Nhưng quỹ học bổng “Lê Văn Kiểm và gia đình” đã góp phần xoa dịu khó nhọc và tiếp thêm sức mạnh cho các kỹ sư tương lai Đại học Thủy lợi.
Là người đại diện phát biểu cảm nghĩ tại buổi lễ trao học bổng “Lê Văn Kiểm và gia đình” diễn ra tại Đại học Thủy lợi sáng 11/11, sinh viên Trần Văn Hướng đã bày tỏ niềm hạnh phúc và vinh dự lớn lao.
Được biết, chàng trai năm cuối đang phải gồng gánh trên vai nỗi lo “cơm áo gạo tiền” bởi em là lao động chính cho cả gia đình neo đơn: cha mất sớm, mẹ mắc bệnh tai biến, anh trai bị tâm thần. Cậu sinh viên gốc Thái Bình đi dạy thêm và chạy xe ôm kiếm tiền trang trải những chi phí đắt đỏ nơi thành thị.
Bản thân em cũng có vấn đề về xương khớp, nhưng Hướng tự chữa ở nhà để tiết kiệm tiền cho hai người quan trọng nhất nơi quê nhà.
Trần Văn Hướng đã rớt nước mắt khi em nhắc về mẹ mình. “Mẹ em hầu như không sinh hoạt được bình thường, nhưng cái gì mẹ cố làm được mẹ vẫn làm và nói dối là mọi thứ rất dễ dàng”. Cậu kể rằng, ngay khi biết tin con trai nhận được học bổng, người mẹ già đau ốm vẫn gượng dậy, đi khoe khắp xóm đầy tự hào.
Đối với Hướng, xuất học bổng sẽ giúp em tháo gỡ những khó khăn về tài chính và là vốn liếng để chuẩn bị cho năm cuối Đại học với nhiều dự định mới mẻ. Hướng cho rằng, việc đầu tư vào học vấn là chìa khóa vàng để thoát nghèo. Cuộc sống khó khăn đã giúp em trưởng thành hơn so với các bạn cùng trang lứa, đồng thời hiểu được giá trị cốt lõi mà tri thức mang lại.
Đồng quan điểm với cậu bạn khoa Công trình, sinh viên Nguyễn Văn Đại cũng cho rằng học tập là cánh cửa mở ra tương lai xán lạn. Mơ ước của em là trở thành một kỹ sư giỏi, cống hiến tài năng ở miền đất cảng Hải Phòng.
Dù xuất thân trong hoàn cảnh khó khăn và trưởng thành ở vùng quê nghèo khó, nhưng Đại chưa bao giờ cảm thấy tự ti, mà ngược lại, em thấy may mắn vì gia đình em “ít tiền những giàu tình thương”. Trò chuyện với Văn Đại, được biết gia đình em làm nông và có người nhà mắc bệnh hiểm nghèo. Thu nhập của nhà Đại bấp bênh, chỉ trực chờ vào thời tiết “mưa thuận gió hòa”.
Đại tâm sự, có năm bão lũ, mất mùa, bữa cơm ba tháng liền không có thịt, cho đến khi mẹ em xin rửa bát thuê cho mấy đám cưới trong làng, cuộc sống mới khá hơn.
Người mẹ tần tảo trong câu chuyện của Nguyễn Văn Đại cũng giống hình bóng của mẹ em Vũ Thị Thùy Linh. Theo lời kể, bà là người phụ nữ gồng gánh trách nhiệm nuôi cả nhà bởi bố Linh bị nhiễm chất độc màu da cam từ thời đi lính.
Thùy Linh nhận được học bổng “Lê Văn Kiểm và gia đình”, việc đầu tiên em muốn làm là đưa số tiền đó cho mẹ, giúp bà trang trải sinh hoạt phí ở quê. Nhưng, bà đã từ chối. Bà chỉ mong con gái dùng số tiền này vào việc học tập một cách hợp lí.
Thùy Linh xúc động nói: “Đối với mẹ em, việc hy sinh cho chồng con là điều bà dành cả cuộc đời để làm. Em luôn biết ơn và cảm thấy vô cùng thương mẹ”.
Quãng thời gian 4 năm ngồi trên giảng đường đại học sẽ rất khó nhọc với những sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt. Nhưng sự giúp đỡ, quan tâm của thầy cô và sự tương trợ của bạn bè sẽ là nguồn động lực giúp họ mạnh mẽ vươn lên.
Bạn Vũ Duy Khánh- sinh viên khoa Kỹ thuật biển- kể rằng: “Nếu em thường hỗ trợ bạn bè trong học tập thì họ lại giúp em hòa đồng trong các hoạt động ngoại khóa. Thầy cô luôn tạo điều kiện cho học trò. Đối với em, học bổng “Lê Văn Kiểm” là món quà ý nghĩa thể hiện sự quan tâm thiết thực đến những sinh viên nghèo”.
Sáng ngày 11/11, tại trường Đại học Thủy Lợi đã diễn ra lễ Tổng kết năm học 2016-2017 khối sinh viên và lễ trao học bổng “Lê Văn Kiểm và gia đình”. Danh sách trao học bổng “Lê Văn Kiểm” bao gồm 28 sinh viên, trong đó có: 22 sinh viên nghèo đạt thành tích học tập tốt và 6 sinh viên xuất sắc. Mức học bổng là 15.000.000 VNĐ/sinh viên. Quỹ học bổng được khởi xướng bởi cựu sinh viên khóa 6, anh hùng lao động Lê Văn Kiểm, thành lập từ năm 2009 với giá trị ban đầu là 10 tỷ đồng. Đến nay, quỹ đã trao cho gần 300 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên đạt danh hiệu xuất sắc trong học tập. |