3 tỉnh miền Tây: Kiên Giang, An Giang và Vĩnh Long cùng xuất hiện dịch tả heo châu Phi

Như vậy, cùng với Hậu Giang, dịch tả châu Phi đã có "tấn công" 4 tỉnh khu vực Tây Nam Bộ, trong đó 3 tỉnh mới phát dịch là Kiên Giang, An Giang và Vĩnh Long.

Chiều 24/5, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang cho biết đã phát hiện ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên trên địa bàn nằm tại xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp.

Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả heo châu Phi, địa phương đã tiến hành tiêu huỷ đàn heo gồm 33 con của hộ chăn nuôi này.

3 tỉnh miền Tây: Kiên Giang, An Giang và Vĩnh Long cùng xuất hiện dịch tả heo châu Phi  - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng tiến hành tiêu huỷ đàn heo bị dịch tả ở tỉnh Vĩnh Long. (Ảnh: Báo Vĩnh Long).

Chủ trại heo cho biết khi phát hiện vài con trong đàn có biểu hiện sốt cao, không ăn, ủ rũ... đi mua thuốc thú y về tự tiêm nhưng không hết. Sau đó, chủ trại báo chính quyền địa phương, tiến hành công tác lấy mẫu xét nghiệm.

Ngoài tiêu huỷ, hiện địa phương tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi có heo bị nhiễm bệnh, khoanh vùng ổ dịch theo quy định để tiêu độc khử trùng liên tục trong 1 tuần, hạn chế cho người ra vào vùng có dịch.

Cùng Kiên Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang và Vĩnh Long cũng công bố thông tin dịch tả heo châu Phi xuất hiện trên địa bàn.

Cụ thể, tại An Giang, ổ dịch đầu tiên được phát hiện nằm tại phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, địa phương đã tiến hành tiêu huỷ 52 con heo.

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân đàn heo mắc dịch tả có thể do chủ hộ lấy thức ăn thừa từ các quán ăn, không qua xử lí. 

Trong khi đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long cho biết ngày 20/5, trên địa bàn xuất hiện một ổ heo bị dịch tả châu Phi tại phường 8, TP Vĩnh Long, với tổng đàn 22 con. Đến tối 21/5, địa phương tiếp tục một ổ dịch khác tại phường 5, TP Vĩnh Long với tổng đàn lên hơn 100 con.

Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch bệnh, địa phương đã tiến hành tiêu huỷ hai đàn heo trên trong vòng 24 giờ đồng hồ. Đồng thời, thành lập các chốt kiểm dịch ra vào ổ dịch, tiến hành tiêu độc khử trùng môi trường xung quanh và thực hiện vận động người dân thực hiện phòng, chống dịch.

Như vậy, sau tỉnh đầu tiên của khu vực Tây Nam Bộ xảy ra dịch tả heo châu Phi là Hậu Giang, đến nay dịch đã xuất hiện thêm tại 3 tỉnh khác là Kiên Giang, Vĩnh Long và An Giang.

3 tỉnh chăn nuôi lớn ở Đông Nam Bộ bùng phát dịch tả heo châu Phi

Ngày 21/5, Chi cục chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Bình Dương cho biết phát hiện hai ổ dịch xuất hiện đầu tiên trên địa bàn với tổng đàn hơn 1.000 con. Hai ổ dịch này nằm tại xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo. Đây là địa phương nằm liền kề huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, nơi đã xuất hiện dịch tả trước đó.

Như vậy, tại khu vực Đông Nam Bộ, vùng trọng điểm chăn nuôi lớn, đã có 3 tỉnh xảy ra dịch tả heo châu Phi là Đồng Nai, Bình Phước và Bình Dương. 

Đáng chú ý, vài ngày qua, dịch tả châu Phi tại Đồng Nai xuất hiện thêm tại một số địa bàn mới với số lượng lớn. Cụ thể, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết xuất hiện thêm ổ dịch hơn 10 con tại xã An Phước, huyện Long Thành. Ngày 20/5, Đồng Nai cũng tiêu huỷ thêm khoảng 1.000 con heo tại 2 ổ dịch thuộc huyện Vĩnh Cửu. 

Kể từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên cách đây một tháng, Đồng Nai đã có 4 huyện xuất hiện dịch tả heo châu Phi, gồm Trảng Bom, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu và Long Thành.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết tình hình dịch tả heo châu Phi đang diễn biến rất phức tạp.

Theo Bộ trưởng, hiện nay, dịch tả heo châu Phi không chỉ những hộ nhỏ lẻ, mà đã tấn công vào các hộ chăn nuôi lớn với số lượng hàng trăm con.

Bộ trưởng yêu cầu phải huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia phòng, chống dịch, bởi nếu thực hiện không tốt, dịch sẽ tiếp tục lây lan, có thể lên tới 100% địa bàn, kể cả những nơi hết dịch sau 30 ngày thì bệnh vẫn quay trở lại. 

chọn
Hình ảnh cầu vượt sông Đào ở TP Nam Định đã hoàn thành hơn 56%
Dự án xây dựng cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi do UBND thành phố Nam Định làm chủ đầu tư khởi công ngày 15/10/2022.