Tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2021 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam VnEconomy phối hợp với Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) chủ trì tổ chức chiều 11/1, các chuyên gia và doanh nghiệp tham dự đã thực hiện bình chọn các yếu tố rủi ro nhất cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm tới.
Qua bình chọn, các yếu tố rủi ro được sắp xếp từ mức độ rủi ro lớn nhất đến ít nhất như sau.
1. Xáo trộn và đứt gãy chuỗi cung ứng (33%)
2. Sức mua thị trường nội địa yếu (27%)
3. Chậm trễ phân phối vắc xin (21%)
4. Bất ổn kinh tế vĩ mô (10%)
5. Lãi suất tăng trưởng trở lại (7%)
6. Căng thẳng thương mại Việt - Mỹ (3%)
Từ đánh giá trên, ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế cấp cao, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng xin ý kiến bình luận từ các diễn giả.
TS Đặng Hoàng Hải Anh, chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới tại Mỹ: Dưới góc nhìn cá nhân, tôi cho rằng, yếu tố đầu tiên là kiểm soát Covid-19. Đa phần chúng ta đều đồng ý, nếu dịch bệnh không được kiểm soát sẽ gây ra nhiều xáo trộn cho nền kinh tế. Chúng ta khá may mắn khi có thể ngồi bàn luận tương đối thoải mái về tình hình kinh tế sắp tới, trong khi nhiều quốc gia khác còn phải lo phong tỏa, cách ly xã hội lần thứ 2, lần thứ 3.
Việc phòng dịch là yếu tố quan trọng đầu tiên mà Chính phủ, toàn dân cần chú ý, không nên chủ quan. Nếu chúng ta chủ quan, không làm tốt trên mặt trận y tế thì rõ ràng những phương án kinh tế sẽ ảnh hưởng, thậm chí nặng nề. Đặc biệt với Việt Nam là nước nguồn lực còn hạn chế, hệ thống y tế cần nhiều sự phát triển.
Về sức mua nội địa, theo quan điểm của tôi, trước khi dịch Covid-19 xảy ra, trên thế giới nói nhiều đến việc chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên sức mua nội địa - cầu nội địa. Ngay cả nền kinh tế phát triển mạnh như Trung Quốc, họ cũng nghĩ đến sức cầu nội địa, thúc đẩy kinh tế nội địa để tạo sức bật cho nền kinh tế.
Theo cảm nhận của tôi, các nền kinh tế châu Á nói chung có tỷ lệ tích lũy, tỷ lệ tiết kiệm trong dân rất lớn, có nhiều nguồn vốn dư trong dân để chúng ta tận dụng hơn, khác với mô hình kinh tế Tây Âu do đa phần người dân ít tiết kiệm, tiền bỏ vào các quỹ hưu trí hay chứng khoán.
Mô hình kinh tế của Tây Âu là dòng tiền trong dân quay vòng rất nhanh. Trong khi đó với châu Á và Việt Nam, trong dân tồn tại luồng vốn lớn. Vì vậy chúng ta nên tìm cách khai thác tốt hơn những nguồn vốn đó.
Đây là sự dịch chuyển trước khi dịch bệnh xảy ra. Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, càng phải nhấn mạnh phát triển hơn vào thị trường nội địa - thị trường này chúng ta kiểm soát tốt hơn và không bị phụ thuộc. Chính phủ và doanh nghiệp nên cùng nghĩ ra nhiều giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của khối tư nhân và tiêu dùng nội địa. Theo tôi, đó là yếu tố mấu chốt.
Ông Nguyễn Xuân Thành: Tín dụng tăng 12-13% trong năm 2020, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng phụ thuộc rất nhiều vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, cả vấn đề đầu tư của doanh nghiệp, và bây giờ còn phụ thuộc vào yếu tố tiêu dùng của người dân. Tiêu dùng cũng phụ thuộc lãi suất.
Vậy định hướng điều hành chính sách tiền tệ và tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước sẽ như thế nào?
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước: Rất mừng là trong 6 yếu tố thì hai yếu tố nỗi lo về bất ổn kinh tế vĩ mô và lãi suất được đặt ở phía dưới, không phải rủi ro lớn hoặc lớn nhất trong các rủi ro.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ tương đối kiên định về mục tiêu nhưng linh hoạt trong giải pháp, không chủ quan với lạm phát nhưng theo vẫn hỗ trợ cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế.
Về mặt bằng lãi suất, đã hạ trong 2020. Với thanh khoản dồi dào như hiện tại, NHNN tiếp tục cố gắng ổn định mặt bằng lãi suất. Ổn định kinh tế vĩ mô luôn luôn là vấn đề ưu tiên trong các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ và trong phương châm hành động đầu tiên của NHNN. Với bối cảnh như thế, quan điểm điều hành trong năm 2021 của NHNN là tiếp tục duy trì thanh khoản hệ thống dồi dào, và đáp ứng đủ, cung ứng đủ vốn cho tăng trưởng nền kinh tế và ổn định mặt bằng lãi suất.
Ông Nguyễn Xuân Thành: Về việc quy mô GDP được điều chỉnh lên, trần nợ công rộng rãi ra, liệu có thể vay nợ công nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn và trung hạn hay không? Đây có phải là động lực tăng trưởng cho năm 2021 hay không?
Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng, Tổng Cục Thống kê: Covid-19 diễn ra khiến thế giới thay đổi theo 4 góc độ.
Thứ nhất, trật tự hoạt động kinh tế xã hội thay đổi rất mạnh mẽ. Covid-19 diễn ra, các nước thực hiện cách ly, giãn cách xã hội, một số quốc gia đóng cửa biên giới, hoạt động kinh tế cơ bản chỉ cung cấp nhu yếu phẩm, mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống, hoạt đồng cộng đồng doanh nghiệp thế giới phần lớn bị đình trệ. Đây là thay đổi lớn với kinh tế thế giới.
Thứ hai, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt trên nhiều lĩnh vực, mô hình quan hệ giữa các nước lớn cũng thay đổi sâu sắc, toàn diện và gay gắt.
Chúng ta nhìn vào quan hệ giữa Mỹ, Trung sẽ thấy. Chúng ta bước vào thập kỷ cạnh tranh gay gắt nhất không chỉ ở lĩnh vực kinh tế, quan sự, mà kể cả khoa học công nghệ, văn hóa và tiêu dùng nội địa và nhiều lĩnh vực khác. Theo tôi, đây là đặc trưng thứ hai thay đổi bối cảnh kinh tế thế giới mà chúng ta cần phải quan tâm đến khi xây dựng các chiến lược, giải pháp tăng trưởng kinh tế xã hội.
Thay đổi thứ ba mà Covid-19 mang lại đó là những thăng trầm chưa từng thấy trong tư tưởng chính trị sau chiến tranh lạnh. Sau chiến tranh lạnh, thế giới đi vào chủ nghĩa thị trường tự do. Rất nhiều quy tắc, quy định về tự do kinh tế được xây dựng, đi đầu là các nước lớn. Chúng ta có chuỗi giá trị toàn cầu, thông thương, có các hiệp ước, nhưng Covid-19 làm cho hệ giá trị của chủ nghĩa tự do kinh tế bị đe dọa khủng khiếp.
Thay đổi cuối cùng là đại dịch Covid-19 đang định hình lại hướng đi của dư luận toàn cầu, dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, làm tự do và toàn cầu hóa bị đe dọa.
Theo tôi, 4 thay đổi trên kéo theo 4 hệ lụy đối với kinh tế và thương mại quốc tế.
Cụ thể, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn cục bộ, lưu thông hàng hóa và lao động bị ảnh hưởng, từ đó ảnh hưởng đến kinh tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt với Việt Nam khi đầu tư trực tiếp nước ngoài có vai trò quan trọng.
Thứ hai, Covid-19 làm cho suy giảm tiêu dùng của người dân và của xã hội, ảnh hưởng nhiều nhất với khu vực dịch vụ.
Hệ lụy tiếp theo, trong bối cảnh đại dịch tiếp tục hoành hành như hiện nay, mặc dù các quốc gia đang khẩn trương sản xuất vắc xin để xử lý nhưng vẫn ảnh hưởng đến tâm tư, mục tiêu kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài.
Hệ lụy cuối cùng là ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác giữa các nước.
Vì vậy, tôi cho rằng sự xáo trộn và đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ là rủi ro nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu và đối với Việt Nam năm 2021. Vì Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn.
Về rủi ro sức mua của thị trường nội địa, tôi nhất trí với ý kiến của anh Hải Anh là trong bối cảnh dịch COVID-19, chúng ta cần tập trung vào thị trường nội địa.
Covid buộc chúng ta phải tập trung vào thị trường nội địa. Tôi cho rằng, căng thẳng Mỹ - Việt là yếu tố thứ 3 ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2021. Kinh tế vĩ mô ổn định là nội lực của nền kinh tế Việt Nam.
Về bất ổn kinh tế vĩ mô, tôi không cho đó là rủi ro mà đánh giá đó là một trong những nội lực của kinh tế Việt Nam.
Về điều chỉnh quy mô GDP, Tổng cục Thống kê làm đúng theo thông lệ quốc tế, không phải riêng Tổng cục Thống kê Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới đều điều chỉnh quy mô GDP như Mỹ, các nước EU, các nước trong khu vực.
Điều chỉnh quy mô GDP không phải là thay đổi lại phương pháp tính toán đánh giá GDP, ở đây là thu thập đầy đủ thông tin. So với các nước khác, tỷ lệ tăng quy mô GDP sau điều chỉnh của Việt Nam là không cao (bỏ qua doanh nghiệp quân đội, doanh nghiệp báo cáo lãi không đầy đủ…).
Bắt đầu 2021, sẽ dùng quy mô mới để xây dựng mục tiêu phát triển triển xã hội. Dư địa chính sách sẽ được mở rộng ở chừng mực nào đó.
Ông Nguyễn Xuân Thành: Trước đây, có lo ngại tín dụng/GDP quá cao. Việc đảm bảo cân đối các yếu tố vĩ mô thời gian tới thế nào?
Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, Kinh tế trưởng BIDV: Chính phủ và Bộ Chính trị đã quyết định điều hành nền kinh tế theo GDP đánh giá lại ở mức theo quy mô 343 tỷ USD.
Theo tôi, thứ nhất, chúng ta cần truyền thông cho tốt về đánh giá lại GDP. Trước đó, khi chúng tôi báo cáo với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về phát triển kinh tế xã hội trong 5 năm tới, chúng tôi mới biết năm tới bắt đầu sử dụng GDP đánh giá lại, trên các phương tiện, thông báo, báo cáo không hề có. Vì thế cần phải làm tốt hơn công tác truyền thông để tạo được sự đồng thuận cao hơn trong xã hội.
Cá nhân tôi hơi lo, vì nhiều yếu tố vĩ mô liên quan đến quy mô GDP. Ví dụ, thâm hụt ngân sách tăng lên 5-6%, với tiêu chí mới thì mức thâm hụt giảm còn 4%. Chúng tôi kiến nghị đưa nợ công về ngưỡng 45-50%, khớp với mức hiện nay của các nước đang phát triển ở mức cao hơn chúng ta đang phấn đấu. Các kiến nghị này nhằm giúp tăng trưởng bền vững và lành mạnh hơn.
Vấn đề anh Nguyễn Xuân Thành băn khoăn là chính xác, chúng ta tiêu pha thoải mái là không được, phải có ngưỡng, và ngưỡng đó hợp lý. Tất nhiên chúng ta không bó hẹp. Như năm vừa qua, chúng ta đẩy nhanh chi tiêu đầu tư công, chấp nhận mức thâm hụt ngân sách là 4,2% GDP. Cái đó là hợp lý do bị dịch bệnh Covid-19 nhưng về lâu dài phải tiến tới kiểm soát các chỉ tiêu này ở mức độ lành mạnh hơn. WB và IMF kiến nghị về rủi ro tài khoá của Việt Nam khá lớn.
Ông Nguyễn Xuân Thành: Nhìn vào điều hành chính sách, hiện còn phải hỗ trợ phục hồi từ khủng hoảng Covid-19. Nếu mở rộng chính sách tiền tệ liệu có tiềm ẩn, gây bất ổn kinh tế vĩ mô, gây ra bong bóng tài sản trên thị trường chứng khoán hay thị trường BĐS hay không?
Ông Cấn Văn Lực: TS Quách Mạnh Hào, Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế Việt Nam - Anh quốc, Đại học Lincoln, Vương quốc Anh, có kiến nghị với chúng ta trong bối cảnh lãi suất trên thế giới và ở Việt Nam giảm mạnh, dòng tiền đang đổ nhanh vào các lĩnh vực khác, trong đó có chứng khoán. Chúng ta phải thận trọng với xu hướng đó.
Chúng tôi rất đồng tình với ý kiến này. Chúng tôi đã phân tích bong bóng rủi ro tài chính toàn cầu, hiện nay tổng nợ cả nhà nước và tư nhân toàn cầu tương đương khoảng 350% GDP toàn cầu. Đây là mức rất lớn, chưa từng có. Mức này tăng khoảng 40-45% trong vòng 2 năm qua vì lãi suất thấp.
Bài toán đặt ra với Việt Nam là bài toán lãi suất điều hành như thế nào cho phù hợp, thấp quá chưa chắc tốt, nó phải đảm bảo hài hòa lợi ích cho các bên, cả người gửi tiền, vay tiền và câu chuyện điều hành vĩ mô. Mếu không chúng ta có hệ lụy bong bóng tài sản.
Nhưng lãi suất không phải là điểm nghẽn hiện nay. Mức tín dụng 12-13% là mức tăng trưởng cao, có lẽ là mức tăng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Dòng tiền tư nhân dịch chuyển qua chứng khoán rất lớn, có gần 40.000 tài khoản F0 được lập ra năm 2020, tăng 15% so với năm trước. Chúng ta cần cân đối, tính toán hài hòa hơn.