Xuất hiện trên thị trường chỉ hơn ba năm, những thương hiệu ngoại có mức giá bình dân như Zara và H&M nhanh chóng chứng minh sức hấp dẫn với người tiêu dùng Việt khi doanh thu từ hai thương hiệu này bỏ xa những chuỗi thời trang nội như Blue Exchange, Ivy Moda hay Kowil.
Theo báo cáo tài chính của Zara Việt Nam, chỉ với hai cửa hàng tại Hà Nội và TP HCM, doanh thu của thương hiệu này năm 2018 đã vượt 1.700 tỉ đồng, cao hơn cả những chuỗi bán lẻ thời trang cao cấp như Tam Sơn Fashion hay Mai Sơn International Retail.
Tại Việt Nam, Zara được phân phối bởi tập đoàn Mitra Adiperkasa của Indonesia từ năm 2016. Ngoài ra, năm 2017, đơn vị này còn đưa vào thị trường thêm ba thương hiệu thời trang khác gồm Massimo Dutti, Pull & Bear và Stradivarius. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính của Mitra Adiperkasa, Zara vẫn là cái tên chủ lực.
Theo số liệu năm 2018, doanh thu từ thị trường Việt Nam đem về cho tập đoàn này hơn 1.200 tỉ rupiah, tương đương khoảng 1.970 tỉ đồng. Trong 5 pháp nhân đang hoạt động, riêng Zara Việt Nam đã đóng góp gần 90%.
Việt Nam cũng thường được nhắc tới với những nhận xét tích cực, thực tế đây cũng là thị trường đứng thứ hai về doanh thu đóng góp cho Mitra Adiperkasa, chỉ sau Indonesia. Doanh thu từ thị trường Việt Nam năm 2018 tăng gần gấp đôi năm 2017 và gấp gần bốn lần thị trường Thái Lan (xếp thứ ba trong danh sách những thị trường chủ lực của Mitra Adiperkasa).
Tổng ba năm có mặt trên thị trường Việt Nam, thương hiệu thời trang này thu về gần 3.100 tỉ đồng, với biên lợi nhuận gộp bình quân hàng năm khoảng 40%.
Khách hàng chen chân mua sắm trong ngày H&M ra mắt cửa hàng tại Hà Nội năm ngoái. Ảnh: Anh Tú
Cùng phân khúc giá với Zara, H&M cũng nhanh chóng gặt hái thành công tại thị trường Việt Nam. Dù mới tham gia thị trường hơn hai năm nhưng doanh thu của thương hiệu này đã đạt vài trăm tỉ đồng mỗi năm.
Năm 2018, doanh thu của H&M Việt Nam hơn 763 tỉ đồng, gấp gần bốn lần so với năm đầu tiên góp mặt.
Sự tăng trưởng nhanh của Zara và H&M cũng phần nào cho thấy xu hướng tiêu dùng của khách hàng Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu khai trương cửa hàng đầu tiên của Zara và H&M, hàng dòng người, đa phần là thanh niên đã xếp hàng chờ thử đồ, thanh toán.
Một khảo sát hồi năm ngoái của Niesel cho thấy, người Việt đứng thứ 3 thế giới về chuộng hàng hiệu, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Trong khi, nghiên cứu của Statistics Portal – một công ty nghiên cứu thị trường của Đức dự báo, tốc độ tăng trưởng hàng năm của thời trang Việt Nam giai đoạn 2017 - 2022 là 22,5%. Nhờ mức tăng trưởng này, thị trường có thể đạt doanh thu gần 1 tỉ USD vào năm 2022.
Dù doanh thu tăng nhanh nhưng cũng có thực tế là lợi nhuận trước thuế của Zara và H&M đều duy trì ở mức thấp, chỉ vài chục tỉ đồng so với con số doanh thu khổng lồ đạt được. Cả hai thương hiệu này, mỗi năm, đều chi mạnh tay cho chi phí bán hàng để thu hút người tiêu dùng.
Năm 2018, lợi nhuận trước thuế của Zara Việt Nam chỉ ở mức 98 tỉ đồng, tương đương khoảng 6% doanh thu. Nguyên nhân chính do khoản chi phí bán hàng tăng nhanh không kém tốc độ tăng của hoạt động kinh doanh. Hai năm gần nhất, khoản chi này đều chiếm trên 70% lợi nhuận gộp.
Với H&M, cũng không khác biệt khi lợi nhuận hai năm góp mặt tại thị trường Việt Nam chỉ lần lượt là 13 và 15 tỉ đồng. Thương hiệu này, sau hai năm góp mặt, đã có 7 cửa hàng, gấp hơn 3 lần Zara, gồm 3 cửa hàng tại Hà Nội và 4 cửa hàng tại TP HCM. Chi phí mở mới, cùng các chương trình khuyến mãi đã ăn mòn phần lớn lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của H&M.