Quỳnh Trang được biết đến nhà một trong số những nhà văn nữ nổi tiếng, đa tài của Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Sở hữu nét đẹp của một phụ nữ hiện đại, cộng với sự trẻ trung, năng động nên chị khá thuận lợi trong công việc. Không chỉ là nhà văn, chị còn đang công tác tại một tờ báo và được mời làm người dẫn chương trình truyền hình, giám khảo gameshow, tham gia các talk show, hội thảo tọa đàm...
Nhà văn Quỳnh Trang. |
Đến với văn chương từ năm 7 tuổi cùng các sáng tác thơ in trên báo Nhi Đồng, Thiếu Niên Tiền Phong, Hoa Học Trò... tên tuổi Quỳnh Trang sau đó cũng nhanh chóng được biết đến với hàng loạt truyện ngắn, tiểu thuyết hay và ý nghĩa in trong các tuyển tập đặc sắc như: Văn mới, Truyện ngắn 8X, Vũ điệu thân gầy, Độc thoại trên tháp nhà thờ...
Những tác phẩm trong sự nghiệp sáng tác của chị phải kể đến như tiểu thuyết 1981, Nhiều cách sống, Cho một hành trình, 24 giờ, Mất ký ức, Đi về không điểm đến, 9x09 và mới đây nhất là Yêu trên đỉnh Kilimanjaro.
Trong những ngày đang hân hoan với đứa con tinh thần mang tên “Yêu trên đỉnh Kilimanjaro” vừa được ra mắt, nhà văn Quỳnh Trang đã có những chia sẻ thú vị xoay quanh cuốn sách này cũng như những điều làm nên cuộc sống an yên của chị hiện tại:
- Tựa đề Yêu trên đỉnh Kilimanjaro có ý nghĩa như thế nào đối với chị?
- Kilimanjaro là ngọn núi dệt lên nhiều huyền thoại, trong đó có những linh hồn sau khi từ giã thân xác đều tụ về nơi này. Ở đây có băng hà bao phủ giữa lục địa châu Phi, mà người ta từng ngỡ băng hà sẽ ở đó vĩnh viễn. Nhưng thực tế, băng hà đang tan đi với tốc độ rất nhanh, và chỉ một thời gian ngắn nữa, sẽ không còn băng tuyết trên đỉnh Kilimanjaro.
Ngọn núi Kilimanjaro là bối cảnh rất tốt để tôi có thể viết lên sự biến đổi không ngừng của Sống, chẳng có gì là vĩnh cửu như con người ảo tưởng cả.
- Được biết, 2 năm chị mới hoàn thành và cho ra mắt Yêu trên đỉnh Kilimanjaro, so với các tác phẩm trước thì có lẽ tác phẩm này mất nhiều thời gian hơn?
- Tiểu thuyết “1981” tôi viết trong 28 ngày, sau đó, “Nhiều cách sống” mất một năm, còn “Mất ký ức” là ba năm và “9x’09” là bốn năm. Mỗi năm tôi ra một cuốn sách là vì ngay khi ngừng tiểu thuyết này, tôi viết luôn trang đầu cuốn khác để giữ nhịp. Có những lúc viết bốn cuốn một lúc như với “Mất ký ức”, “9x’09”, “Cho một hành trình” và “Đi về không điểm đến”… cuốn nào xong trước thì cho ra mắt bạn đọc trước.
Riêng “Yêu trên đỉnh Kilimanjaro” tôi viết tập trung vào một cuốn, công việc cũng giảm bớt đi để có thời gian tìm đọc tài liệu và trải nghiệm. “Yêu trên đỉnh Kilimanjaro” là cuốn sách tôi viết mất nhiều tâm sức nhất và viết trong sự bình tĩnh nhất từ trước tới nay.
- Người viết lách thường dựa vào những câu chuyện hay những trải nghiệm có thật để viết, nhưng với quyển sách này, bối cảnh lại ở một nơi rất xa, vậy chị đã viết nó như thế nào?
- Điều rất hay mà văn chương đem lại là giúp ta có thể sáng tạo nên không gian thế giới mới không có giới hạn, nhưng vẫn nằm trong sự quen thuộc có thể thuyết phục. Kilimanjaro, câu chuyện Thánh Nữ Nepal hoàn toàn đang tồn tại trong thế giới này, vì vậy, để có cảm giác thực nhất thì tôi phải tìm hiểu đọc xem các tài liệu. Tuy nhiên, đó chỉ là bối cảnh để tôi xây dựng nên câu chuyện về các nhân vật của mình - câu chuyện về tình yêu - nhân duyên, về sống - chết.
- Vậy cuối cùng chị nghiệm ra điều gì ở tình yêu và cái chết?
- Tình yêu và cái chết luôn song hành trong cuộc đời của mỗi người, không chỉ là đời thực, cũng không chỉ là trang sách. Nó là nguyên do để Sống.
- Có ai là người đồng hành cùng chị trong khi thực hiện Yêu trên đỉnh Kilimanjaro không?
- Mỗi khi viết một cuốn sách, cũng là lúc tôi phải đi qua bài học lớn. Mỗi bài học, lại tạo nên một chuyển biến cao hơn về tâm thức. “Yêu trên đỉnh Kilimanjaro” chính là bạn đồng hành cùng tôi trong sự chuyển hóa về tinh thần. Người viết thì luôn cần một mình và trong hoàn cảnh nào cũng không được buông tay viết. Cuối cùng, tôi hài lòng vì đã dành mọi thứ mình có, để viết nên cuốn sách.
- Vậy chị tin điều gì làm nên cuộc sống hạnh phúc của mình?
Tôi vẫn tìm được niềm vui dù đang ở giữa bão tố. Bởi, thay vì nhìn chăm chăm vào những tiêu cực, tôi cố tìm một đốm sáng tích cực, dù rất nhỏ. Về cơ bản, tôi là người lạc quan, luôn tin rằng hạnh phúc, may mắn sẽ tới, khi mà bản thân mình cố gắng và luôn hướng về phía ánh sáng.
Điều cơ bản làm nên niềm vui nội tại trong mỗi người, đó là học cách sống trong thực tại, chấp nhận mọi vấn đề thực tại mang lại, không bám chấp vào bất cứ điều gì. Khi tìm thấy sự thanh thản từ bên trong mình mà không cần ngoại cảnh tác động là lúc biết cách tự làm mình hoan lạc.
- Nói vậy có nghĩa là cuộc sống của chị không gặp nhiều may mắn, mà là do chính chị tự tạo ra điều đó?
- Đúng vậy, tôi không phải là người phụ nữ gặp may mắn. Mọi thứ có được đều từ nỗ lực của bản thân.
- Cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ!