Tại Hội nghị triển khai giải pháp cấp bách phòng chống dịch tả heo châu Phi tại các tỉnh phía Nam mới đây, lãnh đạo nhiều địa phương cho biết trong khi tình hình dịch tả đang diễn biến phức tạp thì công tác phòng chống, hạn chế lây lan dịch bệnh cũng gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, với đặc thù của ngành chăn nuôi phía Nam, quy mô các hộ chăn nuôi đa phần đều nhỏ lẻ, chuồng trại lẫn trong khu dân cư, mật độ chăn nuôi cao. Trong khi đó, số cơ sở chăn nuôi an toàn còn ít so với tổng số trang trại.
Dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam. (Ảnh: Tuổi Trẻ).
Theo đánh giá của các địa phương, hiện nhiều hộ chăn nuôi chưa hiểu rõ tính nguy hiểm của dịch tả heo châu Phi nên chưa thực hiện các biện pháp an toàn sinh học triệt để.
Đơn cử, Bình Phước vẫn còn hình thức chăn nuôi heo lai, heo rừng kiểu "gần gũi thiên nhiên", hoặc tận dụng thức ăn dư thừa cho đàn heo. Nhiều địa phương còn phát hiện tình trạng giết mổ heo bệnh, heo lậu… bán ra thị trường.
Đồng thời, các tỉnh đã xuất hiện những ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên cũng cho hay người chăn nuôi khi phát hiện heo bệnh đã không khai báo sớm với địa phương, trung bình từ lúc phát hiện đến khi cơ quan chức năng thực hiện xét nghiệm, tiêu huỷ là khoảng 5-6 ngày. Trong thời gian này, nguy cơ lây nhiễm là rất lớn.
Theo các địa phương việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng còn chậm và chưa đúng kĩ thuật, một phần nguyên nhân đến từ việc thiếu dự trữ vôi bột, hoá chất.
Ngoài công tác phòng chống, hạn chế lây lan dịch, lãnh đạo hai tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu còn kiến nghị nhanh chóng sửa đổi chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại, bởi dù thực hiện theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP hay Nghị quyết 16/NQ-CP thì mức hỗ trợ hiện nay cũng khá thấp, không quá 38.000 đồng mỗi kg heo hơi.
Trả lời kiến nghị của các địa phương về chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết lãnh đạo các tỉnh, thành có thể tham mưu, trình thường trực HĐND quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho người chăn nuôi.
"Các địa phương đừng quá cứng nhắc, không ai đi bắt bẻ người làm lợi cho dân cả", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết lãnh đạo các tỉnh, thành có thể tham mưu, trình thường trực HĐND quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho người chăn nuôi. (Ảnh: Báo Đồng Nai).
Đồng thời, ông cũng cho biết thêm Bộ Nông nghiệp sẽ tham mưu Chính phủ ra cơ chế mới, theo hướng cho thực hiện hệ số cộng thêm hoặc đề nghị phân cấp để địa phương tự quyết về việc hỗ trợ các hộ xảy ra dịch tả heo châu Phi. Việc hỗ trợ hợp lí đóng vai trò quan trọng, để các hộ tự giác báo cáo trong trường hợp có dịch và phối hợp tiêu huỷ theo đúng quy định, không để lây lan.
Theo Bộ Nông nghiệp, thời gian qua, công tác phòng chống dịch có một số kết quả, như 80 xã thuộc 49 huyện của 22 tỉnh, thành không phát sinh thêm heo mắc bệnh trong 30 ngày qua. Cả nước có 740 cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh, tập trung nhiều nhất tại Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Ngành nông nghiệp cũng đang chủ trương xúc tiến các giải pháp thúc đẩy chăn nuôi gia cầm và các loại gia súc khác như trâu, bò dê… để dự phòng thời gian tới.
Nhận định tình hình dịch tả heo châu Phi thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay dịch đang diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan đến những vùng đang an toàn, thậm chí sẽ xâm nhập vào các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn. Đồng thời, rủi ro dịch sẽ quay lại các nơi vừa tuyên bố hết dịch sau 30 ngày.
Riêng khu vực phía Nam, dịch có thể sẽ diễn biến phức tạp do đang vào mùa mưa với nền nhiệt thay đổi bất thường. Yếu tố sông ngòi dày đặc của Đồng bằng sông Cửu Long, kết hợp ngập úng sẽ là một tác nhân lớn gây lây lan nguồn bệnh.
"Tất cả các cơ sở, doanh nghiệp, hộ chăn nuôi lớn nhỏ không tái đàn vào lúc này. Khi nào dịch bệnh được kiểm soát, cơ quan quản lí chuyên ngành sẽ có thông báo tăng đàn trở lại. Chúng tôi đã bàn với các địa phương tìm sinh kế mới cho người chăn nuôi heo", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Trước diễn biến phức tạp của dịch tạp, và đặc biệt không thể kiểm soát hết các nguồn lây lan, Bộ trưởng Nông nghiệp đề nghị các địa phương, doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi cần đảm bảo an toàn sinh học, chú ý cả hoạt động di chuyển của công nhân, người tham gia chăn nuôi khi ra vào vùng có dịch.
Việc phòng dịch lúc này phải như "đánh chuột không vỡ bình hoa", điều này đòi hỏi phải có sự phối hợp của chính quyền, người dân và doanh nghiệp để bảo vệ sinh kế lâu dài cho người chăn nuôi, và "sức khoẻ" của ngành nông nghiệp, và nền kinh tế.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính tới hết ngày 24/5, dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện ở 2.904 xã thuộc 265 huyện tại 42 tỉnh, thành trên cả nước, với hơn 1,7 triệu con heo bị tiêu hủy (chiếm 5% tổng đàn cả nước).
Tuy nhiên, ngày 25/5, Cần Thơ vừa công bố dịch tả heo châu Phi. Cũng ngày ngày, tỉnh Gia Lai đã công bố dịch tả heo châu Phi xảy ra trên địa bàn huyện Chư Pưh.
Tiếp đến ngày 26/5, tỉnh Sóc Trăng cũng công bố thông tin dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện trên địa bàn.
Như vậy, đến thời điểm này, ước tính có khoảng 45 tỉnh, thành bùng phát dịch tả heo châu Phi.
Riêng khu vực phía Nam là 10 tỉnh thành có dịch. Trong đó, Đông Nam Bộ, 3 tỉnh phát dịch là Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương.
Khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long đã có 7 tỉnh, thành có dịch: An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Cần Thơ.
Kinh doanh 05:00 | 05/01/2022
Kinh doanh 05:00 | 14/11/2021
Kinh doanh 05:00 | 11/10/2021
Kinh doanh 05:00 | 05/10/2021
Kinh doanh 05:00 | 03/09/2021
Tiêu dùng 05:17 | 09/06/2020
Tiêu dùng 17:31 | 27/05/2020
Tiêu dùng 21:24 | 26/03/2020