Xuất khẩu hoa quả Việt sang Mỹ 'thông đường' trở lại

Để khơi thông việc xuất khẩu hoa quả sang thị trường số một thế giới, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đồng ý đặc cách cử chuyên gia kiểm dịch thực vật trở lại Việt Nam làm việc.

Theo báo Chính phủ, chiều nay 24/8, ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đồng ý đặc cách cử chuyên gia kiểm dịch thực vật trở lại Việt Nam làm việc.

Trước mắt, cán bộ Đại sứ quán Mỹ thực hiện giám sát xử lí trái cây tươi từ tuần này, việc xuất khẩu trái cây sang Mỹ sẽ bình thường trở lại.

Từ tháng 3/2020, khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Mỹ đã yêu cầu nhân viên bản xứ phải quay về nước, trong đó có nhân viên của Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS).

APHIS là đơn vị trực tiếp kiểm dịch, giám sát quy trình chiếu xạ Nhà máy chiếu xạ Sơn Sơn ở TP HCM. Đây cũng là nhà máy chiếu xạ duy nhất của Việt Nam được APHIS chứng nhận.

Được biết, công việc quan trọng của nhân viên kiểm dịch là trước khi đưa hoa quả vào chiếu xạ (theo qui định, chiếu xạ là khâu bắt buộc phải có đối với việc xuất khẩu hoa quả sang Mỹ) sẽ chọn ngẫu nhiên một vài thùng của lô hàng để đưa vào phòng kiểm dịch, cắt ra rồi quan sát bằng mắt thường và kính lúp để xem có vi sinh vật hay không. Trong trường hợp sản phẩm không có vi sinh vật, nghĩa là đạt yêu cầu thì lô hàng mới được đưa vào chiếu xạ để xuất sang Mỹ. Ngược lại nếu sản phẩm không đạt, lô hàng đó sẽ bị hủy, không chiếu xạ được.

(Ảnh: Kenh14).

(Ảnh: MustShareNews).

Sau khi nhân viên của APHIS về nước, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam được ủy quyền theo dõi việc chiếu xạ nhưng mỗi ngày chỉ làm việc hai tiếng và do việc này cũng không phải chuyên môn của họ nên từ ngày 7/8, họ không tiếp nhận việc kiểm dịch. Kể từ đó việc chiếu xạ bị ngưng trệ và xuất khẩu hoa quả sang Mỹ bị chững lại.

Tuy nhiên, do Mỹ có qui định chặt chẽ về đảm bảo an toàn cho cán bộ trong thời kì dịch bệnh nên đến ngày 11/8 phía Mỹ mới chính thức cung cấp thông tin cán bộ kiểm dịch thực vật cho Cục Bảo vệ thực vật để làm thủ tục, đồng thời đưa ra yêu cầu điểm đến là sân bay quốc tế Nội Bài và khách sạn do Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam bố trí.

Trong thời gian chờ đợi chuyên gia Mỹ sang Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật vẫn nỗ lực làm việc với Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đề nghị họ cho phép cán bộ Đại sứ quán tiếp tục thực hiện giám sát xử lý để hoa quả tươi xuất khẩu sang thị trường này và đã được chấp thuận.

"Cán bộ của Lãnh sự quán Mỹ tại TP Hồ Chí Minh sẽ bắt đầu trở lại làm việc tại cơ sở chiếu xạ kể từ tuần này, đồng nghĩa với việc hoa quả sẽ xuất khẩu bình thường trở lại" - báo Chính phủ dẫn lời phỏng vấn ông Nguyễn Quang Hiếu.

Từ công bố của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Việt Nam hiện có 6 loại hoa quả được phép xuất khẩu vào thị trường Mỹ, bao gồm thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa và xoài.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng rau quả từ Việt Nam sang Mỹ trong 6 tháng đầu năm đạt 77 triệu USD, tăng 9,8% so với cùng kì năm 2019.

chọn
Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP): Có hơn 11.948 tỷ đồng khách trả trước, sắp thu nợ hơn nghìn tỷ từ các công ty chứng khoán
Theo BCTC quý I của  Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP), doanh thu chưa thực hiện của doanh nghiệp đạt 11.948 tỷ đồng, có khoản phải thu về cho vay ngắn hạn hơn 1.353 tỷ đồng từ các công ty chứng khoán.