Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang. |
“Yêu trên đỉnh Kilimanjaro” kể về hành trình chinh phục đỉnh núi Kilimanjaro linh thiêng ở Tanzania của hai nhân vật chính. Jen, vốn là một thánh nữ từ Nepal, đã gặp nạn ngay từ lúc mới tới khảo sát, và nhập viện trong trạng thái khi tỉnh khi mê. Lynh, một doanh nhân Việt Nam đầy thực dụng và toan tính có sở thích leo núi, vốn có hẹn cùng leo núi với Jen và nhóm bạn trước đó, chỉ còn lại một mình thực hiện hành trình đã dự tính, với sự trợ giúp của những người địa phương.
Hai con người vốn chỉ tương tác trên internet nhưng có sự gắn kết kỳ lạ, và sau lần gặp nhau tại bệnh viện nơi Jen được cấp cứu càng trở nên gắn kết chặt chẽ bằng sự tương hỗ đặc biệt về tinh thần. Bằng cách đó, Jen đã tạo động lực thúc đẩy Lynh tới đích trong hành trình chinh phục đầy khó khăn, giúp anh vượt qua những khoảnh khắc cận tử trong hành trình.
Về tiểu thuyết “Yêu trên đỉnh Kilimanjaro” của Nguyễn Quỳnh Trang, Nhà nghiên cứu Văn hoá Phan Cẩm Thượng đã viết: “Nữ nhà văn, hoàn toàn xây dựng câu chuyện của mình ở một nơi xa lạ - Nepal và Tazania, con người và tên tuổi đều không quen thuộc, theo cách hiểu thông thường của chúng ta, những người quen đọc truyện Việt Nam. Phật giáo và các ý niệm của nó được dùng nhiều trong cuốn sách, có thể là không xa lạ gì, nhưng việc leo núi, vượt lên một cái gì đó quá sức tưởng tượng, khi đặt mình vào đó, mới biết mình là thế nào, cũng không phải là cách ta thường làm. Trừ trong chiến tranh, do hoàn cảnh bắt buộc”.
Riêng nhà phê bình văn học Nguyễn Chí Hoan thì cho rằng: “Điều gì làm nên sức lôi cuốn của một câu chuyện về cõi nội tâm? Là tính thành thật của câu chuyện đó. Nguyễn Quỳnh Trang cho thấy rõ trong tác phẩm thiên hướng và năng lực của cô kể một câu chuyện lớn trong một quy mô nhỏ”.
Tiểu thuyết Yêu trên đỉnh Kilimanjaro. |
“Yêu trên đỉnh Kilimanjaro” được chị viết trong 2 năm, từ trang đầu tiên (năm 2014) đến trang cuối cùng (năm 2016) hoàn toàn được viết tại Sài Gòn. Đó cũng là sự chậm lại so với nhịp độ trung bình mỗi năm xuất bản một đến hai tác phẩm mà Nguyễn Quỳnh Trang vẫn thường thực hiện trong hành trình 10 năm sáng tác.
Sự chậm lại đó không phải để hưởng ứng việc “sống chậm”, cũng không phải vì việc chuyển nơi sinh sống vào TP.HCM hơn 2 năm trước, mà vì thời gian đọc, nghiên cứu, và chiêm nghiệm các tài liệu đã chiếm phần lớn thời gian viết của chị.
Vì thế, “Yêu trên đỉnh Kilimanjaro” là một tác phẩm rất khác so với quá trình sáng tác trước đó, dù lối hành văn đẹp của tác giả vẫn được kế thừa và phát triển. Có thể gọi tác phẩm thuộc về dòng văn học tâm linh, diễn giải những vấn đề liên quan đến nhân duyên tạo ra Sống, con đường dẫn tới Tình yêu, phía sau của sự Chết… bằng ngôn ngữ gần với đời thường nhất, duy trì sức hút với người đọc bằng lối kể chuyện đậm chất văn học. Từ đó, độc giả sẽ lắng đọng, chiêm nghiệm sau khi gấp sách, hay đôi lần đọc lại.
Nguyễn Quỳnh Trang bắt đầu viết tiểu thuyết từ năm 2006 đến năm 2007 thì ra mắt tiểu thuyết “1981”, sau đó lần lượt là các tác phẩm: Nhiều cách sống (2009); Cho một hành trình (2009), 24 giờ (2011), Mất ký ức ( 2012), Đi về Không điểm đến (2013), 9X’09 (2014) và Yêu trên đỉnh Kilimanjaro (2016). Trong đó, tiểu thuyết “1981” và “Nhiều cách sống” đã được tái bản rất nhiều lần. Trong 10 năm qua, các sáng tác của Nguyễn Quỳnh Trang, đặc biệt là thể loại tiểu thuyết đã đi vào các luận văn tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ… của các sinh viên và nghiên cứu sinh chuyên ngành văn học. Bên cạnh đó, tiểu thuyết của Nguyễn Quỳnh Trang còn được Viện Văn học Việt Nam, Hội nhà Văn Việt Nam, Trung tâm Văn hóa Pháp… tổ chức giới thiệu, tọa đàm. |
Oanh Thủy
Ảnh: NVCC