Nhiều người dân thuê căn hộ thuộc sở hữu nhà nước tại cư xá Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chờ tháo gỡ vướng mắc để được mua nhà - Ảnh: Quang Định |
Việc chậm giải quyết hồ sơ mua bán nhà không phải lỗi của người dân. Do vậy với trường hợp người dân đã nộp hồ sơ mua nhà trước thời điểm nghị định 99 có hiệu lực, Nhà nước không nên áp dụng quy định nói trên. Bà Lâm Thị Hoàng Hương |
Những trường hợp hồ sơ bị vướng hầu hết do người dân không có biên bản, hợp đồng thuê nhà hoặc tự chuyển nhượng quyền thuê nhà bằng giấy tay qua nhiều đời chủ, tập trung ở các quận 5, 10 và Bình Thạnh.
Không xác định được thời điểm bố trí sử dụng nhà
Nhà số 606/147/2/4 đường 3 Tháng 2 (P.14, Q.10, TP.HCM) thuộc sở hữu nhà nước, hiện do ông Lê Hữu Vinh thuê đã qua năm đời chủ sử dụng. Nguồn gốc căn nhà do chính quyền chế độ cũ cấp cho quân nhân.
Sau năm 1975, căn nhà là tài sản do Nhà nước quản lý và được các chủ sử dụng chuyển quyền thuê nhà bằng giấy tay ba lần vào các năm 1980, 1982 và 2003.
Đến năm 2013, ông Vinh nhận chuyển nhượng quyền thuê nhà bằng giấy tay và dọn vào ở đến nay. Năm 2015, ông Vinh nộp đơn xin mua nhà nhưng đơn vị quản lý nhà trả lời đang vướng, chưa xác định được thời điểm bố trí sử dụng nhà.
Trả lời ông Vinh, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Q.10 (đơn vị quản lý nhà) cho biết nếu thời điểm bố trí sử dụng nhà được xác định từ chủ đầu tiên (trước năm 1975), ông Vinh sẽ được mua nhà với giá trị bằng 40% bảng giá đất hiện nay.
Nếu xác định thời điểm bố trí nhà bằng thời gian chủ trước nhận chuyển nhượng (năm 2003), ông Vinh phải mua nhà với giá bằng 100% bảng giá đất.
Còn nếu thời điểm bố trí nhà được xác định vào năm ông Vinh nhận chuyển nhượng (năm 2013), ông sẽ không được mua nhà bởi theo quy định, nếu nhà bố trí từ ngày 19-1-2007 trở về sau thì không được bán. Do chưa thống nhất cách tính, hồ sơ của ông Vinh bị “ách” hai năm nay.
Giá bán nhà sở hữu nhà nước theo thời điểm bố trí sử dụng - Tư liệu: TIẾN LONG - Đồ họa: TẤN ĐẠT |
Chờ hướng dẫn
Một trường hợp khác, ông Nguyễn Hữu Thành, chủ sử dụng nhà 224/6/5 Lý Thường Kiệt (P.14, Q.10), cũng đang bị “ách” hồ sơ mua bán trong khi nhà ngày càng xuống cấp. Đây cũng là nhà của chế độ cũ cấp cho quân nhân.
Năm 1991, ông Thành nhận chuyển nhượng quyền thuê nhà bằng giấy tay từ chủ trước. Năm 2008 Nhà nước bán hóa giá nhà, nhưng do kinh tế khó khăn nên ông Thành không nộp hồ sơ. Mãi đến năm 2013, ông Thành mới ký hợp đồng thuê nhà với công ty quản lý.
Tháng 3-2014, ông Thành nộp hồ sơ xin mua nhà nhưng chưa được giải quyết. Đơn vị quản lý nhà trả lời trường hợp của ông lẽ ra không cần xác định thời điểm sử dụng nhà và được mua với giá 40% bảng giá đất. Nhưng do ông mới ký hợp đồng thuê nhà nên phải chờ hướng dẫn xác định thời điểm sử dụng.
Mới đây, ông Thành tiếp tục nộp đơn lần hai nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Q.10, hiện còn khoảng 300 căn nhà riêng lẻ vướng hồ sơ mua bán như hai trường hợp trên. Ngoài ra, còn khoảng 1.000 hồ sơ xin mua căn hộ chung cư chưa được giải quyết.
Nguyên nhân do quy định trước đó không cho bán chung cư có chất lượng kiểm định dưới 50%. Đến khi nghị định 99 (hướng dẫn Luật nhà ở 2014) có hiệu lực lại cho phép bán. Và khi người dân nộp hồ sơ mua nhà lại vướng chuyện không xác định được thời điểm bố trí sử dụng nhà.
Vướng giá đất, quy hoạch
Hiện Q.Bình Thạnh đang vướng 300 hồ sơ mua bán nhà thuộc sở hữu nhà nước do ba nguyên nhân: chưa xác định được thời điểm sử dụng nhà, vướng giá đất, vướng quy hoạch.
Bà Lâm Thị Hoàng Hương, phó giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Q.Bình Thạnh, cho biết hiện nay theo quy định, người dân nộp hồ sơ từ ngày 6-6-2013 (ngày nghị định 34 năm 2013 quy định về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước có hiệu lực) đến 1-1-2015 sẽ được mua nhà theo giá đất 2014.
Còn những trường hợp nộp hồ sơ trước ngày 6-6-2013 phải mua theo giá năm phê duyệt hồ sơ bán nhà.
Theo bà Hương, 90% hồ sơ vướng ở Q.Bình Thạnh đều nộp trước ngày 6-6-2013. Nếu giải quyết bán nhà vào thời điểm đó, người dân được mua theo bảng giá đất thấp hơn hiện nay.
Ngoài ra, hiện Bình Thạnh còn khoảng 1.500 căn nhà thuộc sở hữu nhà nước người dân chưa nộp hồ sơ mua. Trong đó tính riêng 20 block thuộc cư xá Thanh Đa chiếm khoảng 50% số nhà.
Theo quy hoạch, một số block trong cư xá Thanh Đa nằm trong khu vực quy hoạch bảo vệ hành lang kênh, rạch. Trong khi đó, nghị định 99 quy định không bán nhà nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng làm công trình phục vụ mục đích công cộng...
Nếu áp dụng quy định này đối với cư xá Thanh Đa, nhiều người sẽ không được mua nhà.
Sở Xây dựng chờ hướng dẫn Theo đại diện Sở Xây dựng TP.HCM, từ năm 2015 đến nay UBND TP.HCM đã có công văn gửi Thủ tướng và Bộ Xây dựng xin hướng dẫn điều kiện, tiêu chí xác định thời điểm bố trí sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. Trong đó có nêu rõ nếu giải quyết chậm trễ hồ sơ đề nghị mua nhà thuộc sở hữu nhà nước sẽ dễ phát sinh khiếu nại. Ngoài ra, giá đất, hệ số K điều chỉnh giá đất hằng năm biến động sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người mua nhà. Tuy nhiên, đến nay TP.HCM vẫn chưa nhận được thông tin hướng dẫn. “Đề xuất của TP.HCM là nếu tính thời điểm bố trí sử dụng nhà nên tính từ thời điểm chủ đầu tiên sử dụng để tạo thuận lợi cho người dân” - vị này nói. |
Quan chức về hưu và chuyện trả nhà công vụ
Quan chức về hưu vẫn giữ nhà công vụ đang là câu chuyện thời sự được dư luận quan tâm. |