PV Thanh Niên xé vé, thu tiền khách trên một chuyến xe buýt. ẢNH: NGỌC DƯƠNG |
Từ người quen giới thiệu, tôi chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ xin làm tiếp viên (TV) xe buýt thuộc quản lý của Hợp tác xã (HTX) vận tải 19/5. Tôi chọn thực tập trên xe 18 và 145 vì tuyến này khá đông khách, dễ có nhiều trải nghiệm.
Mông tựa ghế, vé kẹp nách
Sáng sớm 20.9, đường sá Sài Gòn vắng hoe, trời lành lạnh. Tôi lò dò chạy xe máy xuống Bến xe (BX) buýt Hiệp Thành (đường Hiệp Thành 17, Q.12) để bắt đầu công việc. Tôi được phân công theo Huy (24 tuổi, quê Vĩnh Long) - TV xe buýt số 145 để học việc.
Bài học vỡ lòng bắt buộc phải nhớ là: gặp cụ già, người tàn tật, phụ nữ mang thai... TV có nhiệm vụ dìu dắt lên xuống. Những câu cửa miệng phải thuộc nằm lòng: Có ai có vé mà chưa đưa tiền, hay đưa tiền mà chưa có vé hông? Có sinh viên nào nhường ghế cho cụ già hông?...
5 giờ 48, xe xuất bến chạy từ BX buýt Hiệp Thành đến BX buýt Chợ Lớn (Q.5) rồi quay về. Lúc này, khách ít nên sau khi quan sát đàn anh làm việc một hồi, tôi được giao làm thiệt. Nghề TV xe buýt coi vậy mà không đơn giản như tôi nghĩ. Đâu phải xé vé, thu tiền là xong.
Khi xe chạy thắng nhấp nhả liên tục, đứng sao cho... khỏi té, xé vé sao cho không sót khi hàng chục người lên xuống giờ cao điểm cũng phải học. Chưa kể, khách cũng đủ thành phần, lứa tuổi nên phải “trang bị” nhiều mánh lới mới mong trụ vững.
Tôi xin “đổi gió”, sang xe buýt số 18 thực tập. Chị đồng nghiệp Bích Phượng (45 tuổi, ngụ Q.4) vừa thấy lính mới đã dặn: “Hồi đó chị cũng như mày, có biết gì đâu. Ráng học, chị truyền nghề hết cho”.
Tiếp viên có nhiệm vụ hỗ trợ cho người tàn tật lên xuống xe buýt. ẢNH: NGỌC DƯƠNG |
Xe số 18 chạy tuyến BX buýt Hiệp Thành - BX buýt công viên 23/9 (Q.1), khách đông muốn ngộp thở. Chị Phượng vừa làm vừa chỉ để tôi thực hành luôn. Xe chạy xồng xộc, thắng “kít, kít” mỗi khi có khách lên xuống trạm.
Tôi qua lại xé vé, thu tiền mà chệnh choạng, “lên bờ xuống ruộng”. Thấy tôi té liên miên, chị Phượng quát: “Hai chân chàng hảng, dựa mông vào ghế, vé kẹp vô nách!”. Chiêu này quả thật hiệu nghiệm.
Xe tới trạm Đài truyền hình TP.HCM (đường Đinh Tiên Hoàng, Q.1), hàng chục sinh viên đang đợi đón xe, chị Phượng kêu tôi nhảy xuống đất la to: “Nhanh chân lên bà con!” rồi đếm số khách lên để bán vé khỏi bị sót. Khách lên hết tôi mới nhảy lên xe, miệng tiếp tục hô: “Tới luôn bác tài!”.
“Xe có chạy ngang qua Bệnh viện Q.Bình Thạnh không anh TV ơi?”, khách bất ngờ hỏi. Chưa rành trạm dừng nên tôi lúng túng. Tiện thể chị Phượng dặn luôn: “Chưa biết đường, khách hỏi cứ thành thật bảo mình mới đi làm nên không biết, phiền khách lên xuống trạm tự thông báo giùm, chứ chỉ bậy bạ, sai chỗ cần đến họ chửi chết”.
Đến bến, TV phải cầm tờ lệnh vận chuyển, cùng tập vé đã bán đưa nhân viên ở BX kiểm tra, sau đó ghi thông tin giờ chạy của chuyến tiếp theo. “Đây là công việc bắt buộc, không sẽ bị lập biên bản và không được công nhận chuyến mình đã chạy”, chị Phượng dặn dò.
Mánh lới tiếp viên
“Để tồn tại lâu dài với nghề, TV tuyệt đối không “cắt cỏ” (thu tiền mà không xé vé cho khách) vì sẽ bị đuổi việc liền”, đó là bài học quan trọng đầu tiên mà các đồng nghiệp cũ dạy. Dù vậy, giới TV vẫn có mánh để “kiếm thêm”.
"Mình phải biết điều, cơm nước cho tài xế nhưng khỏi... lấy lại tiền, bao luôn. Chịu khó lau chùi, quét dọn chỗ họ ngồi cho sạch sẽ, biết “tát nước theo mưa”, nói sao mình nghe vậy. Được lòng thì tài xế sẽ hỗ trợ, đếm số khách lên giúp và không chơi khó mình lúc giờ cao điểm, khách đông". Chị Thùy Linh, tiếp viên xe buýt số 18 |
“Phải biết nhẫn nại, đặc biệt chú ý trường hợp khách bỏ quên điện thoại, rớt tiền... lúc đó sẽ có món quà hời”, một TV tên P. (30 tuổi) tiết lộ rồi rút chiếc điện thoại trong túi ra khoe với tôi: “Tao mới lượm được cái này giá cả chục triệu nè.
Bữa trước lượm được tờ 500.000 đồng nhưng tài xế thấy nên buộc phải chia đôi. Cho nên, mày nhớ nếu thấy đồ gì giá trị là cất ngay, đừng để tài xế biết”.
Còn TV Hoàng Tâm (23 tuổi, ngụ Q.12) lại chỉ tôi cách khác để “tăng thu nhập”, đó là nhận gửi hàng hóa.
“Dọc đường, có ai gửi hàng hóa thì nhận tuốt. Cái này khỏi cần xé vé, lấy chừng 30.000 - 50.000 đồng/lần gửi, tùy hàng và... nhìn mặt mà lấy tiền, tướng nghèo khó thì bèo chút, sang trọng thì lấy giá cao hơn”, Tâm chỉ dẫn cho lính mới.
Ngoài ra, việc kết hợp ăn ý với tài xế cũng là một “nghệ thuật” đáng lưu ý. “Xé vé có bị sót hay không còn ăn thua ở tài xế nữa. Khách đông mà TX mở cả hai cửa là họ ào một lượt, TV đếm người sao kịp.
Chưa kể, đang đông nghẹt mà bác tài cứ ghé trạm đón khách tràn lên thì TV rất dễ xé vé sót”, chị Thùy Linh (37 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TV xe buýt số 18) kể rồi thật thà: “Mình phải biết điều, cơm nước cho tài xế nhưng khỏi... lấy lại tiền, bao luôn.
Chịu khó lau chùi, quét dọn chỗ họ ngồi cho sạch sẽ, biết “tát nước theo mưa”, nói sao mình nghe vậy. Được lòng thì tài xế sẽ hỗ trợ, đếm số khách lên giúp và không chơi khó mình lúc giờ cao điểm, khách đông”.
Ăn, ngủ trên xe Xe buýt nội đô TP.HCM do Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (trực thuộc Sở GTVT) quản lý. Mạng lưới xe buýt được tái cơ cấu từ năm 2002, đến cuối năm 2015 có khoảng 136 tuyến xe buýt, 105 tuyến có trợ giá và gần 2.800 xe đang sử dụng. Một ngày làm việc của TV xe buýt bắt đầu từ tờ mờ sáng tới khoảng 8 giờ tối. Mỗi chuyến xe, TV được trả từ 30.000 - 40.000 đồng tùy tuyến, một ngày đi được 8 - 10 chuyến. Xe lúc xuất ở bến này, khi xuất ở bến khác nên hầu hết TV qua đêm luôn tại bến, làm một giấc trên những chiếc võng cột trên xe. “10 người đi thì hết 8 người ở lại. Ăn, ngủ trên xe, giặt giũ tại bến để kịp giờ chuyến xe ngày mai”, chị Thùy Linh, TV xe buýt số 18 kể. |
(Còn tiếp)