Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2018, liên quan đến vấn đề phong GS và PGS, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng cho hay việc xét chức danh GS và PGS là công việc thường niên.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng |
Tại đây, ông Hùng cũng đã đưa ra 3 yếu tố để lý giải cho việc số lượng người đạt năm 2017 nhiều hơn so với các năm trước.
Lý do thứ nhất là thời gian kết thúc nộp hồ sơ năm 2017 kéo dài thêm 6 tháng so với 2016. Trong 6 tháng, số lượng ứng viên tích lũy đủ điều kiện tăng lên. (Thời gian 6 tháng với các nhà khoa học thì có thể có thêm nhiều bài báo, hướng dẫn thêm nghiên cứu sinh, thạc sỹ, thêm giờ dạy để đủ điều kiện nộp hồ sơ ứng tuyển)
Thứ hai là số lượng ứng viên đáp ứng được yêu cầu tăng lên bởi một phần từ việc chính phủ có đề án cho cán bộ đi học theo các đề án ở nước ngoài. Sau khi về Việt Nam, những người này có đủ điều kiện để trở thành ứng viên.
Thứ ba là trong nhiều năm gần đây, việc nâng cao chất lượng đào tạo được chú ý. Nhiều cơ sở chú trọng công tác nâng cao trình độ giảng viên. Vì thế một số giảng viên ngoài sự cố gắng thì còn có sự giúp đỡ của các cơ sở đào tạo nên họ đã đủ điều kiện để nộp hồ sơ xét tuyển.
Trước câu hỏi về chất lượng của các ứng viên năm 2017, Thứ trưởng Hùng cho hay chất lượng năm 2017 tăng so với 2016.
Vị thứ trưởng này đưa ra các ví dụ như số lượng bài báo quốc tế tăng, khả năng tiếng Anh của nhiều ứng viên năm nay có sự tăng lên. Tổng số ứng viên đạt điều kiện là 1226/1537 (79,76% trong khi đó năm 2016 là hơn 75%) và tỷ lệ này xấp xỉ các năm trước.
Trước ý kiến của dư luận, vị đại diện này của Bộ GD&ĐT cũng cho hay: Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã yêu cầu tổ chức rà soát hồ sơ các ứng viên theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng. Nếu phát hiện hồ sơ không đáp ứng yêu cầu thì kiên quyết không xét GS và PGS. Bên cạnh đó cũng có tổ công tác rà soát độc lập. Đối với những trường hợp có đơn thư tố cáo thì sẽ xử lý theo luật khiếu nại, tố cáo. Hiện đã có kết quả và đã báo cáo Thủ tướng.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin thêm: Thủ tướng rất quan tâm đến chất lượng đào tạo. Đối với chức danh GS và PGS, đây là một chức danh nghề nghiệp và gắn với hoạt động khoa học và giảng dạy, là niềm tự hào của dân tộc.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng tại buổi họp báo (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Vừa qua sau khi HĐ Chức danh GS nhà nước công bố danh sách 1226 có đủ điều kiện, Thủ tướng đã có yêu cầu rà soát toàn bộ lại ứng viên như công bố của hội đồng.
"Hôm nay Bộ GD&ĐT đã báo cáo Thủ tướng... Theo đó, 94 ứng viên có phản ánh về hồ sơ như chưa đủ đề tài, chưa đủ bài báo, chưa đủ giờ giảng, chưa có nghiên cứu khoa học... thì trước mắt Bộ GD&ĐT, Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước đang tiếp tục rà soát, đánh giá." Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Xét duyệt chức danh GS, PGS: Có nên bỏ hội đồng ngành, liên ngành?
Hiện có nhiều ý kiến quanh việc bỏ hội đồng ngành, liên ngành khi xét duyệt, rà soát ứng cử viên có đạt được chức ... |