'Xông đất đầu năm' FPT giành được hợp đồng trị giá 100 triệu USD

Hợp đồng chuyển đổi số trị giá 100 triệu USD được FPT ký kết với một hãng bảo hiểm tại ASEAN.

Trong cuộc họp trực tuyến với nhà đầu tư, CTCP FPT (Mã: FPT) thông tin đầu năm 2021, doanh nghiệp đã giành được hợp đồng trị giá 100 triệu USD cho một công ty bảo hiểm tại ASEAN. 

Ban lãnh đạo FPT kỳ vọng diễn biến hợp đồng ký mới sẽ tiếp tục mạnh mẽ khi dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu cần thiết đầu tư vào công nghệ thông tin (CNTT), đặc biệt là chuyển đổi số của các doanh nghiệp.

Theo dự báo từ Ngân hàng đầu tư Mỹ Goldman Sachs, lãnh đạo FPT tin tưởng dịch vụ thuê ngoài IT toàn cầu sẽ tăng tốc trong năm 2021. 

Do đó, doanh nghiệp kỳ vọng tăng trưởng doanh thu xuất khẩu phần mềm trong trong năm nay sẽ quay về mức 20% - 25%. Trong đó, lãnh đạo FPT đặt mục tiêu chuyển đổi số sẽ đóng góp từ 25% đến 27% doanh thu doanh nghiệp trong năm 2021.

Theo FPT, chuyển đổi số đang mang lại biên lợi nhuận gộp khoảng 55% so với mức 35% của các dịch vụ xuất khẩu phần mềm truyền thống.

Thực hiện M&A để giành được các hợp đồng lớn

Trong cuộc trao đổi với các nhà đầu tư, lãnh đạo FPT nói rằng doanh nghiệp đang đặt kế hoạch thực hiện M&A để tăng cường năng lực tư vấn và khả năng giành được các hợp đồng lớn, tương tự như thương vụ mua lại công ty tư vấn Intellinet của Mỹ năm 2018. 

Năm 2020, Intellinet có lãi ròng so với khoản lỗ trong năm 2019, bên cạnh việc giúp FPT giành được hợp đồng trị giá 100 triệu USD tại Mỹ.

Trong năm 2021, FPT tiếp tục thành lập hai trung tâm triển khai dự án mới tại Ấn Độ và Costa Rica để rút ngắn chênh lệch múi giờ nhằm phục vụ tốt hơn thị trường Mỹ.

Ngoài ra, nhờ các trung tâm mới này, FPT có thể giảm bớt nhân viên tại chỗ ở Mỹ, cung cấp dịch vụ 24 giờ một ngày, điều này đặc biệt mang lại lợi ích cho các dịch vụ managed services của công ty, đồng thời tháo nút thắt cổ chai năng lực offshore ở Việt Nam, và cuối cùng là nâng cao năng suất của công ty.

Liên quan đến việc cạnh tranh với các công công nghệ thông tin tại Ấn Độ, FPT thông tin cuối năm 2020, nhà cung cấp dịch vụ xuất khẩu phần mềm của Ấn Độ là HCL đã công bố thành lập trung tâm triển khai dự án tại Việt Nam.

Ban lãnh đạo FPT cho rằng diễn biến các công ty phần mềm của Ấn Độ thành lập chi nhánh tại Việt Nam nhằm hướng đến thị trường Nhật Bản, nơi FPT đã có sự hiện diện mạnh mẽ. Tuy nhiên, cho đến nay, FPT vẫn chưa ghi nhận cạnh tranh gay gắt từ HCL đối với các kỹ sư trong nước.

Riêng đối với thị trường trong nước, doanh nghiệp kỳ vọng doanh thu từ CNTT sẽ tăng trưởng ít nhất 20% mỗi năm trong vài năm tới. Điều này được củng cố bởi việc áp dụng chuyển đổi số ngày một nhiều trong các công ty hàng đầu Việt Nam, vốn là phân khúc khách hàng chính của FPT.

Ngoài ra, FPT cũng kỳ vọng biên lợi nhuận trước thuế mảng CNTT trong nước từ 6% hiện tại lên 8% năm 2021 nhờ sự đóng góp lớn hơn từ doanh thu phần mềm. Trước đó, năm 2020, doanh thu sản phẩm tự phát triển của FPT đã tăng 51% so với 2019, lên 22 triệu USD. 

Khách hàng lớn của FPT có thể kể đến như Ngân hàng Nhật Bản Mizhuho, Ngân hàng VietinBank, Công ty nước giải khát THP Group và nền tảng thương mại điện tử Tiki.

Triển khai mô hình thuê đại lý thứ 3 để tăng thuê bao

Trong năm 2020, doanh thu từ mảng trung tâm dữ liệu và PayTV của FPT lần lượt tăng trưởng 22% và 28% so với 2019. Do đó, ban lãnh đạo công ty đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế xung quanh lên 15% trong năm 2021 nhờ vào việc mở rộng thuê bao đường truyền cố định và đóng góp lớn từ PayTV.

Năm 2021, FPT có kế hoạch triển khai mô hình đại lý, cụ thể là thuê đại lý bên thứ ba để thu hút thuê bao thay vì dựa vào nhân viên toàn thời gian và các chi nhánh, nhằm phát triển cơ sở thuê bao tại các khu vực nông thôn.

Theo FPT, hiện tại, tỷ lệ phủ đường truyền cố định ở các khu vực nông thôn chỉ là 40% so với 100% ở các quận nội thành của thành phố cấp 1 và 80% ở các phường của thành phố cấp 1.

Về mảng 5G, công ty cho biết mảng dịch vụ mới này sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho FPT. Đơn cử như việc thúc đẩy nhu cầu về các phần mềm kết nối vạn vật IoT. Ngoài ra, FPT có thể cho thuê hạ tầng viễn thông cho các nhà mạng di động không có thế mạnh về cáp quang.

Về mảng giáo dục, FPT dự kiến doanh thu và lợi nhuận trước thuế mảng giáo dục sẽ tăng trưởng 30%-40% mỗi năm trong vài năm tới.

Với những kế hoạch về các hoạt động kinh doanh cốt lõi năm 2021 kể trên, lãnh đạo FPT đặt ra mục tiêu đạt 34.720 tỷ đồng doanh thu và 6.210 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm nay, lần lượt tăng 16% và 18% so với năm 2020.

chọn
Toàn cảnh vị trí quy hoạch cầu vượt sông Đáy nối Chương Mỹ - Ứng Hòa, Hà Nội
Một cầu vượt sông Đáy dự kiến được xây dựng kết nối các huyện Chương Mỹ và Ứng Hòa, Hà Nội.