(Ảnh minh hoạ) |
Đó là thông tin vừa được Bộ Công an đưa ra trong dự thảo tờ trình Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm nguỵ trang để ghi âm, ghi hình, định vị nhằm lấy ý kiến rộng rãi của dư luận.
Theo Bộ Công an, trong những năm qua, tình hình kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, ghi hình, định vị diễn ra rất phức tạp, gây bức xúc trong xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa quốc phòng, an ninh, trật tự của đất nước.
Qua công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, Bộ Công an đã phát hiện nhiều vụ, việc đối tượng sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, ghi hình, định vị.
Điển hình là vụ Công ty Việt Hồng công khai quảng cáo sản phẩm phần mềm Ptracker và đã thực hiện giám sát hơn 14.000 tài khoản điện thoại di động, cho phép đối tượng thuê dịch vụ phần mềm Ptracker của Công ty Việt Hồng để bí mật quay phim, chụp ảnh, ghi âm cuộc gọi, định vị điện thoại trái pháp luật…
Ngoài ra, Bộ Công an đã xác định có ít nhất 24 cá nhân, tổ chức có hành vi công khai quảng cáo, buôn bán thiết bị và cung cấp các dịch vụ tương tự như Công ty Việt Hồng.
“Những người sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình, định vị được ngụy trang dưới vỏ bọc đồ vật bình thường hoặc phần mềm theo dõi được cài đặt trái phép trên các thiết bị điện tử, máy tính xâm phạm quyền bí mật riêng tư của cá nhân, hoạt động của cơ quan, tổ chức, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gây bức xúc trong xã hội”- Bộ Công an cho hay.
Chính vì thế, trong dự thảo nghị định vừa công bố lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Công an cho rằng kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang ghi âm, ghi hình bắt buộc phải có giấy phép.
Theo đó, các hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị gồm: Sản xuất, lắp ráp, vận chuyển, tồn trữ, mua bán, cho thuê, sửa chữa thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị là hoạt động kinh doanh có điều kiện, bắt buộc phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự do cơ quan thẩm quyền thuộc Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng cấp.
Dự thảo đề xuất 3 nhóm đối được được kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị gồm: Cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Công an; Cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng phục vụ cho lực lượng Quân đội nhân dân; Cơ sở kinh doanh không thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được Bộ Công an chấp thuận bằng văn bản.
Trong thời hạn không quá 5 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp phải có văn bản thông báo kèm theo bản sao Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự gửi cho Công an xã, phường, thị trấn nơi cơ sở hoạt động kinh doanh.
“Không sử dụng cơ sở kinh doanh để thực hiện các hoạt động trái quy định của pháp luật ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, đạo đức, thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Phát hiện và kịp thời thông báo cho cơ quan Công an về các biểu hiện nghi vấn hoặc vụ việc có liên quan đến an ninh, trật tự tại cơ sở kinh doanh. Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm của cơ quan Công an và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền”- dự thảo nêu rõ.
Bên cạnh đó, dự thảo đề xuất doanh nghiệp chỉ sử dụng nhân viên làm việc trong cơ sở kinh doanh từ đủ 18 tuổi trở lên; có đủ năng lực hành vi dân sự; không nghiện ma túy. Không sử dụng nhân viên là người đang trong thời gian bị điều tra, truy tố, xét xử; đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; người đang trong thời gian được tha tù trước thời hạn có điều kiện; người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ.
Theo dự thảo, Bộ Công an sẽ giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị; chỉ đạo việc phối hợp thẩm định hồ sơ trước khi cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan quản lý hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị theo quy định. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị theo quy định của pháp luật.
Năm 2014, căn cứ tài liệu kiểm tra, xác minh, thu thập được từ lời khai của những người có liên quan và khai thác dữ liệu máy chủ công ty, cơ quan công an điều tra bước đầu xác định Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng hoạt động theo giấy phép Đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp ngày 2/6/2010. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh liên quan đến hoạt động xây dựng và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, kinh doanh phần mềm máy tính. Toàn bộ hoạt động liên quan đến kinh doanh phần mềm ptracker của Công ty Việt Hồng đều do đối tượng Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc công ty phụ trách.
Theo kết quả thanh tra liên ngành của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội và PC50 - Công an Hà Nội, phần mềm này có chức năng chạy ẩn, dữ liệu được bí mật lấy từ điện thoại bị giám sát rồi chuyển về máy chủ của Việt Hồng. Ptracker có chức năng cơ bản là xem tin nhắn, danh bạ, ghi âm cuộc thoại, ghi âm môi trường xung quanh, định vị vị trí điện thoại, quay phim, chụp ảnh, bật/tắt 3G. Nó còn cho phép người sử dụng điều khiển từ xa điện thoại bị cài phần mềm giám sát bằng cách nhắn tin tới điện thoại này. Khi tin nhắn lệnh được thực hiện thành công, tổng đài 8189 sẽ hồi đáp với nội dung: Ptrackersms: OK, song tin này sẽ không hiển thị trên điện thoại bị giám sát nên nạn nhân không thể hay biết.
Toàn bộ dữ liệu được lấy từ điện thoại sẽ được gửi về máy chủ của Việt Hồng nên nhân viên kỹ thuật của công ty này có toàn quyền xem, xóa, khai thác nội dung dữ liệu đó mà không cần tới tài khoản hay mật khẩu của người đã mua phần mềm ptracker. Số lượng tài khoản đã từng cài phần mềm ptracker lên tới 14.140 tài khoản, trong đó có 7447 tài khoản chưa bị xóa dữ liệu trong máy chủ của Việt Hồng.