Ông Minh nức nở khi gặp người thân sau vụ đánh bom ở Ai Cập. (Ảnh: CTV).
100 ngày sau vụ du khách Việt bị đánh bom ở Ai Cập, ông Lê Đức Minh (58 tuổi, ngụ TP.HCM) - người bị ám ảnh nhất vì 4 người ngồi xung quanh đều chết (trong đó có vợ ông) mới bình tĩnh ngồi chia sẻ cùng phóng viên Thanh Niên.
Ngày cuối cùng của chuyến du lịch Ai Cập, ông Minh cùng vợ của mình là bà Nguyễn Thúy Quỳnh (sinh năm 1962, đã tử nạn) ngồi ở hàng ghế thứ hai trên xe buýt. Khi xe vừa qua khu vực gần Kim Tự Tháp ở thành phố Giza của Ai Cập thì bom phát nổ.
Cả 4 người xung quanh ông Minh, gồm hướng dẫn viên người Ai Cập (ngồi phía trước), vợ ông (ngồi bên cạnh), ông Trần Hóa Khánh (hàng dưới, bạn đại học của ông Minh) và anh Nguyễn Trọng Tiến (29 tuổi, hướng dẫn viên người Việt) đều tử nạn.
Trong căn nhà rộng mênh mang, đầy đủ tiện nghi, bàn thờ của vợ ông đặt ngay góc cửa ra vào. Tiếp chuyện tôi, ông Minh chốc chốc lại nhìn qua di ảnh vợ rồi bật khóc.
Ông bảo, dù có cố chấp nhận nhưng mà ông vẫn nhớ lắm, tất cả những kỷ niệm, những lời nói của vợ như mới vừa diễn ra làm ông càng cảm thấy cô quạnh trong chính mái ấm của mình.
Trong tiếng nấc nghẹn, ông kể: “Lúc đấy vợ chồng tôi định mua tour Hy Lạp nhưng ít người đi quá nên chuyển qua tour Ai Cập. Rồi rủ bạn là vợ chồng chị Hà, anh Khánh đi cùng. Có ai ngờ, đó lại là chuyến đi của sinh ly tử biệt. Chúng tôi chơi thân từ thời học đại học, cùng đi du lịch với nhau cũng nhiều chuyến, vậy mà sau chuyến đi này thì người mất vợ, người mất chồng”.
Đôi mắt đỏ au, ông Minh nhắc lại về khoảnh khắc cuối cùng của vợ. “Khi bom vừa nổ, Quỳnh chỉ nói được 3 câu: “Em làm sao thế này?”, “Anh có sao không?”, “Chắc em chết mất anh Minh ơi”,… vừa dứt câu thì Quỳnh lịm đi.
Bốn người xung quanh tôi đều chết, nhưng tôi may mắn thoát chết vì lúc đó hướng dẫn viên người Ai Cập đang nhổm lên để cột lại dây ở balo nên đã che cho tôi.
Theo cá nhân tôi, với kinh nghiệm từng là bộ đội, tôi nghĩ bom được cài ngay trên xe, ở phía cửa lên xuống. Nhưng sau vụ tai nạn, không ai đề cập đến vấn đề này cả”, ông đau đớn nhớ lại.
Trở về sau chuyến đi sinh ly tử biệt, ông Minh vẫn ngày đêm nhớ thương vợ của mình. (ảnh: FBNV).
Trở về Việt Nam, kìm nén nỗi đau, ông hỏa táng rồi mang một phần tro của vợ gửi ở chùa, còn lại rải trên sông ở TP.Vũng Tàu như nguyện vọng của vợ.
Cứ thứ năm hằng tuần (ngày xảy ra vụ đánh bom là thứ năm), ông lại về Vũng Tàu thăm vợ. Sau đó, ông sẽ trở lại ngôi chùa gần nhà mà vợ hay đi để thắp nhang.
Lúc đấy vợ chồng tôi định mua tour Hy Lạp nhưng ít người đi quá nên chuyển qua tour Ai Cập. Rồi rủ bạn là vợ chồng chị Hà, anh Khánh đi cùng. Có ai ngờ, đó lại là chuyến đi của sinh ly tử biệt. Chúng tôi chơi thân từ thời học đại học, cùng đi du lịch với nhau cũng nhiều chuyến, vậy mà sau chuyến đi này thì người mất vợ, người mất chồng
Ông Lê Đức Minh
Ông vừa khóc vừa nói: “Hồi mới thành lập công ty, vợ chồng tôi có mua một chiếc xe 4 chỗ rẻ tiền thôi, mà hai vợ chồng đi cùng nhau gần 500 ngàn cây số. Trên xe hay nói với nhau những chuyện gì, tới đâu có sự cố hay bàn bạc gì,… tôi đều nhớ hết.
Khi chúng tôi mua được chiếc xe đắt tiền hơn, bán chiếc xe này đi thì Quỳnh cũng đi… Nhớ nhất là Quỳnh hay đưa tôi chai nước nói 'anh uống nước'.
Tôi phải vặn nắp cho lỏng ra rồi đưa lại cho Quỳnh. Quỳnh sẽ đưa lại bảo tôi uống trước đi. Tôi sẽ uống một ngụm rồi đưa chai nước cho Quỳnh. Quỳnh lại nói là toàn mùi thuốc, xong lấy khăn lau đi rồi mới uống… Lần nào cũng vậy, trên chuyến xe buýt ở Ai Cập cũng vậy, nên giờ cứ cầm chai nước là tự nhiên nước mắt tôi lại chảy”.
Hằng tháng, đúng ngày 28 (ngày xảy ra vụ nổ bom), ông lại tự chạy xe ra Bình Thuận thắp nhang cho anh Tiến và ra Nha Trang thắp nhang cho anh Khánh. Ông nói rằng ông đi như vậy không vì gì cả, chỉ vì bản thân nhắc rằng phải đi.
Theo lời ông Minh, hoàn cảnh nhà anh Tiến rất buồn. Ở nhà toàn phụ nữ, 3 người đàn ông thì đều chỉ còn ở tấm hình di ảnh trên bàn thờ. Anh Tiến là trụ cột chính của gia đình nên sự ra đi đường đột của anh cũng khiến người mẹ già ngày đêm thẫn thờ vì nhớ thương con.
Đã 100 ngày từ sau chuyến đi sinh ly tử biệt, nhưng ông vẫn chưa dám mở chiếc túi đựng điện thoại của vợ và của ông với hàng ngàn bức ảnh của chuyến đi cùng với những đồ lưu niệm hai vợ chồng mua ở Ai Cập.
Hiện trường vụ nổ bom (Ảnh: Reuters).
Sau khi vợ mất, hai con cũng trở về ở cùng với ông được qua 49 ngày của mẹ, rồi vì cuộc sống nên ông cũng lại một mình. Ngày ngày đi ra đi vào, tự mình vào bếp nấu cơm, ăn uống, dọn dẹp trong căn nhà rộng thênh thang mà nước mắt cứ vậy rơi.
Ông tâm sự: “Như là có điềm trước, Quỳnh đã sắp xếp hết mọi thứ ổn định, nhà xưởng công ty cho thuê dài hạn, nên giờ tôi cũng không cần làm gì. Chứ không trong tâm trạng này tôi cũng chẳng thể làm được gì. Tôi phải tìm mọi cách giết thời gian, ra công viên đi bộ. Bạn bè rảnh gọi cà phê thì tôi chạy ra. Nhưng tối trở về nhà, tôi chỉ mong nghe tiếng dép bạch bạch, vì ngày xưa Quỳnh bước xuống cầu thang sẽ nghe tiếng như thế… Rồi khi mệt thiếp đi, thì chỉ mong gặp được Quỳnh trong mơ, để tỉnh dậy, lại ướt đẫm nước mắt…”
Chồng nạn nhân bị đánh bom chết ở Ai Cập: 'Bom nổ, vợ còn hỏi anh có sao không?' Lời chia tay hướng dẫn viên trẻ bị đánh bom ở Ai Cập: 'Tiến ơi, về thôi!' Con trai có ba mất, mẹ bị thương vì đánh bom Ai Cập: 'Mong ba mẹ sớm trở về!'
Nỗi đau đến đường đột, ông Minh không biết bao giờ mới có thể quen được với việc mất đi người vợ thương yêu của mình, nhưng câu chuyện về tình, nghĩa sau vụ đánh bom, câu chuyện về tình yêu vĩnh cửu của ông Minh với vợ thì vẫn còn đó…
Cuộc sống này rất vô thường, hãy trân trọng những gì bạn đang có, vì hạnh phúc đơn giản chỉ là còn được nhìn thấy nhau mỗi ngày.