Xuất hiện dự án ‘ma’ kiểu Alibaba ở Hà Nội

Đất được giao cho cá nhân với mục đích trồng cây lâu năm được “phù phép” thành dự án trăm tỉ và rao phân lô bán nền. Trong khi chính quyền địa phương khẳng định không có dự án khu đất đã được qui hoạch xây trung tâm dưỡng lão.

Tự “vẽ” dự án, rao bán cả đất qui hoạch viện dưỡng lão

Thời gian vừa qua, dự án Golden Lake Hòa Lạc được giới thiệu rao bán trên nhiều trang mua - bán bất động sản như Alonhadat.com.vn, batdongsan.com.vn, ancu.me…

Theo đó, Golden Lake Hòa Lạc được giới thiệu là dự án biệt thự, liền kề, nhà phố, đất nền Sơn Tây đang được tập kết qui hoạch thành khu dân cư. Tổng diện tích của dự án 8 ha, giai đoạn thứ nhất gồm 100 lô đất nền và giai đoạn thứ 2 là 50 lô biệt thự. Vị trí nằm tại xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Cổng Vàng. Hấp dẫn hơn, tại dự án này, các lô đất được giới thiệu là có diện tích 70-150 m2/lô, giá 9,5-18,5 triệu đồng/m2, có cơ hội sinh lời cao.

Xuất hiện dự án ‘ma’ kiểu Alibaba ở Hà Nội - Ảnh 1.

Dự án Golden Lake Hòa Lạc (Sơn Tây, Hà Nội) được giới thiệu rao bán trên nhiều trang mua - bán bất động sản. (Ảnh chụp màn hình).

Tuy nhiên, chiều ngày 20/9, ghi nhận thực tế tại khu đất được giới thiệu là dự án Golden Lake Hòa Lạc là vẫn chỉ là bãi đất phần lớn cỏ mọc um tùm, một số khu vực được trồng bưởi, nuôi cá không có bất cứ dấu hiệu nào của một dự án bất động sản như thông tin rao bán vẽ ra.

Một người dân bán nước trong khu vực khu đất này cho biết: Tôi ở đây nhưng không biết có dự án bất động sản nào cả. Cách đây 1-2 tháng thấy có đoàn từ Hà Nội dẫn rất nhiều khách xuống xem đất nhưng gần đây thì không thấy.

Xuất hiện dự án ‘ma’ kiểu Alibaba ở Hà Nội - Ảnh 2.

Phối cảnh dự án Golden Lake Hòa Lạc được giới thiệu quảng cáo.

Trước những thông tin về dự án Golden Lake Hòa Lạc, trao đổi với PV VietNamNet, ông Khuất Văn Trường - Chủ tịch UBND xã Cổ Đông cho biết, trên địa bàn không có dự án nào có tên là Golden Lake Hòa Lạc. Lô đất được rao bán giới thiệu do Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Cổng Vàng làm chủ đầu tư được Sở TN&MT TP Hà Nội cấp cho ông Nguyễn Thanh Hải và bà Ngô Thị Chanh. Mục đích sử dụng đất được ghi trong GCN QSD đất là trồng cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản, với thời hạn sử dụng đất 46 năm (từ năm 2018 đến năm 2064).

Cũng theo vị Chủ tịch xã Cổ Đông, khu vực này được qui hoạch là trung tâm dưỡng lão.

“Khu vực này được qui hoạch là trung tâm dưỡng lão của thành phố không phải qui hoạch đất dân cư. Ai mua ở đó theo đất ở là bị lừa vì chắc chắn không thể chuyển sang mục đích khác được”, ông Trường khẳng định.

Thực tế, khu đất được giới thiệu dự án Golden Lake Hòa Lạc đang trồng cây, nuôi cá. (Ảnh: Hồng Khanh).

Ông Trường cũng cho biết thêm, ngay khi có thông tin về dự án Golden Lake Hòa Lạc chính quyền xã Cổ Đông đã mời ông Hải và Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Cổng Vàng. Tại buổi làm việc ông Hải cho hay có thuê Công ty Cổng Vàng bán đất nhưng không biết về việc đơn vị này rao bán dự án. Còn phía Công ty Cổng Vàng đến nay vẫn chưa đến làm việc với xã.

"Đây là lần đầu tiên xuất hiện tình trạng này trên địa bàn xã. Chính quyền đã thông tin về việc không có dự án Golden Lake Hòa Lạc tại đây. Thông qua các kênh truyền thông chúng tôi cũng đề nghị người dân khi mua bán giao dịch đất đai đến cơ quan nhà nước để kiểm tra xem thông tin. Thực tế không có khách hàng nào đến kiểm tra thông tin từ chính quyền cả. Hiện công an cũng đã vào cuộc điều tra việc mua bán dự án trên” – ông Trường nói.

“Vẽ” đất vườn thành dự án

Trên các trang mua bán bất động sản thời gian qua cũng xuất hiện nhiều thông tin giới thiệu rao bán dự án tại các huyện, thị xã quanh Hà Nội như Thạch Thất, Quốc Oai, Sơn Tây. Các dự án nói đều được quảng cáo hấp dẫn như: Hạ tầng đồng bộ; gần “siêu đô thị vệ tinh Hòa Lạc”; được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở vĩnh viễn…

Xuất hiện dự án ‘ma’ kiểu Alibaba ở Hà Nội - Ảnh 4.

Khu đất giới thiệu là dự án Golden Lake Hòa Lạc theo qui hoạch là Trung tâm dưỡng lão (phần khoanh đỏ - PV).

Tại thôn 6, xã Phú Cát, huyện Quốc Oai cũng có dự án được rao bán rầm rộ trên các trang mạng với tên gọi Dự án Adoland Capital 8. Theo thông tin quảng cáo Adoland Capital là dự án đất nền tọa lạc đắc địa tại trung tâm “siêu đô thị vệ tinh Hòa Lạc” với 45 lô đất nền diện tích từ 72 – 90 m2, sổ đỏ trao tay, sở hữu vĩnh viễn, giá hấp dẫn chỉ 11- 12 triệu đồng/m2.

Liên hệ với số điện thoại trên trang rao bán nhà đất, chúng tôi được “cò” giới thiệu xuống khu vực dự án để trao đổi. Trong vai người đi mua đất chúng tôi được mời vào văn phòng của Công ty CP Tập đoàn Adoland tại Phú Cát, Quốc Oai, Hà Nội.

Khi đề cập đến việc tìm mua đất tại dự án Adoland Capital 8, ông Nguyễn Văn Hưng - người tự giới thiệu là Giám đốc công ty CP Tập đoàn Adoland khẳng định: Không có dự án trên việc vẽ dự án là do nhân viên môi giới để câu khách chứ bản thân công ty không lập dự án gì.

“Bản thân chúng tôi đang bán, tư vấn cho khách những lô đất trong dân. Chúng tôi cũng không có đủ khả năng làm dự án”, ông Hưng cho biết.

Được biết, từ đầu tháng 6/2019, UBND xã Phù Cát đã làm việc với đại diện Công ty CP Tập đoàn Adoland. Tại buổi làm việc, ông Hưng cũng khẳng định công ty chỉ phối hợp với các chủ đất tư nhân để bán hàng và giới thiệu khách hàng mua đất.

Đối với khu đất được giới thiệu là dự án Adoland Capital 8, đây là đất của ông Nguyễn Xuân Nam được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có diện tích 4.500 m2.

Xuất hiện dự án ‘ma’ kiểu Alibaba ở Hà Nội - Ảnh 5.

Đất của tư nhân được “vẽ” thành dự án rao bán đất nền. (Ảnh chụp màn hình).

“Công ty tư vấn giới thiệu cho khách hàng để mua đất chứ không phải công ty tự phân lô, bán nền” – Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Adoland nói.

Chính quyền xã Phú Cát đã yêu cầu Công ty CP Tập đoàn Adoland không đăng bài bán đất với tên dự án khi chưa có căn cứ pháp lý, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở.

Hay tại xã Tiến Xuân, dự án Tiến Xuân Green cũng được mời chào là nơi sát trung tâm Hòa Lạc. Các lô đất tại dự án đều được quảng cáo có giấy tờ pháp lý rõ ràng, sổ đỏ chính chủ, đã có đường nội khu 6 m, vỉa hè 1,2 m…

Tuy nhiên, ông Quách Đình Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân cho biết, khu đất đang được quảng cáo là Khu dân cư Tiến Xuân Green thuộc sở hữu của ông Trần Văn Hồng (địa chỉ ở xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) với tổng diện tích hơn 1ha. Ngoài khoảng 400 m2 đất ở phần còn lại là đất nông nghiệp chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.  Lãnh đạo xã Tiến Xuân cũng cảnh báo người dân phải cảnh giác để tránh bị mắc lừa.

Trước thực trạng dự án “ảo” phân lô bán nền vùng ngoại thành Hà Nội, chuyên gia bất động sản cho rằng: Thực tế đã cho thấy quá nhiều bài học cay đắng về những dự án ma nhưng không ít người dân vẫn bị mắc lừa. Bởi người dân không có thông tin thêm vào đó là khả năng tung hỏa mù của nhiều chủ đầu tư rất tài tình.

“Nếu không có biện pháp cảnh báo và ngăn chặn thì thị trường bất động sản Hà Nội sẽ xuất hiện nhiều dự án ma hơn nữa trong thời gian tới”, vị chuyên gia đặt vấn đề.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.