, vừa bảo đảm chống dịch vừa tạo điều kiện phát triển chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt heo.
Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương tái cấu trúc ngành chăn nuôi, đa dạng hóa vật nuôi, trước mắt tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy sản... để bù đắp khi thiếu hụt thịt heo nhằm phục vụ tốt đời sống người dân.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp phải phối hợp với Bộ Ngoại giao, chủ động làm việc, đề nghị các tổ chức quốc tế và các nước xem xét, hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Ngoài việc đảm bảo tốt công tác phòng, chống và khống chế dịch, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khuyến khích cơ sở, doanh nghiệp thực hiện việc thu mua heo sạch trong vùng có dịch, để tiêu thụ và cấp trữ đông, nhằm giảm thiểu lây lan dịch bệnh.
Thủ tướng chỉ đạo không để giá heo rơi xuống thấp. (Ảnh: Báo Đồng Nai).
Theo Thủ tướng, việc này còn làm giảm thiệt hại cho người chăn nuôi, giữ ổn định giá heo không bị rơi xuống thấp trong giai đoạn trước mắt, và có nguồn thực phẩm sạch cung cấp cho nhu cầu thị trường thời gian tới. Nhất là không để sốt giá thịt heo vào những tháng, quý tới, nhất là giai đoạn cuối năm.
Các cơ quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhằm ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển heo, sản phẩm từ heo không rõ nguồn gốc, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
Người đứng đầu Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất việc sử dụng nguồn vốn ngân sách để hỗ trợ phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi cho các cơ quan Trung ương và địa phương. Đồng thời khẩn trương rà soát, điều chỉnh mức, cơ chế hỗ trợ cho người chăn nuôi, doanh nghiệp có heo bị tiêu hủy do nhiễm bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến và các biện pháp phòng chống dịch, theo nguyên tắc vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt heo, tránh tâm lí chủ quan hoặc gây hoang mang, quay lưng với thịt heo không bị bệnh.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, dịch tả heo châu Phi đã lây lan ra 34 tỉnh, thành phố trên cả nước. Số lượng heo bị tiêu huỷ vì dịch là 1,5 triệu con, chiếm 5% tổng đàn heo trên cả nước.
Như vậy, chỉ trong vòng 1 tuần, từ 12-19/5, dịch tả heo châu Phi đã lây lan ra thêm 5 tỉnh thành khác, nâng số heo bị tiêu huỷ trên cả nước lên thêm 300.000 con.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá chưa bao giờ ngành chăn nuôi thế giới cũng như Việt Nam đối mặt loại bệnh nguy hiểm như dịch tả heo châu Phi.
Theo Bộ trưởng, dù huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia phòng, chống dịch, nhưng nếu không làm tốt, dịch sẽ tiếp tục lây lan, có thể lên tới 100% địa bàn, kể cả những nơi hết dịch sau 30 ngày thì bệnh vẫn quay trở lại.
Kinh doanh 05:00 | 05/01/2022
Kinh doanh 05:00 | 14/11/2021
Kinh doanh 05:00 | 11/10/2021
Kinh doanh 05:00 | 05/10/2021
Kinh doanh 05:00 | 03/09/2021
Tiêu dùng 05:17 | 09/06/2020
Tiêu dùng 17:31 | 27/05/2020
Tiêu dùng 21:24 | 26/03/2020