Theo dữ liệu từ Wichart, tính tới chiều 31/10 có hơn 900 doanh nghiệp trên HOSE, HNX và UPCoM công bố báo cáo tài chính. Có khoảng 43% đơn vị có doanh thu tăng trưởng và 35% công ty ghi nhận lợi nhuận ròng quý III tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Thống kê cho thấy có 24 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận ròng đạt trên 1.000 tỷ đồng trong quý III. Trong đó có 14 ngân hàng, hai doanh nghiệp bất động sản, hai công ty trong lĩnh vực dầu khí.
Có 13/24 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận ròng tăng trong quý III, cao nhất thuộc về CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (Mã: BSR). Các đơn vị có lợi nhuận suy giảm quý vừa qua chủ yếu nằm ở nhóm ngân hàng.
CTCP Vinhomes (Mã: VHM) tiếp tục là quán quân lợi nhuận trên sàn chứng khoán với mức lãi ròng 10.695 tỷ, song con số này lại giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng doanh thu thuần của Vinhomes đạt 32.700 tỷ đồng trong quý vừa qua, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương quý liền trước. Đóng góp lớn vào lợi nhuận của Vinhomes là nhờ bàn giao 2.400 căn bất động sản thấp tầng tại đại dự án Vinhomes Ocean Park 3.
Ngoài Vinhomes thì một đơn vị khác trong hệ sinh thái Vin là CTCP Vincom Retail (Mã: VRE) báo lãi 1.317 tỷ quý III, tăng 66% so với quý III năm ngoái. Đây là quý lãi kỷ lục của Vincom Retail và cũng là quý thứ 6 doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng liên tiếp.
Các đơn vị phi tài chính đạt lãi ròng trên nghìn tỷ còn có Lọc hoá dầu Bình Sơn, Tổng Công ty khí Việt Nam (PV GAS - Mã: GAS), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV), Tập đoàn FPT (Mã: FPT), Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG), CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer - Mã: MCH), Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global - Mã: VGI), Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - Mã: SAB).
Quý III, cả ACV và FPT tiếp tục phá đỉnh lợi nhuận đạt được trong quý II. Trái lại, PV GAS, Viettel Global, Sabeco có lợi nhuận suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau hai quý thua lỗ nửa cuối năm ngoái, lợi nhuận của Hoà Phát đã cải thiện qua từng quý và báo lãi ròng 2.005 tỷ quý III, cùng kỳ năm ngoái lỗ 1.774 tỷ. Dù báo lãi nghìn tỷ nhưng con số vẫn còn ở mức rất thấp so với thời kỳ hoàng kim của "chiếc xe lu" trong ngành thép.
Thống kê cho thấy Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex - Mã: PLX) tiếp tục là quán quân doanh thu thuần trong quý III với 72.414 tỷ song đã giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài Petrolimex thì hai đại diện khác trong nhóm phân phối xăng dầu là Lọc hoá dầu Bình Sơn và PV OIL cũng luôn nằm trong top doanh thu trên sàn. Cả ba doanh nghiệp trong nhóm phân phối xăng dầu đều ghi nhận doanh thu thuần suy giảm so với quý III/2022.
Trong 15 doanh nghiệp top doanh thu trên sàn, công ty có mức tăng trưởng doanh thu cao nhất là Vinhomes mới mức tăng 84%, ngoài ra công ty mẹ Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) cũng ghi nhận doanh thu tăng 67% lên mức kỷ lục 47.948 tỷ.
Trong quý III, Vingroup ghi nhận30.281 tỷ đồng doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản (tăng 82%), theo sau là nguồn thu từ hoạt động sản xuất với 7.457 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ năm 2022. Nguồn thu từ mảng cho thuê bất động sản; khách sạn, du lịch; bệnh viện, giáo dục biến động không đáng kể.