Xót xa những phận người đến chết vẫn chưa thoát khổ

Có những phận người, cả đời sống trong nghèo đói, lúc chết đi vẫn phải nằm vắt ngang trên yên xe, thi thể quấn trong 1 chiếc chiếu hay một chiếc chăn cũ. Ở hành trình cuối cùng, đau đớn của số phận vẫn chưa buông bỏ.

Khi vụ việc người phụ nữ tử vong được người nhà quấn chiếu, chở bằng xe máy hơn 100km về nhà vì không có 5 triệu để thuê xe, vẫn còn khiến dư luận bàng hoàng thì sáng 16/9, trên trang facebook ĐHQ xuất hiện hình ảnh một người đàn ông được 3 người khiêng từ bệnh viện ra và cũng...quấn tròn, buộc chặt vào xe máy chuẩn bị di chuyển. Theo người đăng ảnh thì người chết là một cụ ông vừa qua đời tại Bệnh viện Lao và Phổi tỉnh Sơn La.

xot xa nhung phan nguoi den chet van chua thoat kho

Cùng với hình ảnh thi thể người đàn ông phải quấn khăn, buộc sau xe do facebook ĐHQ chia sẻ là dòng thông tin cảm động: "Cầu ông sớm được siêu thoát vì nhà xa không có tiền thuê xe, họ phải đèo bố họ như vậy. Không biết họ có đủ xăng để về đến nhà không nữa"

Qua tìm hiểu người chụp hình ảnh này cũng là một bệnh nhân nữ đang điều trị trong khoa Phổi, Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Sơn La.

Chị này cho biết, hình ảnh được chính tay chị chụp vào ngày 8/9/2016. Thi thể người đàn ông được người nhà quấn chăn chở từ bệnh viện về nhà là Lường Văn S (57 tuổi, người, Mường Giôn, Quỳnh Nhai, Sơn La).

Cũng theo người chụp bức ảnh, cụ ông tử vong trước đó chưa lâu, nhưng do gia đình không có tiền thuê xe, đành chấp nhận quấn chăn, lấy dây thừng cột chặt mang về nhà mai táng.

"Ngay khi chia sẻ hình ảnh trên tường facebook nhà mình, hình ảnh đau thương này nhận được nhiều lời chia sẻ của cộng đồng mạng. Mỗi lần nhìn thấy hình ảnh này, tôi lại không cầm được lòng, ngay sau đó, tôi chủ động xóa những hình ảnh này đi", facebook ĐHQ cho biết.

Người này cũng nói thêm rằng, việc quấn thi thể người chết vào chiếu để chở bằng xe máy không còn là chuyện xa lạ với những người dân vùng cao nghèo khó.

xot xa nhung phan nguoi den chet van chua thoat kho

Chỉ sau khi bức ảnh được đăng tải vài giờ, đã có hàng ngàn lượt chia sẻ, bình luận. Phần đông cảm thấy xót xa cho những cảnh đời cơ cực, đến chết vẫn chưa hết khổ.

"Nhìn ảnh thôi mà cũng rớt nước mắt. Mình không nghĩ giữa xã hội hiện nay mà còn những con người cùng khổ như thế này. Xót xa quá. Đến chết cũng chưa hết khổ.", bạn có nick name Thảo My chia sẻ.

"Cuộc sống nghiệt ngã quá, kẻ ăn không hết người lần chẳng ra. Có người khi ra đi thì có cả đoàn xe sang chạy dài đưa tiễn, lại có những cảnh đời, đến tiền thuê một chiếc xe ô tô chở thi thể người thân về mai táng cũng không có, đành phải bó chiếu bó chăn. Nhìn mà thấy nao lòng", anh Quang Hiền bình luận.

Ở những nơi mà người sống còn phải chạy ăn từng bữa, những đứa trẻ không có lấy một manh áo lành khi mùa đông đến, thì riêng việc lo đủ tiền đưa người bệnh đi bệnh viện chữa trị đã là việc hết sức khó khăn, nói gì đến việc không may người bệnh qua đời lại bỏ ra được vài triệu để thuê xe ô tô đưa xác người thân về lo mai táng.

Tôi đã từng chứng kiến cảnh một chị người dân tộc đưa con xuống Hà Nội chữa bệnh theo diện được các mạnh thường quân tài trợ, giữa đêm đông giá rét, người Hà Nội mặc bao nhiêu áo cũng chưa hết lạnh thì chị phong phanh một manh áo cộc, đứa bé gái chị ẵm trên tay cũng chỉ được giữ ấm bằng chiếc áo phông rách, bẩn. Nửa thân phía dưới của bé tím ngắt vì lạnh. Vậy nhưng mặt cả hai mẹ con vẫn tỉnh bơ. Có lẽ bởi, chuyện thiếu thốn đã quá bình thường đối với họ. Họ nghèo, nên thân thể sẽ có những cách để thích ứng với cái nghèo.

Rồi mỗi dịp lên vùng cao, nhìn những đứa trẻ chân trần đỏ ửng vì lạnh, những bữa cơm phải độn thêm của khoai, củ sắn để ăn cho no cái bụng, những căn nhà liêu xiêu trong gió lạnh...Tất cả khiến tôi hiểu rằng, đất nước mình còn nhiều những cảnh đời cơ cực; còn nhiều vùng đất nghèo đói lắm.

Chết có nghĩa là buôn bỏ mọi hèn sang, trả lại những nợ nần của cuộc đời, khép lại một phận người. Nhưng còn người sống, vì cái nghèo mà không thể để người thân của mình ra đi có một nghi lễ vẹn tròn, nỗi đau của những người ở lại có lẽ sẽ còn âm ỉ nhức nhối.

Thương họ đến xót xa, hận cái nghèo đến bầm gan tím ruột. Cổ họng không khỏi nghèn nghẹn, rớt nước mắt vì những cảnh đời đến chết vẫn chưa thoát khổ!

An Yên

chọn
Khu công nghiệp 3.600 tỷ của Sonadezi ở Vân Phong sắp đón bước tiến pháp lý quan trọng
KCN Ninh Diêm 3 mà Sonadezi sắp triển khai nằm trong phân khu 17 thuộc KKT Vân Phong. Khánh Hòa vừa chỉ đạo phê duyệt quy hoạch phân khu 17 trong tháng 3/2025 để chấp thuận chủ trương đầu tư cho doanh nghiệp.